Tìm ra vaccine ung thư tiêu diệt u hắc tố và di căn
Loại vaccine ung thư sẽ được hỗ trợ bởi AI, có thể tạo ra trong 1 tuần dành riêng cho từng người bệnh với các giai đoạn khác nhau.
Loại vaccine ung thư của Nga sẽ được hỗ trợ bởi AI, dành cho từng cá thể người bệnh. |
Các nhà khoa học Nga tại Trung tâm Quốc gia Gamaleya về Dịch tễ học và Vi sinh học, trực thuộc Bộ Y tế Liên bang Nga mới đây đã tiến thêm một bước trong quá trình nghiên cứu và phát triển ra vaccine ung thư.
Kết quả thử nghiệm tiền lâm sàng cho thấy triển vọng bất ngờ khi các khối u hắc tố (melanoma) đã bị triệt tiêu hoàn toàn, và ngay cả các ổ di căn cũng biến mất.
Ung thư hắc tố da (Melanoma) là ung thư da ác tính nhất, phát triển từ các tế bào sản xuất melanin (melanocytes). Ung thư hắc tố cũng có thể biểu hiện ở vị trí ngoài da như mắt hoặc hiếm hơn là cơ quan nội tạng (ví dụ: ruột).
Ông Alexander Gintsburg, Giám đốc của trung tâm, chia sẻ với Sputnik: "Qua các thử nghiệm tiền lâm sàng, chúng tôi nhận thấy rằng khối u – cụ thể là u hắc tố – bị tan rã hoàn toàn và biến mất, không chỉ ở khối u chính mà còn ở cả những di căn."
Thậm chí ông Gintsburg còn bày tỏ triển vọng mạnh mẽ hơn: "Tôi không loại trừ khả năng chúng tôi có thể điều trị cho những bệnh nhân ở giai đoạn 4."
Nhà khoa học này cũng tiết lộ rằng, hiện nay, đã có kế hoạch để khởi động các thử nghiệm đánh giá hiệu quả của loại thuốc này trên một loạt các loại ung thư khác, bao gồm ung thư phổi, ung thư thận và ung thư tuyến tụy. Các viện nghiên cứu chuyên sâu về ung thư được kỳ vọng sẽ tham gia hỗ trợ tích cực vào nghiên cứu này, ông Gintsburg giải thích thêm.
Trước đó, ông Gintsburg từng chia sẻ với Sputnik rằng vaccine ung thư sẽ được thiết kế theo hướng cá nhân hóa – nghĩa là nó sẽ được tạo ra riêng biệt cho từng bệnh nhân.
Trí tuệ nhân tạo, với khả năng phân tích vượt trội, sẽ tham gia vào quá trình tạo ra vaccine bằng cách đánh giá các đặc điểm của khối u và xây dựng một "kế hoạch chi tiết" cho loại thuốc cần sản xuất. Dựa trên bản kế hoạch này, các nhà khoa học sẽ tạo ra vaccine trong khoảng thời gian một tuần.
Các thử nghiệm lâm sàng về vaccine ung thư trên bệnh nhân ung thư dự kiến sẽ bắt đầu vào giữa năm 2025.
“Tôi nghĩ rằng vào giữa năm sau, chúng tôi sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vaccine với sự tham gia của những bệnh nhân ung thư" - ông Gintsburg cho biết.
Ông lưu ý rằng hiện nay vaccine đang được thử nghiệm trong các nghiên cứu tiền lâm sàng trên chuột và công nghệ này đang được phát triển không chỉ để kéo dài tuổi thọ của động vật mắc bệnh ung thư hắc tố lên 2-3 lần mà còn tạo ra các loại thuốc cho phép tiêu diệt chắc chắn cả khối u và di căn.
Theo ông, nếu có thể thực hiện được công nghệ này, vaccine sẽ giúp ích cho những bệnh nhân mắc ung thư phổi không tế bào nhỏ, ung thư tuyến tụy, một số loại ung thư thận, u hắc tố.
Hơn nữa, ở những bệnh này, di căn xuất hiện ở giai đoạn đầu. Do đó, việc sử dụng vaccine sẽ là hoàn toàn phù hợp.