Đừng để làm thêm giờ phát sinh nhiều hệ lụy
Việc làm thêm giờ của người lao động, nhất là lao động nữ có ảnh hưởng rất lớn đối với việc chăm sóc trẻ em trong gia đình. Bởi vậy, cần có những quy định mang tính nguyên tắc về quy định giờ làm thêm với người lao động.
Ảnh minh họa. |
Tại Hội thảo các giải pháp đảm bảo sức khỏe và an toàn vệ sinh lao động cho người lao động khi điều chỉnh thời giờ làm thêm do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức mới đây, nêu những ảnh hưởng của việc làm thêm giờ đối với việc chăm sóc trẻ em của gia đình nữ công nhân lao động di cư, Thạc sĩ Lê Thị Huyền Trang (Viện Công nhân và Công đoàn - Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho biết, với đặc thù công việc, đa số công nhân lao động phải tăng ca, làm thêm giờ dẫn đến họ phải lựa chọn giải pháp gửi con về quê vì không có thời gian chăm sóc.
Cụ thể, theo kết quả khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn, ở những gia đình công nhân di cư, có 69,8% trẻ ở cùng cha mẹ và 30,2% trẻ được gửi ông bà, người thân chăm sóc giúp. Chia theo lứa tuổi: Từ 0-2 tuổi, các con số lần lượt là 73,8% và 26,2%; từ 3-5 tuổi: 72,4 và 27,6%; từ 6-10 tuổi là 62,9% và 37,1%; từ 11 đến dưới 16 tuổi là 70% và 30%.
Theo Thạc sĩ Lê Thị Huyền Trang, việc trẻ không được ở cùng cha mẹ có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển toàn diện của trẻ, khiến trẻ có nguy cơ sống khép kín, thu mình, ngại giao tiếp với thế giới xung quanh. Một số trẻ khi phải sống xa cha mẹ thường mặc cảm, thiếu tự tin, ngại kết bạn và giao tiếp… “Việc ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ dễ nhận thấy nhất, bởi trẻ em từ khi sinh ra đến tuổi vị thành niên, mỗi giai đoạn phát triển đều không thể thiếu sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ.
Giữa con cái và cha mẹ luôn luôn có mối liên hệ mật thiết, vai trò của cha mẹ đối với con cái là không thể thay thế. Tuy nhiên, mối liên hệ này sẽ bị ảnh hưởng khi trẻ không có cơ hội được sống cùng cha mẹ. Phải sống xa cha mẹ trẻ em luôn cảm thấy thiếu thốn tình cảm, ảnh hưởng đến sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình, khiến mối quan hệ trong gia đình thiếu bền chặt, nhất là tình cảm mẹ con”, Thạc sĩ Lê Thị Huyền Trang phân tích thêm.
Cũng theo nghiên cứu của Viện Công nhân và Công đoàn, thực tế hiện nay, một bộ phận trẻ em là con nữ công nhân di cư đang không được hưởng quyền chính đáng là nhận được sự quan tâm dạy dỗ từ cha mẹ. Nguyên nhân là vì cha mẹ bận đi làm kiếm tiền (chiếm 51,6%) và vì cha mẹ đã mệt mỏi sau khi lao động (chiếm 22%), không còn thời gian, không còn sức lực để dạy dỗ con cái…
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Phan Văn Anh cho biết, việc điều chỉnh giờ làm thêm theo Nghị quyết số 17/2022/UBTVQH15 có thể tác động đến người lao động ở các mặt sau: Dẫn đến tình hình căng thẳng, mệt mỏi, suy giảm hiệu suất và sự chú ý, làm giảm năng suất lao động cho người lao động; chất lượng công việc giảm sút, các sản phẩm lỗi tăng lên; tăng nguy cơ mắc một số bệnh như tim mạch, huyết áp, tiểu đường, sinh non, đau mỏi cơ xương khớp, đau đầu, tăng trầm cảm, rối loạn giấc ngủ; tăng nguy cơ mất an toàn dẫn đến tai nạn và suy giảm sức khỏe thể chất và tâm thần người lao động; lao động có con nhỏ không có thời gian dành cho chăm sóc con cái và gia đình; không có thời gian phục hồi, tái tạo sức lao động, sức khỏe hao mòn nhanh dẫn đến giảm tuổi thọ lao động...