Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mang không gian xanh gần gũi hơn với người dân

Sau 6 tháng triển khai, việc tháo dỡ một phần hàng rào bao quanh Công viên Thống Nhất đã thu được những tín hiệu tích cực. Đây cũng chính là động lực để cơ quan chức năng tiếp tục “tự tin” mở rộng phạm vi thí điểm với mục tiêu mang không gian xanh đến gần hơn nữa với người dân. Tuy vậy, để các không gian này trở nên “gần gũi” hơn nữa với người dân vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

“Hồi sinh” Công viên Thống Nhất

Hà Nội đang trải qua những ngày giao mùa, tiết trời nắng nóng của mùa hè đã tạm được thay thế bằng không khí nồm nhẹ với khoảng nhiệt độ dao động từ 25 - 30 độ. Tiết trời mát mẻ cộng thêm chủ trương tháo dỡ một phần hàng rào, không thu phí qua cổng đã khiến Công viên Thống Nhất những ngày này luôn tấp nập người ra vào tập thể dục, dạo chơi và tổ chức những hoạt động ngoài trời.

“Không còn hàng rào sắt kiên cố và bỏ bán vé, Công viên Thống Nhất như được hồi sinh. Không chỉ người dân trong khu vực vào đây tập thể dục, dịp cuối tuần, nhiều người ở rất xa cũng đưa con nhỏ đến đây dạo chơi”, anh Trần Anh Tú, quận Hai Bà Trưng, chia sẻ.

Mang không gian xanh gần gũi hơn với người dân
Công viên Thống Nhất thu hút đông đảo người dân, du khách sau khi dỡ bỏ một phần hàng rào.

Trên thực tế, ngay sau khi triển khai tháo dỡ hàng rào sắt, để tạo cảnh quan đẹp mắt, khu vực phía trong đã được Công viên Thống Nhất trồng thay thế bằng một con đường hoa hồng dài hơn 300m, rộng 5m để tạo cảnh quan, đồng thời rải sỏi, đặt tấm đan tạo lối cho người đi bộ, ngăn người đi xe máy, xe đạp tùy tiện vào công viên. Sau khi hoàn thành, không gian đô thị và công viên không những không bị chia cắt mà còn biến nơi đây thành địa điểm giao thoa, nơi hàng nghìn người dễ dàng tiếp cận và “chek-in” mỗi ngày.

Chị Nguyễn Thị Mai, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, cho biết: “Trước mọi người phải đi qua cổng chính trên đường Trần Nhân Tông hoặc Nguyễn Đình Chiểu để vào công viên nên gây tâm lý ái ngại. Nay có thể đi thẳng từ phía đường Trần Nhân Tông vào nên rất tiện lợi. Không gian mở cũng biến nơi đây thành địa điểm vui chơi lý tưởng của trẻ em trong khu vực trong dịp nghỉ hè”.

Theo đại diện Công viên Thống Nhất, việc dỡ đoạn hàng rào bao quanh công viên nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người dân. Đa số người dân ủng hộ và cho rằng không gian công viên thoáng đãng, thuận tiện hơn. Đơn vị cũng ghi nhận việc gia tăng lượng khách từ 20 đến 30% so với trước đây, trong đó có nhiều khách ở xa cũng tìm đến. Tuy nhiên, khi dỡ rào một phần công viên, công tác quản lý khá vất vả do tình trạng một số người dân thiếu ý thức điều khiển xe máy, xe đạp đi thẳng từ ngoài đường vào công viên. Công viên Thống Nhất phải phối hợp với Công an 2 phường Nguyễn Du và Lê Đại Hành cùng Công an quận Hai Bà Trưng để tăng cường công tác quản lý trật tự khu vực công viên.

Bên cạnh đó, nhiều du khách cũng phản ánh, các khu vui chơi của công viên đã quá cũ, nhiều trò chơi đã hàng chục năm không thay đổi, không đủ hấp dẫn đối với du khách và người dân. Ngoài ra, việc thiếu bố trí các thùng rác cũng gián tiếp gây nên tình trạng xả rác bừa bãi làm bẩn cảnh quan cũng như gây khó khăn cho công tác quản lý.

Xem xét tiếp tục mở rộng

Được biết, UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri về việc sớm dỡ bỏ các hàng rào bao quanh khuôn viên công viên nhằm tạo sự thuận tiện, thân thiện hơn cho người dân tiếp cận không gian này, đồng thời có chính sách, tiêu chí khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội tham gia xây dựng và quản lý công viên, xây dựng các sân chơi sáng tạo; di chuyển các nhà hàng, trung tâm tổ chức tiệc cưới, sự kiện... ra khỏi công viên.

Theo UBND Thành phố, hiện nay, các công viên có hàng rào nhằm bảo đảm an ninh trật tự. Riêng các vườn hoa cơ bản không có hàng rào hoặc hàng rào thấp. Cuối năm 2022, Thành phố đã thí điểm tháo dỡ hàng rào Công viên Thống Nhất (tuyến Trần Nhân Tông) làm cơ sở triển khai trên địa bàn Thành phố. Trên cơ sở đánh giá hiệu quả, giải pháp quản lý phù hợp, cơ quan chức năng sẽ xem xét tháo dỡ toàn bộ hàng rào và các công viên có chức năng tương tự thời gian tới.

Đối với một số công viên có tính đặc thù như Vườn thú Hà Nội (Công viên Thủ Lệ)..., để bảo đảm an toàn, bảo vệ động vật, sẽ rà soát, cân nhắc khu vực đủ điều kiện mới tiến hành hạ hàng rào, bảo đảm hài hòa cảnh quan.

Về kiến nghị di chuyển các nhà hàng, trung tâm tiệc cưới, sự kiện... ra khỏi công viên, hiện nay, một số công viên do Nhà nước đầu tư xây dựng, bao gồm công trình có chức năng dịch vụ tiện ích phục vụ người dân. Trong quá trình vận hành, nếu đơn vị quản lý nhận tổ chức tiệc cưới, sự kiện không đúng với chức năng sử dụng, thành phố yêu cầu chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý theo quy định.

Bên cạnh đó, hiện Thành phố đang chỉ đạo Sở Xây dựng đánh giá, rà soát, đề xuất cơ chế nhằm thu hút huy động nguồn lực xã hội để tham gia xây dựng và quản lý các công viên. Sở Xây dựng đã đề xuất chính sách và đang xin ý kiến lần 2 của các cơ quan. UBND Thành phố cũng đã có quyết định giao Sở Xây dựng chủ trì lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư 3 dự án cải tạo, nâng cấp công viên: Bách Thảo, Thủ Lệ, Thống Nhất bằng nguồn vốn đầu tư công; yêu cầu tập trung đẩy nhanh tiến độ trình HĐND Thành phố quyết định chủ trương đầu tư dự án tại kỳ họp giữa năm 2023.

KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng, Thành phố cần xây dựng lộ trình, kịch bản đầy đủ cho việc hạ hàng rào, mở rộng các không gian xanh tại các công viên, không gian công cộng. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ, kêu gọi đầu tư, việc tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong việc giữ gìn các không gian chung là rất quan trọng. Để làm được điều này, cần có sự phân cấp, ủy quyền cho các địa phương làm tốt công tác quản lý, tuyên truyền để người dân cùng biết, cùng làm và cùng giữ thì mới đem lại hiệu quả thiết thực.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết