A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: Từ chuyện Hà Nội ngập lụt, phải nhìn lại toàn bộ hạ tầng các khu đô thị

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, để giải quyết ngập úng ở Hà Nội khi mưa lớn thì cần có những giải pháp tổng thể và tăng cường dự báo.

Nhận định về trận mưa gây ngập lụt ở Hà Nội chiều tối qua (29/5), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà sáng nay (30/5) bên hành lang Quốc hội cho biết, thời tiết hiện nay có những biến đổi bất thường, nhiệt độ nóng lên, không chỉ ảnh hưởng với Việt Nam mà ngay cả với các nước có cơ sở hạ tầng phát triển như Mỹ, châu Âu.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trao đổi với báo chí  bên hành lang Quốc hội sáng 30/5
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 30/5

Theo Bộ trưởng, nếu lượng mưa lớn tập trung vào một thời điểm thì không có hạ tầng nào có thể chống chịu, đáp ứng được. "Chúng ta cũng phải phân biệt vấn đề dị thường thời tiết như mưa lớn cực đoan với các vấn đề đầu tư hạ tầng thiếu đồng bộ, thiếu tầm, thiếu dự báo. Đây là 2 vấn đề có nguy cơ như nhau", Bộ trưởng Hà nhấn mạnh.

Trước tình trạng cứ mưa là ngập ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, theo Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường phải nhìn lại toàn bộ hạ tầng ở các đô thị.

Khi thiết kế thì mỗi đô thị mang đặc trưng về địa hình khác nhau, phải dự báo được tính cực đoan của thời tiết và tính được số lượng dân cư sử dụng để có một hệ thống đáp ứng được nhu cầu”- người đứng đầu Bộ Tài nguyên và Môi trường nói.

Với những loại hình thời tiết cực đoan phải có những dự báo dài hạn, không chỉ dự báo hàng năm mà có thể dự báo cho 20 đến 30 và thậm chí 50 năm sau. Từ phương án dài hạn sẽ làm cơ sở cho khâu thiết kế hạ tầng như công trình ngầm, đường giao thông ngầm, đường giao thông bề mặt, bố trí sắp xếp khu dân cư...

Ông dẫn chứng bài toán độ cao của các khu vực để thiết kế hệ thống thoát nước ngầm trong những đô thị phát triển. Việc này cần có tầm nhìn để khu vực đó có thể thoát nước tự nhiên. Khu vực không tự thoát được nước thì phải sử dụng máy móc, thiết bị nhưng cần hạn chế. Đặc biệt, trường hợp thời tiết cực đoan phải tính toán hệ thống trữ nước.

Ngoài ra cũng phải tính toán hệ thống để trữ nước, dẫn chứng ở Nhật Bản, ông Hà cho biết, tại "đất nước mặt trời mọc" có khu vực được bố trí những đường ngầm (còn gọi là hầm chứa lớn) vừa giữ lượng nước khi hạn hán có thể sử dụng, trong thời điểm mưa lớn những hầm chứa này trở thành nơi chứa nước. Trong trường hợp ngập lụt ở nơi xung yếu thì họ chỉ cần điều chỉnh hệ thống là những sân vận động, cánh đồng trở thành nơi chứa nước.

Ở các khu đô thị có những khu phức hợp với vùng lõi lại là các nhà cao tầng, có ý kiến cho rằng đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sau một cơn mưa lớn đường phố biến thành sông. Theo ông Hà, có ảnh hưởng nhất định đến tình trạng ùn tắc, ngập úng. Nhưng trong câu chuyện này, điều cốt lõi là hạ tầng tiêu thoát nước phải tính được những yếu tố như lượng nước con người sử dụng, lượng nước thải hay nước mưa từ thời tiết cực đoan.

Về năng lực dự báo, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, khi dự báo lưu lượng mưa trong một đơn vị thời gian có thể tính toán được trên một m2 sẽ có lượng nước thế nào, từ đây nếu làm tiếp bài toán mô hình về công suất hệ thống tiêu thoát nước thì có thể dự báo về ngập. Đây là điều mà nhiều cơ quan khí tượng thủy văn đang hướng tới.

Khi dự báo ngập úng, lũ cũng phải tính đến nước trong lưu vực sông. Nước trên lưu vực sông cộng với lượng mưa cộng với khả năng thoát lũ của hạ tầng TP thì có thể đưa ra dự báo tính toán. Đây là nhiệm vụ của công tác dự báo. Hiện nay ngành khí tượng đã thực hiện, tuy nhiên để dự báo trong thời gian ngắn, chính xác Bộ trưởng nhấn mạnh đó là điều không dễ đối với bất cứ dự báo viên nào. Ở đây có thể dự báo được có ngập lụt hay không, trong điều kiện thời tiết cực đoan thì tình hình sẽ thế nào.

Giải pháp để hạn chế tình trạng ngập úng mỗi khi mưa lớn đối với thủ đô, theo Bộ trưởng, thứ nhất cần tăng cường công tác dự báo.

Thứ hai, Hà Nội cũng cần có dự án tổng thể trong đó đánh giá một cách căn cơ và đưa ra những số liệu lịch sử, số liệu hiện nay về hiện tượng thời tiết cực đoan.

Thứ ba, cần nghiên cứu kỹ càng khi thiết kế đô thị để làm sao đô thị đó "thông minh, chống chịu được các hiện tượng thời tiết cực đoan". Hay nói cách khác là thiết kế được một cách thông minh các đô thị để đảm bảo được tính bền vững.

Hà Nội cần có một dự án tiếp cận tổng thể, xuất phát từ dự báo, quy hoạch tính toán để có một hạ tầng có thể chống chịu, thích ứng, phù hợp....


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết