Phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao
Sáng nay (15/6), Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Hà Nội tổ chức Tọa đàm “Phát huy vai trò của các cấp Hội phụ nữ trong phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao” trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, bà Phạm Thị Thanh Hương - Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội cho biết: Nhận thức được vai trò, trách nhiệm của phụ nữ và tổ chức Hội trong việc tham gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân, trong những năm qua Hội LHPN Hà Nội đã triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội.
Tọa đàm “Phát huy vai trò của các cấp Hội phụ nữ trong phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao” |
Điểm nổi bật là các cấp Hội phụ nữ tuyên truyền sâu rộng, vận động, hỗ trợ hội viên, phụ nữ thay đổi về tư duy, nhận thức một cách toàn diện về phát triển nông nghiệp; tích cực tham gia xây dựng các mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị; góp phần hình thành nền kinh tế “xanh”, các vùng sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp hàng hóa; khuyến khích phụ nữ mạnh dạn khởi nghiệp; hỗ trợ thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ phát triển kinh tế khu vực nông thôn.
Đặc biệt, nhiều mô hình phát triển kinh tế do phụ nữ làm chủ đã vừa sáng tạo chuyển đổi sản xuất, vừa bảo tồn các nghề truyền thống; đưa các giá trị văn hóa vào phát triển kinh tế theo hướng bền vững, an toàn, nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái.
Tham luận với nội dung “Giải pháp hỗ trợ phụ nữ sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao”, bà Nguyễn Thị Thủy - Chủ tịch Hội LHPN xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ cho biết, Hội đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền hội viên phụ nữ và nhân dân sản xuất lúa hữu cơ; vận động hộ sản xuất lúa phải trung thực trong sản xuất, không bón phân hóa học và các chế phẩm sinh học trong sản xuất nông nghiệp, chỉ bón phân hữu cơ. Không cấy lúa biến đổi gen hoặc các giống lúa khác trên một khu ruộng sản xuất lúa hữu cơ để đảm bảo cho thu hoạch và việc thu mua của các doanh nghiệp; đồng thời vận động các hộ tự giám sát nhau trong quá trình sản xuất lúa.
Thời gian qua, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và nhân dân, việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới của Thành phố tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng. Đến thời điểm hiện nay, Thành phố có 382/382 xã đã về đích nông thôn mới, 12/18 huyện/thị xã đạt chuẩn nông thôn mới, 47 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Trên địa bàn Thành phố hiện có 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 105 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 39 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 15 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản. |
Bên cạnh những kết quả đạt được trong sản xuất nông nghiệp thời gian qua, việc áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp hữu cơ xã ĐồngNPhú vẫn còn những khó khăn như: nguồn kinh phí đầu tư cho việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế; các khâu sản xuất chưa được ứng dụng nhiều nên sản phẩm làm ra chi phí còn cao; nhận thức của một số hội viên phụ nữ và nhân dân về phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ còn có những hạn chế; vẫn có tập quán canh tác truyền thống đơn thuần; mô hình trồng lúa hữu cơ chưa được nhân rộng khắp trong toàn xã.
Vì vậy, trong những năm tới, để phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững và thực hiện vùng sản xuất theo quy hoạch nông thôn mới, Hội sẽ đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ cao vào vùng sản xuất nông sản chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm gắn bảo vệ môi trường.
Với chủ đề “Phát huy vai trò của Hội phụ nữ trong thực hiện các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và chuỗi liên kết, nông nghiệp du lịch sinh thái”, tham luận tại hội nghị, bà Trần Thị Bích - Chủ tịch Hội LHPN xã Hồng Vân, huyện Thường Tín cho biết: Hồng Vân là xã phát triển chủ yếu các sản phẩm hoa, cây cảnhvà trồng các loại rau màu theo vụ. Sản phẩm cây cảnh như cây Sanh, Lộc Vừng được phát triển từ năm 2004, đến năm 2008 xã được công nhận 02 làng nghề sinh vật cảnh (Làng Xâm Xuyên, làng Cơ giáo); đối với sản phẩm hoa hồng, hoa đào được phát triển từ năm 2012; xã có tổng diện tích đất nông nghiệp là 187 ha. Trong đó diện tích trồng hoa, cây cảnh, vùng nguyên liệu là 20 ha.
Thời gian qua, sản xuất ngành nông nghiệp tại địa phương đã có bước phát triển đáng kể, thu nhập và mức sống của người dân không ngừng được nâng cao. Thu nhập bình quân đạt 72 triệu/người/năm, tạo việc làm cho nhiều lao động. Để nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất hoa, cây cảnh và dịch vụ, việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật luôn được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo.
“Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, Hội Phụ nữ xã xác định tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp, trong đó xây dựng mới các mô hình kinh tế giỏi, thoát nghèo bền vững, tập trung sản xuất hàng hóa chuyên canh tạo ra những sản phẩm làng nghề, tiểu thủ công mỹ nghệ, có nét độc đáo trong sản phẩm, góp phần thu hút và kích thích nhu cầu mua sắm của du khách khi về với Hồng Vân. Từ đó kết nối và tạo thêm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp của các xã lân cận”, bà Trần Thị Bích nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Hội LHPN Thành phố Phạm Thị Thanh Hương cũng cho biết, các cấp Hội phụ nữ Thành phố đã hỗ trợ thành lập 17 hợp tác xã, 20 tổ hợp tác, 50 tổ liên kết do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển sản xuất như: Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ Cuối Quý (huyện Đan Phượng), Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Tàm Xá (huyện Đông Anh); Hợp tác xã gạo hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ),...
Phụ nữ tích cực tham gia xây dựng các mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. |
Các cấp Hội cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển thương mại điện tử nhằm hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm có thế mạnh của các địa phương, kết nối nhà sản xuất - nhà phân phối - người tiêu dùng trên địa bàn Thành phố (sàn thương mại điện tử "Chợ nhà mình”, 141 điểm phân phối thực phẩm sạch tới người tiêu dùng của các chuỗi sản xuất an toàn của Thành phố có sự tham gia của Hội...). Các cấp Hội hiện tín chấp cho vay vốn từ các chương trình hơn 7.300 tỷ đồng giúp phụ nữ phát triển kinh tế.
Hiện nay, khi các địa phương chuyển sang giai đoạn thực hiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao; hoạt động của các cấp Hội phụ nữ Thành phố cũng đã và đang lựa chọn các nội dung phù hợp để tiếp tục phát huy vai trò trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn. Trong đó quan tâm đặc biệt đến việc hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất và chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao (nhất là công nghệ sinh học) trong sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị gắn với hỗ trợ thiêu thụ sản phẩm, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường.
Tại tọa đàm, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, mô hình hay sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nêu lên những khó khăn, vướng mắc, thách thức; kiến nghị, đề xuất các giải pháp để phát huy vai trò của tổ chức Hội trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao thời gian tới.
Bảo Thoa