Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thách thức trong công tác dân số ở xã vùng 3 Cư Kbang

Cư Kbang là xã vùng 3 (xã đặc biệt khó khăn) của huyện Ea Súp. Toàn xã hiện có khoảng 2.400 hộ với 12.400 nhân khẩu, gồm 12 dân tộc sinh sống ở 11 thôn và 3 cụm dân cư (trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 97% dân số).

Lâu nay, tình trạng dân di cư ngoài kế hoạch, tảo hôn và sinh đông con vẫn diễn ra phổ biến nơi đây và là những thách thức lớn trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình ở địa phương.

Theo thống kê, từ năm 2020 đến 2022, trên địa bàn xã có 26 trường hợp tảo hôn và 95 trẻ em được sinh ra là con thứ ba trở lên (có những phụ nữ sinh từ 7 - 8 người con); trong đó, riêng năm 2022 có 8 trường hợp tảo hôn và 30 trẻ em được sinh ra là con thứ ba trở lên. Chị Hoàng Thị Châm, viên chức dân số xã Cư Kbang cho biết: “Nhiều gia đình vẫn có quan niệm “trời sinh voi, trời sinh cỏ”, sinh nhiều con và phải có con trai để sau này nối dõi, có thêm nhân lực lao động… Do sinh đông con và tập quán canh tác lạc hậu nên nhiều gia đình vẫn nghèo; nhiều trẻ em gái phải bỏ học sớm và kết hôn sớm”.

Xã Cư Kbang có địa bàn rộng, vẫn còn tình trạng dân di cư ngoài kế hoạch, người dân không biết tiếng phổ thông… nên các cộng tác viên dân số rất khó nắm bắt đầy đủ dữ liệu dân cư; công tác tư vấn, vận động chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình gặp rất nhiều trở ngại. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo ở xã Cư Kbang chiếm tới 61,2%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng cân nặng chiếm 23,66%, suy dinh dưỡng chiều cao chiếm 48,28%.

Cộng tác viên dân số xã Cư Kbang vận động vợ chồng anh Vàng thực hiện kế hoạch hóa gia đình.

Đơn cử như vợ chồng anh Dương Sính Vàng (47 tuổi) và chị Dương Thị Chi (44 tuổi) ở cụm dân cư số 3 có đến 11 người con; trong đó đứa con trai đầu 21 tuổi đã lấy vợ, người con gái thứ 3 mới 15 tuổi cũng đã lấy chồng, đứa nhỏ nhất thì mới 16 tháng tuổi. Cả gia đình anh Vàng sống trong ngôi nhà được ghép bằng những miếng gỗ tạp và tôn chắp vá, nền đất; chỗ ngủ là hai chiếc giường cũ kỹ, ọp ẹp. Cả nhà chỉ trông vào thu nhập từ 1 ha đất đồi khô cằn trồng sắn, năng suất thấp và tiền công làm thuê, làm mướn của anh Vàng. Những đứa trẻ trong gia đình sống trong cảnh thiếu thốn, nghỉ học sớm, chưa ai học hết lớp 4. Người con trai thứ hai của anh Vàng là Dương Văn Sinh (18 tuổi) phải bỏ học từ khi mới học hết lớp 1 để đi làm có tiền mua gạo, phụ bố mẹ nuôi các em.

Tảo hôn không phải là hiếm ở xã Cư Kbang. Như M.T.B. năm nay mới 16 tuổi nhưng đã lấy chồng và sinh con. Chồng B. mới học hết lớp 2, còn B. thì học hết lớp 7. Hiện tại, vợ chồng B. vẫn đang ở chung với bố mẹ. Hằng ngày, người chồng đi làm nương rẫy, còn B. ở nhà chăm con. Nghỉ học sớm và lấy chồng vội nên B. thiếu kiến thức, rất vụng về trong việc chăm sóc con. Mới ở độ tuổi trăng tròn, trong khi bạn bè cùng lứa đang tuổi ăn học, vui chơi thì B. đã phải mang trên mình gánh nặng sinh đẻ, áp lực lo toan cơm áo gạo tiền.  

Cộng tác viên dân số xã Cư Kbang tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình.

Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và sinh đông con, từ đầu năm 2023 đến nay, chính quyền xã Cư Kbang đã chỉ đạo các đoàn thể, ban tự quản thôn, các cụm dân cư thường xuyên lồng ghép tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, các chủ trương, chính sách về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình. Đồng thời, chỉ đạo đội ngũ làm công tác dân số, y tế thường xuyên bám sát địa bàn, tổ chức sinh hoạt nhóm, nói chuyện chuyên đề và tư vấn trực tiếp hộ gia đình, phân tích hệ lụy của tảo hôn và sinh đông con, kết hợp cung cấp các phương tiện tránh thai cho đối tượng có nhu cầu.

Ông Đàm Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Kbang cho hay: “Xã phối hợp với Hội LHPN huyện Ea Súp và chỉ đạo cho Hội LHPN xã thành lập mô hình “Nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống” ở thôn 15; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình, xử phạt nghiêm những trường hợp tảo hôn và tổ chức tảo hôn…”.

Tuy nhiên, thực tế ở xã Cư Kbang cho thấy, việc giảm thiểu tình trạng tảo hôn và sinh đông con rất khó có thể giải quyết trong “một sớm, một chiều” vì liên quan đến cả phong tục tập quán. Bởi vậy, cần duy trì các mô hình truyền thông và tăng cường các hoạt động chuyển đổi hành vi về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình kết hợp với thực thi nghiêm các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình. Cùng với đó là cần kiểm soát được tình trạng dân di cư ngoài kế hoạch, thực hiện tốt công tác định canh, định cư kết hợp đầu tư các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội để nâng cao trình độ dân trí, nâng cao đời sống của người dân.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết