Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bảo hiểm y tế - Chính sách an sinh xã hội nhân văn

Những năm qua, việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đã tăng trưởng về số đối tượng tham gia, từng bước hiện thực hóa mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân. Hơn thế nữa, chính sách này đã góp phần bảo đảm công tác an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Để bảo đảm quyền lợi và tạo thuận lợi tốt nhất cho người có thẻ BHYT khi khám chữa bệnh, những năm gần đây, chính sách BHYT đã không ngừng được cải tiến, bổ sung nhiều điểm mới như: nâng cao chất lượng, quyền lợi của người tham gia BHYT; ban hành quy trình giám định BHYT mới; đồng bộ danh mục kỹ thuật với giá dịch vụ y tế mới và đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, dịch vụ công về khám chữa bệnh BHYT trên Cổng dịch vụ công quốc gia… Theo đó hằng năm, không ít lượt người khám chữa bệnh BHYT được quỹ chi trả chi phí khám chữa bệnh lên tới hàng trăm triệu đồng; đặc biệt, có những bệnh nhân được quỹ chi trả với số tiền lên tới hàng tỷ đồng. Đơn cử như trong năm 2022, toàn tỉnh có khoảng 2.423.000 lượt người khám chữa bệnh BHYT với chi phí khoảng 1.234 tỷ đồng.

Cán bộ BHXH huyện Ea H'leo giải quyết thủ tục BHYT, BHXH cho người tham gia.

Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, mỗi năm Quỹ BHYT chi trả từ 100.000 - 105.000 tỷ đồng cho việc khám chữa bệnh BHYT; trong đó ngoài việc chi trả chi phí khám chữa bệnh thông thường, Quỹ BHYT còn chi trả cho nhiều người mắc các bệnh hiểm nghèo, bệnh mạn tính như bệnh rối loạn đông máu di truyền, ung thư, tim mạch, suy thận... Không chỉ thế, BHYT được xem là chính sách an sinh xã hội khi trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT miễn phí; Nhà nước cấp hoặc hỗ trợ kinh phí khi tham gia BHYT (tùy theo đối tượng) đối với hộ nghèo, cận nghèo, người sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn, người dân tộc thiểu số; hỗ trợ giảm mức đóng khi tham gia theo hộ gia đình…

Đơn cử như trường hợp em H'Din Niê (10 tuổi, xã Ea Hồ, huyện Krông Năng) bị bệnh ung thư máu và tim bẩm sinh từ nhiều năm nay nên phải thường xuyên đi bệnh viện để điều trị. Theo chị H'An Niê (mẹ H'Din), H'Din được phát hiện mắc bệnh hiểm nghèo từ năm 7 tuổi. Cũng từ đó đến nay, hằng tháng gia đình đều phải đưa em vào TP. Hồ Chí Minh để thăm khám, điều trị, mỗi lần đi như thế chi phí tiêu tốn không ít. Tuy nhiên, nhờ được cấp BHYT theo diện hộ nghèo nên chi phí khám chữa bệnh cũng giảm được rất nhiều, bớt được gánh nặng kinh tế cho gia đình. Còn em Hoàng Nhi (13 tuổi, xã Ea Siên, thị xã Buôn Hồ) bị bệnh tan máu bẩm sinh thường xuyên đi viện để điều trị. Nhờ có tham gia BHYT, chi phí khám chữa bệnh của em được Quỹ BHYT thanh toán phần lớn. Từ trường hợp của con mình, thấy được lợi ích của việc tham gia BHYT nên nhiều năm nay, bố mẹ em đều mua BHYT cho cả gia đình.

Em H'Din Niê được giáo viên nhà trường hướng dẫn ôn tập bài sau những ngày đi điều trị bệnh.

Có thể nói, việc người dân tham gia BHYT được xem là một hình thức tiết kiệm "đóng góp khi lành, để dành khi ốm"; đồng thời, giảm bớt gánh nặng về kinh tế khi không may bị ốm đau, bệnh tật. Đối với những người tham gia BHYT nhưng không phải dùng đến “lá bùa hộ mệnh” này thì đó lại là niềm vui, hạnh phúc khi sức khỏe ổn định, không ốm đau, bệnh tật.

Thực tế cho thấy, BHYT là chính sách nhân văn, ưu việt của Đảng và Nhà nước, giữ vai trò trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội quốc gia; bảo đảm mọi công dân đều được thụ hưởng chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh. Năm 2023, ngành BHXH Đắk Lắk phấn đấu tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 92,5%/dân số. Để thực hiện mục tiêu này và hướng đến bao phủ BHYT toàn dân, ngành BHXH và các địa phương trong tỉnh đã và đang đẩy mạnh việc thay đổi nhận thức của người dân trong việc tham gia BHYT; huy động các nguồn lực xã hội thực hiện việc mua thẻ BHYT cho các hộ dân có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; tập trung rà soát nhóm đối tượng hộ nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình để hỗ trợ mức đóng từ ngân sách địa phương…

Theo thống kê của BHXH tỉnh, tính đến cuối năm 2022, số người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh là 1.659.657 người, đạt tỷ lệ bao phủ 92,27% dân số, vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao (91,75%); trong khi đó, tỷ lệ bao phủ BHYT năm 2020 là 90,23% và năm 2021 là 90,97%.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết