Sau khi vượt qua nhiều lần lấy mẫu xét nghiệm đánh giá về chỉ số dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cũng như chỉ tiêu vi sinh vật, đầu tháng 6 vừa qua, HTX sản xuất và tiêu thụ vải sớm Phúc Hòa (xã Phúc Hòa, H.Tân Yên, Bắc Giang) đã có lô hàng đầu tiên được doanh nghiệp thu mua, vận chuyển bằng máy bay đưa sang thị trường các nước châu Âu.
Ông Ánh phun chế phẩm sinh học ngâm từ rượu, tỏi, ớt cho cây vải không cần phải mặc bảo hộ lao động như sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Ảnh: Phan Hậu
Mùa vải năm nay, HTX sản xuất và tiêu thụ vải sớm Phúc Hòa có khoảng 10 ha trồng theo tiêu chuẩn Global Gap với dự kiến sản lượng khoảng 100 - 120 tấn quả, đa phần đã được doanh nghiệp ký hợp đồng thu mua vải xuất khẩu sang các thị trường Nhật, Mỹ và các nước châu Âu. Theo hợp đồng đã ký, doanh nghiệp thu mua vải tại vườn với giá 35.000 đồng/kg, cao hơn 5.000 đồng/kg so với mùa vụ năm 2021.
Ông Ngô Văn Cường, phụ trách tổ sản xuất vải xuất khẩu, cho biết làm vải theo tiêu chuẩn Global Gap tốn rất nhiều công sức, đặc biệt là khâu canh phòng diệt trừ sâu bệnh ở giai đoạn cuối gần đến kỳ thu hoạch. Trong đó, đáng ngại nhất với các nhà vườn chính là loài sâu đục cuống quả vải.
Nhưng từ năm 2020, được các nhà khoa học hướng dẫn, HTX sản xuất và tiêu thụ vải sớm Phúc Hòa ứng dụng thành công việc sử dụng chế phẩm sinh học sử dụng các nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên để ngâm ủ thành chế phẩm sinh học phun lên quả vải vào chu kỳ 20 ngày trước khi thu hoạch, thay cho việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học trước đây. Bằng giải pháp này, quả vải được loại bỏ hoàn toàn sâu đục cuống quả, mã sáng đẹp và đặc biệt là không còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.
Tỏi, ớt sau khi xay nhuyễn sẽ ngâm với rượu trắng trong thời gian khoảng 1 tháng trở lên. Dung dịch này sau đó được pha phun phòng trừ sâu đục cuống quả vải. Ảnh: Phan Hậu
Dẫn chúng tôi đi thăm khu nhà kho sản xuất chế phẩm sinh học đặt ngay cạnh vườn vải xuất khẩu, ông Cường trực tiếp khuấy đảo và khỏe hỗn hợp này nhìn ngon và thơm như tương ớt nhưng lại là khắc tinh của loài sâu đục cuống quả. Quá trình chế biến cũng tương đối kỳ công. Mùa vụ năm nay, HTX sản xuất và tiêu thụ vải sớm Phúc Hòa mua khoảng 1 tấn nguyên liệu tỏi, ớt. Nguyên liệu mua về, tỏi được sơ chế bóc sạch vỏ, ớt được rửa sạch sau đó đưa tất cả nguyên liệu vào máy xay nhuyễn. Hỗn hợp sau đó đưa vào thùng kín ngâm ủ với rượu trắng trong vòng khoảng 1 tháng. Dung dịch này tiếp tục được gạn lọc, sau với nước sạch để phun trực tiếp lên cây và quả vải theo định kỳ 2 - 3 ngày/lần thay cho thuốc bảo vệ thực vật trước đây.
Ông Cường cho biết, mỗi lần đảo chế phẩm tỏi, ớt, ngâm rượu, thùng ủ nguyên liệu có mùi thơm như tương ớt. Ảnh: Phan Hậu
“Chúng tôi bắt đầu sử dụng chế phẩm sinh học ngâm ủ từ rượu, tỏi, ớt từ năm 2020 và đến nay qua 3 vụ liên tiếp thì thấy “hiệu quả rất ổn” khi xử lý được nhiều loại sâu bệnh, đặc biệt là loại sâu đục cuống quả để cung cấp cho thị trường và người tiêu dùng sản phẩm nông sản an toàn, chất lượng cao”, ông Cường nói.
Nhân rộng trên nhiều cây ăn quả, giảm thuốc bảo vệ thực vật
Trực tiếp sử dụng chế phẩm sinh học từ rượu, tỏi, ớt phun cho 1 ha vải của gia đình, ông Ngô Văn Ánh, thôn Quất Du 2, xã Phúc Hòa, cho biết so sánh với sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học trước đây thì quy trình làm khá tốn công sức. Nhưng nếu làm một lần với khối lượng lớn thì chế phẩm sinh học này có thể tích trữ để sử dụng trong khoảng 1 - 2 năm. Chế phẩm này mang lại lợi ích trước hết cho người trực tiếp làm vườn.
“Trước đây “đánh” các loại thuốc hóa học, ngày nào phải vác bình phun thì người rất mệt mỏi. Mùi thuốc hóa học nồng, hắc lưu lại rất lâu trên cây, phun xong không dám bén mảng. Còn bây giờ vác bình phun cả ngày không thấy mệt, phun thuốc xong, không khí vườn trong lành, dễ chịu. Quả vải sạch, bán cũng dễ, được giá cao hơn”, ông Ánh nói. Cũng theo ông Ánh,ngoài sử dụng trên cây vải, chế phẩm sinh học này đang được sử dụng rất thành công trên cây bưởi trong phong trừ, xua đuổi ruồi vàng đục quả.
Chế phẩm sinh học làm từ tỏi, ớt, rượu loại trừ hoàn toàn sâu đục quả trên quả vải. Ảnh: Phan Hậu
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Hưng, Phó chủ tịch UBND xã Phúc Hòa, cho biết từ 5 ha thử nghiệm đầu tiên năm 2020, đến nay diện tích sử dụng chế phẩm sinh học phòng trừ sâu bệnh làm từ rượu, tỏi, ớt được nâng lên gần 15 ha. Điểm hạn chế của phương pháp này các nhà vườn sẽ vất vả và tốn công lao động nhiều hơn. “Nếu dùng thuốc trừ sâu hóa học thì trước đây cứ 7 - 10 ngày nông dân mới phải phun thuốc 1 lần nhưng nếu dùng chế phẩm này thì cứ 3 - 4 ngày là phải đi phun rồi, bù lại không ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nên diện tích cây vải sử dụng chế phẩm sinh học này năm sau đều tăng hơn năm trước”, ông Hưng nói.
Cũng theo ông Hưng, toàn xã Phúc Hòa có khoảng 820 ha trồng cây ăn quả thì cây vải chiếm tới 650 ha, còn lại là bưởi, cam, ổi…Qua thành công của các nhà vườn sử dụng chế phẩm sinh học ngâm ủ từ rượu, tỏi, ớt, UBND xã Phúc Hòa đang tiếp tục vận động người dân thử nghiệm sử dụng trên nhiều loại cây trồng khác và khi diện tích sử dụng phương pháp canh tác, sản xuất này càng được mở rộng, tăng lên sẽ cắt giảm được một khối lượng rất lớn thuốc bảo vệ thực vật hóa học trước hết là giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe người sản xuất. Sau đó, người tiêu dùng được tiêu thụ các sản phẩm, nông sản sạch và an toàn hơn.