Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chung tay để những hoàn cảnh khó khăn có mùa xuân

Càng cận Tết Nguyên đán 2024, nhịp sống mưu sinh ở những đô thị lớn như thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) càng trở nên hối hả. Trong “dòng chảy” miệt mài đó, các cấp chính quyền và đoàn thể TP.HCM đã tổ chức nhiều hoạt động chăm lo, hỗ trợ về vật chất và tinh thần để người lao động đón Tết an toàn, ấm áp và hạnh phúc.

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa sẽ đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhưng nhiều người lao động tại khu vực phía Nam vẫn đang chật vật với cuộc sống vì bị thất nghiệp, không có đủ tiền để trang trải chi phí sinh hoạt hằng ngày cũng như về quê sinh sống.

Anh Thạch Phi Lài (33 tuổi, quê Trà Vinh) từng làm trong một xưởng gốm sứ trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Sau khi bàn tay phải của anh bị mất do tai nạn lao động vào năm 2023, từ vị trí trụ cột anh Lài trở thành gánh nặng của gia đình.

Chung tay để những hoàn cảnh khó khăn có mùa xuân
Thành đoàn TP.HCM tổ chức chuyến xe miễn phí cho người lao động về quê ăn Tết.

Không chấp nhận số phận nghiệt ngã, sau khi điều trị vết thương với nhiều lần phẫu thuật khác nhau, anh Lài bắt đầu đi làm dù bàn tay còn đau nhức. Vì không còn lành lặn nên anh đã lựa chọn công việc bán vé số - công việc gần như là duy nhất trong bối cảnh hiện nay.

Sau khi biến cố xảy ra, vợ anh đã phải làm việc nhiều hơn; con trai lớn cũng nghỉ học để vào xưởng gốm làm việc phụ giúp một phần cho bố mẹ. Mỗi ngày làm việc, gia đình anh Lài kiếm được hơn 400.000 đồng. Số tiền này vừa dùng để trang trải cuộc sống vừa để gửi về quê cho ông bà chăm lo cho con gái nhỏ.

Anh Lài cho biết, những năm trước khi tai nạn xảy ra, dù kiếm được nhiều hay ít tiền thì anh vẫn cố gắng về quê đón Tết với gia đình. Tuy nhiên năm nay, thu nhập giảm sút, chi tiêu “thiếu trước hụt sau”, lại bị tai nạn nên anh sẽ ở lại Bình Dương kiếm việc thời vụ, kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Không kém vất vả là tình cảnh của anh Đoàn Minh Phương (38 tuổi, quê Hậu Giang). Sau khi bị công ty sa thải vào năm 2022, đến nay anh Phương đang chạy xe ôm công nghệ. Với áp lực người vợ đang mang bầu sắp sinh, bản thân anh Phương không thể xin vào làm công ty mới với mức lương hơn 4 triệu đồng/tháng mà phải chạy xe ôm công nghệ, đây dường như là lựa chọn tối ưu nhất.

“Làm ở công ty cũ được gần 10 năm thì bị sa thải do hết đơn hàng, lúc đó cũng có công ty khác tuyển dụng nhưng lương chỉ hơn 4 triệu nên tôi không xin vào. Bây giờ vợ sắp sinh, con trai cũng sắp vào lớp 1, nên mức lương hơn 4 triệu/tháng không đủ nuôi gia đình. Tôi chạy xe ôm công nghệ dù sẽ mệt hơn nhưng thu nhập tốt hơn nhiều”, anh Phương trải lòng.

Theo anh Phương, năm nay gia đình anh có kế hoạch sẽ ăn Tết ở TP.HCM để tiết kiệm chi phí đi lại. Đến sang năm, sau khi vợ sinh xong, công việc ổn định hơn thì anh mới đưa cả nhà về quê.

Trên đây chỉ là một vài trường hợp đang vất vả mưu sinh tại TP.HCM. Khi Tết đến xuân về, triệu triệu người dân Việt Nam đều hăm hở, chuẩn bị nguồn lực tốt nhất để được sum vầy bên gia đình, người thân. Tuy nhiên với không ít người, Tết là mối lo toan nặng trĩu khi không có công ăn việc làm và nguồn thu nhập không ổn định, đặc biệt dự báo kinh tế trong nước và quốc tế năm 2024 sẽ tiếp tục đà suy thoái, diễn biến nhiều khó khăn.

Vì thế các hoạt động hỗ trợ, chung tay, sẻ chia khó khăn sẽ là ngọn lửa tiếp thêm sức mạnh và sưởi ấm những mảnh đời kém may mắn. Để chăm lo cho người lao động có một cái Tết Nguyên đán ấm áp, thời gian qua, nhiều đơn vị, tổ chức tại TP.HCM đã triển khai những hoạt động thiết thực. Đơn cử Thành đoàn TP.HCM vừa phát động chương trình "Mang Tết về nhà" năm 2024 nhằm trao tặng hàng nghìn vé xe, vé máy bay đến người lao động và sinh viên đang sống, làm việc tại một số tỉnh, thành phía Nam. Chương trình sẽ trao tặng 4.365 vé xe ô tô về các tỉnh miền Bắc và miền Trung (Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa), 560 vé máy bay về Hà Nội và Đà Nẵng.

Hay như sự chung tay của cộng đồng doanh nhân như việc Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) phối hợp cùng Thành đoàn TP.HCM khởi động chương trình cộng đồng Tết 2024 với tên gọi “Tết sẻ chia, năm Rồng khởi sắc" tại thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương nhằm trao quà đến 400 người lao động (trị giá 700.000 đồng/phần) gồm bao lì xì có 300.000 đồng tiền mặt và các nhu yếu phẩm ngày Tết.

"Năm 2024 là thời điểm Việt Nam cần hơn bao giờ hết sự đoàn kết, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau. Thông qua hoạt động trao quà kết hợp cùng ngày hội "Tết sẻ chia, năm Rồng khởi sắc", chúng tôi hy vọng có thể san sẻ những khó khăn năm cũ với cộng đồng, tri ân cho những đóng góp đối với sự phát triển kinh tế", Ông Lester Tan, Tổng Giám đốc Sabeco chia sẻ.

Mới đây, Liên đoàn lao động TP.HCM đã phối hợp với các đơn vị tổ chức chương trình đi bộ đồng hành "Vì sức khỏe người lao động" lần 1 năm 2024 với chủ đề "Triệu bước chân, một tấm lòng" qua đó đã gây quỹ hơn 3 tỉ đồng. Số tiền này sẽ được dùng để chi chăm lo Tết cho đoàn viên công đoàn, người lao động khó khăn, bị bệnh hiểm nghèo, bị mất việc.

Năm 2023 đã chính thức khép lại, tăng trưởng GRDP của TP.HCM đạt 5,81%. Mặc dù một số chỉ tiêu kinh tế, xã hội chưa hoàn thành nhưng các chỉ tiêu về an sinh xã hội trong đó có lao động, việc làm đã cơ bản hoàn tất. Trong năm 2024 Thành phố đề ra mục tiêu GRDP đạt từ 7,5 - 8%; nâng tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo nghề có chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận đạt từ 87%, đồng thời tạo việc làm mới là 140.000 chỗ. Những nỗ lực của chính quyền các cấp TP.HCM, sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp cũng như quyết tâm của người lao động trong suốt một năm qua đã giúp Thành phố vượt qua “cơn gió ngược”, tạo đà để Thành phố “bước nhanh” ngay từ những tháng đầu năm 2024.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...