Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

'Cầu nối khuyến công' - nâng tầm giá trị sản phẩm chè truyền thống Tuyên Quang

Để nâng cao chất lượng chè, tỉnh Tuyên Quang đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, nhân rộng diện tích chè sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, nâng sức cạnh tranh.

Nhân rộng diện tích chè, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn

Là địa phương xếp vào tốp tỉnh có nhiều diện tích chè nhất khu vực miền núi phía Bắc với gần 9.000 ha. Cây chè trụ của tỉnh Tuyên Quang đã gần 60 năm nhưng hiệu quả sản xuất và đời sống người làm chè chưa cao do năng suất vườn chè chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế, thương hiệu sản phẩm chưa được chú trọng.

Để nâng cao năng suất và chất lượng chè, thời gian qua tỉnh Tuyên Quang đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, nhân rộng diện tích chè sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, xây dựng chè trở thành sản phẩm OCOP, nâng sức cạnh tranh trên thị trường.

'Cầu nối khuyến công' - nâng tầm giá trị sản phẩm chè truyền thống Tuyên Quang
Vùng trồng nguyên liệu của HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh theo tiêu chuẩn VietGAP

Phường Mỹ Lâm một trong những địa phương có diện tích chè lớn trên địa bàn TP. Tuyên Quang. Với trên 64 ha chè đang cho thu hoạch cây chè thực sự trở thành cây trồng mang lại giá trị kinh tế cho bà con nông dân. Hiện nay, bên cạnh việc tăng năng suất cây chè, phường Mỹ Lâm còn chú trọng phát triển cây chè theo hướng chất lượng cao. Cụ thể là việc sản xuất chè theo hướng an toàn gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm, đặc biệt là vận động, khuyến khích cho người dân tự làm thương hiệu. Cùng với đó địa phương cũng đã có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân trong việc đầu tư, cải tạo giống chè và áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất.

Anh Nguyễn Văn Bằng, tổ 4, phường Mỹ Lâm chia sẻ: Để chè đạt năng suất và có chất lượng cao, gia đình tôi cũng đã đầu tư chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, thu hái đúng lứa. Mỗi năm doanh thu từ cây chè của gia đình đạt từ 50-80 triệu đồng. Nhờ trồng chè mà kinh tế của gia đình anh cũng khấm khá hơn rất nhiều so với trước kia.

Được thành lập từ năm 2017, HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh, tổ 5, phường Mỹ Lâm đã chú trọng quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu từng đối tượng tiêu dùng. Đồng thời, HTX đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất mới, áp dụng công nghệ hiện đại để chế biến, bao tiêu sản phẩm cho bà con. Hiện diện tích chè nguyên liệu của HTX và liên kết với hơn 100 hộ dân đạt trên 60ha. Trong đó, có 25 ha đã được công nhận đạt chuẩn VietGAP. Trước đây, mỗi năm HTX sản xuất được 3 đến 5 tấn thành phẩm chè khô, năm 2021, được hỗ trợ 200 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công, HTX đã mạnh dạn đầu tư máy sao chè bằng gas và máy hút chân không. Nhờ đó năng suất đã tăng lên 7 đến 10 tấn thành phẩm/năm; doanh thu hàng năm từ sản xuất chè búp tươi, chế biến chè của HTX đạt trên 5 tỷ đồng.

Trong số các sản phẩm chính của HTX gồm: Chè xanh Phú Lâm đinh, chè xanh Phú Lâm nõn, chè xanh Phú Lâm, chè xanh Ngọc Thúy đinh, chè xanh Ngọc Thúy nõn, chè xanh Ngọc Thúy, trà xanh Ngọc Thúy (cấp đông), trà Bát Tiên, HTX đã có 3 sản phẩm đạt hạng 3 sao: Chè xanh Phú Lâm đinh, chè xanh Phú Lâm nõn, chè xanh Phú Lâm và 4 sản phẩm đạt hạng 4 sao: Chè xanh Ngọc Thúy đinh, chè xanh Ngọc Thúy nõn, chè xanh Ngọc Thúy, trà xanh Ngọc Thúy (cấp đông).

