Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TP.HCM: Quyết tâm không để xảy ra ổ dịch sốt xuất huyết lớn, hạn chế số ca tử vong

Với ca mắc sốt xuất huyết đến nay vượt quá 10.000 ca, UBND TP.HCM chỉ đạo ngành y tế tăng cường các biện pháp can thiệp phù hợp với mục tiêu hạn chế số ca chuyển nặng và tử vong cũng như không để xảy ra những ổ dịch lớn.

Ngày 2/6, Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh) UBND TP.HCM tổ chức phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5, 5 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ tháng 6/2022.

Báo cáo tại cuộc họp, UBND TP.HCM cho biết, tình hình dịch Covid-19 được Thành phố tiếp tục kiểm soát tốt. Thành phố đã thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trên địa bàn hiệu quả, an toàn.

Lũy kế đến nay đã thực hiện hơn 20,75 triệu mũi (mũi 1 hơn 8,41 triệu mũi, mũi 2 hơn 7,4 triệu mũi, mũi bổ sung hơn 0,684 triệu mũi, mũi nhắc lại hơn 4,27 triệu mũi); đối với trẻ từ 12-17 tuổi đã tiêm được hơn 1,42 triệu mũi (bao gồm khoảng 0,736 triệu mũi 1 và 0,687 triệu mũi 2); đối với trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đã tiêm được khoảng 0,28 triệu mũi 1.

Đáng chú ý, về tình hình dịch sốt xuất huyết (SXH), UBND TP.HCM cho biết, đã có chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh SXH trong mùa mưa trên địa bàn.

Cụ thể, UBND TP.HCM chỉ đạo ngành y tế TP.HCM tiếp tục theo dõi sát sao tình hình diễn biến của dịch bệnh nói chung và SXH nói riêng để kịp thời có những biện pháp can thiệp phù hợp với mục tiêu hạn chế số ca chuyển nặng và tử vong cũng như không để xảy ra những ổ dịch lớn.

Đồng thời, tổ chức đoàn kiểm tra giám sát công tác phòng chống dịch bệnh SXH và tiêm chủng mở rộng tại quận Bình Tân và huyện Bình Chánh.

TP.HCM: Quyết tâm không để xảy ra ổ dịch sốt xuất huyết lớn, hạn chế số ca tử vong
Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng cho biết, biện pháp phòng chống sốt xuất huyết tiên quyết vẫn là phải diệt lăng quăng. Ảnh: TTBC

Trong 5 tháng đầu năm 2022, TP.HCM ghi nhận 10.052 trường hợp mắc bệnh SXH, tăng 46,4% với cùng kỳ năm 2021 là 6.867 ca, trong đó số ca sốt xuất huyết nặng là 194 ca, tăng gần gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2021 (28 ca).

Từ ngày 20/5 đến 26/5, Thành phố ghi nhận 1.402 ca bệnh SXH, tăng 457 ca (48,4%) so với trung bình 4 tuần trước. Số ca SXH tăng ở cả các trường hợp nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú. Trong tuần hiện chưa ghi nhận trường hợp tử vong do SXH. Như vậy từ đầu năm 2022 đến nay số ca tử vong do SXH trên địa bàn Thành phố là 7 trường hợp.

Số ca bệnh SXH tiếp tục tăng cao ở hầu hết các quận huyện, thành phố Thủ Đức (20/22 quận, huyện) trừ quận 12, Phú Nhuận. Những phường xã có số ca bệnh tăng cao so với trung bình 4 tuần trước là phường 7 (quận 8), xã Lê Minh Xuân, Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh), phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân), xã Tân An Hội (huyện Củ Chi), phường Tây Thạnh (quận Tân Phú).

Hiện nay TP.HCM ghi nhận 121 ổ dịch SXH mới phát sinh ở 71 phường, xã thuộc 15/22 quận huyện, thành phố Thủ Đức, nâng tổng số ổ dịch lên 567 ổ dịch.

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cho biết, Sở đang liên tục chỉ đạo các quận huyện phải tăng cường công tác phòng chống SXH trong đó biện pháp phòng chống SXH tiên quyết vẫn là phải diệt lăng quăng.

Trước đó, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, chỉ đạo lãnh đạo các quận huyện và thành phố Thủ Đức quán triệt tinh thần chống dịch quyết liệt, thực chất, tập trung.

Cụ thể UBND TP.HCM yêu cầu UBND các quận huyện, thành phố Thủ Đức chỉ đạo sâu sát hơn công tác phòng, chống SXH để giảm thiểu tối đa số ca mắc và số ca tử vong; đánh giá đúng, đủ, toàn diện những yếu tố nguy cơ đặc thù trên địa bàn; tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về mức độ nguy hiểm của bệnh. Phát động chiến dịch toàn dân diệt lăng quăng, diệt muỗi ngay nơi mình làm việc và sinh sống; các cơ quan, ban ngành đoàn thể, trường học thực hiện tổng vệ sinh môi trường, không để tồn tại vật chứa có nguy cơ đọng nước.

Đồng thời thống kê chính xác các điểm nguy cơ, phân loại và đưa vào xử lý theo quy định; các điểm nguy cơ phải được phân công tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm giám sát, kiểm tra và xử lý theo quy định; kiện toàn ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh có phân công nhiệm vụ rõ ràng.

Thành lập Đoàn kiểm tra thường xuyên xử lý nghiêm đối với các cá nhân đơn vị, tổ chức, chủ các điểm nguy cơ cố tình không thực hiện các hướng dẫn trong phòng, chống dịch bệnh SXH theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ.

Minh Tuấn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...