Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Tĩnh: Gỡ 'nút thắt' trên cánh đồng muối bỏ hoang

Tại xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đang có hàng chục hecta ruộng muối bỏ hoang do muối rớt giá, thiếu đầu mối bao tiêu. Trước tình trạng này, người dân đã tận dụng một phần diện tích đất ở vị trí cao để trồng hoa màu, nhưng đây chưa phải là giải pháp căn cơ.

Hà Tĩnh: Gỡ 'nút thắt' trên cánh đồng muối bỏ hoang
Cánh đồng muối bị bỏ hoang


Trồng cây hoa màu mới chỉ là giải pháp tạm thời

Xã Hộ Độ có hơn 1.900 hộ dân, hơn 70% hộ dân nơi đây làm nghề muối từ bao đời nay, toàn xã có hơn 40 hecta ruộng muối, nhưng những năm gần đây tỷ lệ người dân bỏ làm muối ngày càng cao, nguyên nhân là do muối rớt giá, thiếu đầu mối bao tiêu, chi phí làm muối cao, muối thị trường ngoài vào rẻ hơn…

Theo phóng viên ghi nhận tại địa phương, tình trạng ruộng muối bị bỏ hoang rất nhiều, chỉ một số diện tích cồn, bãi cao được người dân tận dụng trồng hoa màu như đậu, lạc, cà, bầu, bí…

Tại cánh đồng muối bỏ hoang, ông Lê Văn Dương (64 tuổi, trú tại xóm Trung Châu, xã Hộ Độ) cho biết: “Gia đình chúng tôi có hàng chục năm bám nghề làm muối, nhưng những năm gần đây do muối rớt giá, Nhà nước không bao tiêu muối cho diêm dân nên gia đình chúng tôi cũng đã bỏ nghề từ đó. Con cái trong độ tuổi lao động thì lên phố tìm việc làm, người già yếu thì bám trụ ở quê, người thì buôn bán, người thì chăn nuôi….

Hà Tĩnh: Gỡ 'nút thắt' trên cánh đồng muối bỏ hoang
Ông Lê Văn Dương vừa thu hoạch cà vừa kể lại việc chuyển đổi ruộng muối sang trồng hoa màu.

Là một người lính cụ Hồ tôi hiểu “mỗi tấc đất là một tấc vàng” nên tôi không cam lòng nhìn ruộng đất bỏ hoang. Khoảng 5 năm trước, lúc đó tôi đang có sức khỏe, luôn dằn vặt suy nghĩ rồi tìm hiểu sách báo, tôi mạnh dạn bàn với vợ và các con tìm nơi cao rao, vét luống rồi bón vôi, lân hữu cơ nhằm rửa mặn để trồng thử nghiệm các loại cây hoa màu với hy vọng có công ăn việc làm cho những người dân quá tuổi lao động.

Sau nhiều lần thất bại tôi đã rút ra được kinh nghiệm, vùng đất nhiễm mặn nên trồng giống cây phù hợp theo mùa để cây thích nghi và phát triển. Hàng năm vào vụ Đông xuân, tôi đã trồng các giống dài ngày như lạc, vừng 4 tháng sau thu hoạch xong, tôi trồng ngô, bí rồi trồng đậu xanh, giáp tết tôi trồng rau, củ… cứ như vậy, tôi đã thành công chuyển đổi từ làm muối sang trồng hoa màu. Nhưng chỉ tận dụng được một phần diện tích đất luống cao mà thôi, phía dưới ruộng sâu cần phải có giải pháp hữu ích hơn như đầu tư nuôi trồng thủy sản, ông Dương cho biết thêm.

Hà Tĩnh: Gỡ 'nút thắt' trên cánh đồng muối bỏ hoang
Ông Trần Đình Sương quá độ tuổi lao động nên gắng làm muối để đổi thóc, lúa.

Tại cánh đồng muối bao la như vậy, chúng tôi chỉ thấy lác đác người dân theo nghề truyền thống này. Ông Trần Đình Sương (74 tuổi) đang cùng con gái sửa sang lại ruộng muối kể: “Nghề làm muối giờ không ai mặn mà nữa, giá thành bán ra thấp so với công sức làm, cánh thanh niên đang độ tuổi lao động họ chọn đi làm công trên thành phố cả rồi, như con tôi lên trên đó đi làm công cho đội thợ trong Huế ra cũng đã được 350 ngàn/ngày, chú nhìn cánh đồng muối bao la như vậy giờ cỏ mọc um tùm, chỉ lác đác vài hộ làm muối như gia đình chúng tôi, họ cùng tuổi già cả nên không làm được ngành nghề gì nên đành chấp nhận bám trụ kiếm ít tạ muối đổi lúa về ăn thôi”.

Ông Trương Bá Khanh - Chủ tịch UBND xã Hộ Độ cho biết: “Nhìn cánh đồng muối bị bỏ hoang nhiều năm qua, người dân trên địa bàn đã chủ động tận dụng những cồn, bãi trồng rau, và làm hoa màu, nhưng đây chưa phải là giải pháp căn cơ, muốn tháo gỡ "nút thắt" này cần sự quan tâm từ các cấp, ngành liên quan. Hiện chính quyền địa phương cùng các phòng, ban huyện Lộc Hà đã và đang hoàn thiện hồ sơ cấp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) cho bà con, sau khi hoàn thành chúng tôi sẽ quy hoạch lại đất làng nghề, đất nuôi trồng thủy sản, đất thương mại dịch vụ để người dân sớm ổn định phát triển ngành nghề họ lựa chọn”.

Tháo gỡ vướng mắc, tìm hướng đi mới cho hàng trăm hecta ruộng muối

Lâu nay, các nội dung liên quan đến đất ruộng muối, nhất là việc cấp quyền sử dụng đất luôn được xem là vấn đề bức xúc, nổi cộm ở xã Hộ Độ, Thạch Châu, Mai Phụ. Tuy nhiên, "nút thắt" này đã được huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh đã và đang tháo gỡ. Đến thời điểm này, địa phương đã hoàn thiện hồ sơ được khoảng 85%.

Hà Tĩnh: Gỡ 'nút thắt' trên cánh đồng muối bỏ hoang
Nguyện vọng của người dân là cầm được giấy CNQSDĐ để chuyển đổi canh tác.

Tương tự, ông Nguyễn Xuân Bắc - Chủ tịch UBND xã Mai Phụ thông tin: “Địa bàn xã có hơn 40 hecta ruộng muối bỏ hoang, vừa qua UBND huyện Lộc Hà đã hoàn thành cấp GCNQSDĐ cho người dân, sau đó người dân ở thôn Liên Tiến và Đông Vĩnh đã nhận tiền đền bù, nhường 37 hecta đất ruộng muối nằm trong quy hoạch nuôi trồng thủy sản, (nuôi tôm công nghệ cao-dự án của tỉnh Hà Tĩnh) lại cho dự án”.

Đây cũng là nguyện vọng của người dân, thứ nhất; là họ nhận tiền đền bù để có khoản tiền kinh doanh mặt hàng khác; thứ hai khi triển khai dự án nuôi trồng thủy sản sẽ giải quyết công ăn việc làm cho một số lao động tại địa phương. Hướng đi này được người dân đồng tình rất cao, ông Bác thông tin thêm.

Ông Phan Tiến Dũng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lộc Hà cho biết: “Huyện Lộc Hà có trên 150 hecta đất làm ruộng muối, hiện xã Mai Phụ và Thạch Châu cơ bản đã hoàn thành việc cấp GCNQSDĐ cho người dân, riêng xã Hộ Độ mới cấp đổi được khoảng 30%, hiện phòng đang cho triển khai, dự kiến cuối năm nay sẽ hoàn thành. Sau khi hoàn thành việc cấp GCNQSDĐ cho người dân đồng thời rà xét khu vực nào nằm trong dự án nuôi trồng thủy sản sẽ tiếp tục chuyển đổi và làm thủ tục, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho dự án”.

Với hướng đi mới này, cánh đồng muối tại huyện Lộc Hà sẽ đổi thay thành những mô hình nuôi trồng thủy sản trong nay mai, để dự án thành công và đi vào hoạt động sớm thì cần sự đồng thuận từ các diêm dân và sự tận tình của lãnh đạo địa phương.

Nguyễn Đạt
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...