Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thừa Thiên Huế: Vốn tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo bền vững

Thừa Thiên Huế thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp từ nguồn vốn chính sách, qua đó góp phần đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.

Nhiều hộ nghèo, học sinh tiếp cận vốn chính sách

Theo báo cáo của Ban đại diện Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Thừa Thiên Huế, 6 tháng đầu năm 2023, Ban đại diện tỉnh đã chỉ đạo NHCSXH tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bản tỉnh Thừa Thiên Huế, tập trung triển khai một cách quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp.

Thừa Thiên Huế: Vốn tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo bền vững

Nhiều hộ gia đình khó khăn nhờ nguồn vốn tín dụng đã mở rộng, cải tạo vườn tược nâng cao thu nhập

Vì vậy, trên tất cả các lĩnh vực hoạt động, tiếp tục có sự chuyển biến rõ nét, tích cực, tăng trưởng đi đôi với chất lượng ổn định, bền vững. Ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) NHCSXH các cấp đã được kiện toàn kịp thời, đảm bảo hoạt động kiểm tra, giám sát của Ban đại diện luôn được thông suốt; tổ chức các phiên họp định kỳ đầy đủ theo quy định, sau cuộc họp Ban đại diện đã ban hành Nghị quyết để chỉ đạo tổ chức thực hiện.

Tính đến cuối tháng 6/2023, nguồn vốn chính sách toàn Chi nhánh là 4.037,9 tỷ đồng, tăng 237,8 tỷ đồng so với năm 2022, tăng 6,26% (nguồn vốn trung ương tăng 5,66%, nguồn vốn địa phương tăng 19,05%). Tổng dư nợ đạt 3.997,8 tỷ đồng, tăng 199 tỷ đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng trưởng 5,24%. Doanh số cho vay trong 6 tháng đầu năm là 802,9 tỷ đồng, với 17.062 lượt khách hàng được vay vốn, tập trung chủ yếu vào chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay học sinh sinh viên, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay xuất khẩu lao động, cho vay giải quyết việc làm,… Đến 30/6/2023, tổng nguồn vốn được giao các chương trình tín dụng theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ là 401.236 triệu đồng. Hiện nay toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 141 điểm giao dịch của Ngân hàng chính sách cấp xã.

Góp phần giảm nghèo bền vững

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, trong 6 tháng đầu năm 2023, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần tích cực trong việc cải thiện và nâng cao đời sống của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đã đáp ứng kịp thời cho 17.062 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được vay vốn từ NHCSXH để phục vụ cho sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao đời sống; 799 hộ vay vốn Chương trình hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn,…

Thừa Thiên Huế: Vốn tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo bền vững
Nhiều phụ nữ huyện miền núi A Lưới mở rộng sản xuất kinh doanh

Thực hiện chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 2.879 lao động, tạo điều kiện để người lao động phát triển sản xuất, giải quyết tình trạng thất nghiệp cho người lao động trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa ngày càng cao tại các địa phương. Đồng thời, tạo điều kiện cho 176 lao động được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, thông qua chương trình tín dụng học sinh sinh viên đã đáp ứng cho 244 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn, cho vay 181 hộ xây dựng 181 căn nhà với tổng số tiền giải ngân gần 73,071 tỷ đồng từ nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội…

Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT chi nhánh NHCSXH tỉnh Thừa Thiên Huế đánh giá cao những nỗ lực của các thành viên ban đại diện trong việc thúc đẩy đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến gần hơn với các đối tượng chính sách, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong 6 tháng đầu năm 2023. Từ đó, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, cần khai thác tốt nguồn vốn ủy thác, kết hợp các nhóm nguồn lực để người dân tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, tạo điều kiện để các nhóm đối tượng được vay vốn để sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời, đề nghị các sở, ban ngành liên quan quan tâm hơn nữa trong việc phối hợp với NHCSXH tham mưu thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh có hiệu quả hơn. Các tổ chức chính trị - xã hội cần rà soát các nhóm đối tượng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát vốn nhận uỷ thác của NHCSXH, quản lý chặt chẽ nguồn vốn tín dụng chính sách đã được ủy thác đảm bảo an toàn vốn.

“Tiếp tục thực hiện Kết luận, Chỉ thị của Ban Bí thư TW Đảng, Chỉ thị của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội tại địa phương một cách hiệu quả và thiết thực hơn nữa trong giai đoạn mới, trọng tâm là tăng cường nguồn lực từ địa phương hỗ trợ thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đồng thời, phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, gắn với các nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội, sử dụng vốn đúng mục đích, ngăn chặn việc trục lợi tín dụng chính sách”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT chi nhánh NHCSXH tỉnh Thừa Thiên HuếNguyễn Thanh Bình đề nghị.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết