TS. Hà Đăng Sơn: Luật Điện lực (sửa đổi) khơi thông các điểm nghẽn để phát triển bền vững
Theo chuyên gia năng lượng, TS Hà Đăng Sơn, Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ giúp khơi thông các điểm nghẽn pháp lý trong phát triển điện lực ở Việt Nam.
Là chuyên gia về năng lượng, tham gia góp ý và theo sát quá trình sửa đổi Luật Điện lực, ngay sau khi Quốc hội ấn nút thông qua, TS. Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh đã bày tỏ sự vui mừng và đánh giá cao Luật khi mà nhiều vấn đề nổi cộm được xem là điểm nghẽn trong phát triển điện lực thời gian qua đã được thể chế hóa. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho phát triển điện lực trong thời gian tới.
Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với TS. Hà Đăng Sơn xung quanh nội dung của Luật Điện lực (sửa đổi).
TS Hà Đăng Sơn đánh giá cao về Luật Điện lực (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua. Ảnh: HĐ |
Từ góc độ chuyên gia nghiên cứu năng lượng, xin ông cho biết đánh giá về quá trình sửa đổi luật “thần tốc nhưng cũng rất kỹ lưỡng” để tạo hành lang pháp lý cho phát triển điện lực, đáp ứng các mục tiêu về phát triển kinh tế và bền vững?
Luật Điện lực là một văn bản quy phạm pháp luật được ban hành nhằm đưa ra quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực phát triển điện lực và được Nhà nước bảo đảm thực hiện.
Trong giai đoạn vừa qua, Luật Điện lực hiện hành (Luật số 24/2012/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2012, được sửa đổi bổ sung bởi: Luật số 28/2018/QH14 ngày 15 tháng 6 năm 2018, Luật số 03/2022/QH15 ngày 11 tháng 01 năm 2022, Luật Giá số 16/2023/QH15 ngày 19 tháng 6 năm 2023) đã bộc lộc nhiều hạn chế do chưa xử lý được các điểm nghẽn đã tồn tại thời gian dài vừa qua, mà nổi bật là việc thiếu cơ sở pháp lý về đầu tư, quy hoạch phát triển điện lực, giá điện... đối với các dự án điện khí, điện năng lượng tái tạo, đặc biệt là các dự án điện gió ngoài khơi, khiến cho việc triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII bị ảnh hưởng lớn về mặt tiến độ, có ảnh hưởng nhất định đến yêu cầu bảo đảm an ninh cung cấp điện, cũng như thực hiện các cam kết của Việt Nam về biến đổi khí hậu và Net-Zero.
Tại Tờ trình số 4999/TTr-BCT ngày 31/7/2023, Bộ Công Thương đã nêu rõ sự cần thiết ban hành Luật Điện lực (sửa đổi) và đã nhận được sự đồng thuận của Chính phủ tại Nghị quyết số 203/NQ-CP ngày 1/12/2023, theo đó yêu cầu Bộ Công Thương hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật theo hướng trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại một kỳ họp (Kỳ họp thứ 8, tháng 10/2024). Ngày 11/6/2024, Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) cùng các tài liệu kèm theo trong hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Điện lực (sửa đổi) đã được Bộ Công Thương gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ.
Luật Điện lực (sửa đổi) được lấy ý kiến rộng rãi tại hội nghị, hội thảo. Ảnh: TA |
Trên cơ sở các ý kiến góp ý của các bên liên quan, Bộ Công Thương đã chỉnh lý bổ sung và ngày 5/7/2024 đã trình Chính phủ Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) và các tài liệu kèm theo hồ sơ xây dựng dự án Luật. Ngày 23/7/2024, Chính phủ tổ chức phiên họp Thường trực Chính phủ cho ý kiến về Luật Điện lực (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến đồng thuận của Thường trực Chính phủ, Bộ Công Thương đã thực hiện thủ tục gửi hồ sơ cho Văn phòng Quốc hội và Uỷ ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội vào ngày 8/8/2024 để thực hiện thẩm tra.
Trong các ngày 5, 6 và 9/8/2024, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã tổ chức Hội thảo “Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi)”. Bộ Công Thương tiếp tục gửi ý kiến tham luận của các đại biểu tại hội thảo đến các Cục, Vụ để thực hiện tiếp thu, giải trình và hiệu chỉnh vào dự thảo Luật theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.
Ngày 4/10/2024, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức họp thẩm tra về dự án Luật Điện lực (sửa đổi) và Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã có Báo cáo số 3026/BC-UBKHCNMT15 về một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất với ý kiến của đa số Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường là trình Quốc hội thông qua dự án luật này tại Kỳ họp thứ 8.
Có thể thấy, quá trình xây dựng dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đã được thực hiện với tinh thần trách nhiệm, sự cố gắng và phối hợp chặt chẽ của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan để triển khai công việc một cách khẩn trương nhưng kỹ lưỡng và thận trọng để đảm bảo chất lượng của dự thảo Luật, như Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đánh giá, "Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn ĐQBH, các vị ĐBQH, dự thảo Luật đã được chỉnh lý và nhận được sự đồng thuận của các cơ quan liên quan, đáp ứng yêu cầu chất lượng; góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong phát triển điện lực của đất nước, đáp ứng mục đích xây dựng Luật."
Về các vướng mắc trong việc đàm phán hợp đồng mua bán điện của các dự án nhiệt điện khí, điện năng lượng tái tạo, Luật Điện lực (sửa đổi) nêu rõ yêu cầu có cơ chế phát triển các dự án điện lực phù hợp với cấp độ thị trường điện cạnh tranh trên cơ sở bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và an ninh tài chính quốc gia, bảo đảm lợi ích của Nhà nước và Nhân dân, ổn định kinh tế vĩ mô trong từng thời kỳ. Theo đó, cần làm rõ các quy định liên quan tới hai nội dung quan trọng là: (i) sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn (Qc) và thời gian áp dụng; (ii) nguyên tắc tính giá điện, bảo đảm thực hiện dự án đầu tư.
Các dự án nhiệt điện khí được định hướng dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống điện, với ưu tiên sử dụng nguồn khí trong nước tối đa theo khả năng cấp khí và các ràng buộc về nhiên liệu để bảo đảm hài hoà lợi ích tổng thể của quốc gia, cũng như ưu tiên phát triển các dự án điện khí LNG gắn với việc sử dụng chung hạ tầng kho cảng nhập khí thiên nhiên hóa lỏng, đường ống khí để giảm giá thành sản xuất điện.
Liên quan tới các vướng mắc trong việc đầu tư các dự án năng lượng mới, năng lượng tái tạo, Luật nêu rõ việc cần có những cơ chế ưu đãi, hỗ trợ cho các loại hình nguồn điện năng lượng mới và năng lượng tái tạo, đặc biệt là cần có cơ chế đột phá cho điện gió ngoài khơi; và có một chương riêng (Chương III) quy định về việc phát triển điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới trong đó các nội dung liên quan tới điện gió ngoài khơi được quy định cụ thể ở Điều 26 tới Điều 29, trong đó nêu rõ những ưu đãi mà nhà đầu tư điện gió ngoài khơi được hưởng như: Sản lượng Qc, miễn giảm tiền sử dụng khu vực biển, miễn giảm tiền sử dụng đất, thuê đất, cũng như cho phép cấp tín dụng vượt giới hạn đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (như EVN, PVN trong trường hợp tham gia triển khai các dự án điện gió ngoài khơi).
Luật Điện lực (sửa đổi) kỳ vọng sẽ thúc đẩy năng lượng tái tạo phát triển. (Ảnh tư liệu) |
Về chính sách phát triển điện hạt nhân, Luật quy định Nhà nước độc quyền đầu tư xây dựng và vận hành dự án nhà máy điện hạt nhân, đảm bảo tuân thủ quy định của Luật Năng lượng nguyên tử. Việc quy hoạch phát triển điện hạt nhân phải gắn liền, đồng bộ, phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực để đảm bảo mục tiêu an ninh cung cấp điện. Luật cũng quy định về việc khuyến khích các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch chuyển đổi sang các nguồn nhiên liệu phát thải thấp, cũng như đầu tư lắp đặt các thiết bị/hệ thống thu giữ các-bon để giảm phát thải ra môi trường.
Với những vấn đề lớn được thể chế hóa trong luật, ông kỳ vọng gì khi luật được triển khai thực hiện từ 1/2/2025?
Việc Luật Điện lực (sửa đổi) được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 được kỳ vọng sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình triển khai các dự án, công trình điện lực, bảo đảm an ninh cung cấp điện, nhất là trong bối cảnh nhu cầu về điện năng rất lớn và dự báo sẽ tăng nhanh chóng trong thời gian tới.
Đây cũng là cơ sở pháp lý để Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương, tích cực xây dựng, hoàn thiện dự thảo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.
Xin cảm ơn ông!