Năm 2021, sản phẩm trà xanh Ngọc Thuý (cấp đông) đạt giải Nhì Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Tuyên Quang và được lựa chọn dự thi Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc năm 2021. Năm 2022, sản phẩm Chè xanh Ngọc Thuý nõn được chứng nhận là sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh. Tháng 5 vừa qua, sản phẩm chè xanh Ngọc Thúy của Hợp tác xã Sử Anh là 1 trong 5 sản phẩm của tỉnh Tuyên Quang được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2024.

Hỗ trợ khuyến công, kết nối thị trường

Chương trình khuyến công với vai trò là “đòn bẩy” đã khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Trong đó, thời gian qua, nhờ sự hỗ trợ tích cực từ các hoạt động khuyến công đã giúp sản phẩm của Hợp tác xã Dịch vụ Sản xuất nông nghiệp Sử Anh, phường Mỹ Lâm, TP. Tuyên Quang ngày càng khẳng định được vị trí trên thị trường.

'Cầu nối khuyến công' - nâng tầm giá trị sản phẩm chè truyền thống Tuyên Quang
Thời gian qua, Chương trình khuyến công trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang được triển khai theo hướng phát triển thị trường cho các cơ sở công nghiệp nông thôn, tiểu thủ công nghiệp với nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư mở rộng sản xuất.

Anh Nguyễn Công Sử, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh cho biết: Quá trình xây dựng các sản phẩm OCOP, HTX được Trung tâm Khuyến công tư vấn các chính sách hỗ trợ đầu tư mở rộng sản xuất. Việc ứng dụng máy móc mới vào sản xuất giúp chất lượng chè thành phẩm của HTX được nâng cao, sản lượng tăng gấp đôi so với những năm trước khi chưa đưa máy móc vào sản xuất; chất lượng chè thành phẩm đồng đều hơn và giữ nguyên hương vị thơm ngon. Sự hỗ trợ từ nguồn khuyến công đã khích lệ HTX phát triển và tìm được chỗ đứng trên thị trường. HTX hiện tạo việc làm ổn định trên 20 công nhân, với mức thu nhập bình quân từ 5 triệu đồng/người/tháng và hàng trăm lao động thời vụ.

Không chỉ hỗ trợ nguồn vốn đầu tư mở rộng dây chuyền sản xuất, hàng năm, HTX được Trung tâm Khuyến công kết nối xúc tiến thương mại, tham gia trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại các hội chợ thương mại, hội chợ triển lãm; ký kết hợp tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm vào các cửa hàng, siêu thị trong cả nước. Đồng thời liên kết với các đơn vị chuyển đổi số tư vấn, hỗ trợ đơn vị đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử: Postmart, Voso, Vietconnect và các trang mạng xã hội,…

“Việc ứng dụng trên nền tảng số đã giúp HTX bớt được nhiều khâu trung gian trong phân phối hàng hoá, tiết kiệm chi phí cho đơn vị. Cùng với đó, giúp HTX bảo vệ và nâng cao uy tín của sản phẩm, khẳng định vị thế và giá trị thương hiệu. Doanh thu mỗi tháng từ kênh thương mại điện tử chiếm khoảng 30% doanh thu bán hàng của HTX”, Anh Nguyễn Công Sử cho biết thêm.

Như vậy, việc triển khai công tác khuyến công địa phương đã tạo động lực cho các đơn vị sản xuất, chế biến chè trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang thêm tự tin, mạnh dạn đầu tư trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từ đó, nâng cao được năng lực cạnh tranh của sản phẩm, tăng thu nhập và giải quyết việc làm ổn định cho lực lượng lao động địa phương. Hiệu quả từ cây chè đã khẳng định hướng đi đúng, đưa sản phẩm hàng hóa nông lâm nghiệp lên một bước mới, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đời sống kinh tế của bà con nhân dân ngày càng được cải thiện.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết