Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xuất khẩu hạt tiêu 5 tháng, tăng mạnh về giá trị

5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam giảm về lượng, nhưng tăng mạnh về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong tháng 5/2022 đạt 21,84 nghìn tấn, trị giá 98,4 triệu USD, giảm 11,3% về lượng và giảm 13,7% về trị giá so với tháng 4/2022, so với tháng 5/2021 giảm 21,3% về lượng, nhưng tăng 3,4% về trị giá. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt 99,54 nghìn tấn, trị giá 460,54 triệu USD, giảm 17,8% về lượng, nhưng tăng 21,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

11 tháng năm 2021, Pháp nhập khẩu hạt tiêu từ Việt Nam đạt 4.795 tấn, trị giá 15,6 triệu EUR (18 triệu USD), tăng 14,8% về lượng và tăng 49,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020
5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt 99,54 nghìn tấn, trị giá 460,54 triệu USD, giảm 17,8% về lượng, nhưng tăng 21,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Tháng 5/2022, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt mức 4.504 USD/ tấn, giảm 2,7% so với tháng 4/2022, nhưng tăng 31,4% so với tháng 5/2021. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt mức 4.627 USD/tấn, tăng 47,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Tháng 5/2022 so với tháng 5/2021, lượng hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam sang nhiều thị trường giảm, gồm: Ấn Độ, Đức, Hàn Quốc, Pakistan. Ngược lại, lượng hạt tiêu xuất khẩu sang các thị trường khác tăng, gồm: Hoa Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Hà Lan, Philippines, Anh và Thái Lan.

5 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu sang hầu hết các thị trường chính tăng, ngoại trừ Anh, Pakistan. Đáng chú ý, tốc độ xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sang nhiều thị trường tăng trưởng 2 con số, gồm: Ấn Độ, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Đức, Hà Lan, Hàn Quốc, Philippines, Thái Lan.

Trên thị trường thế giới, đầu tháng 6/2022, giá hạt tiêu đen và trắng xuất khẩu biến động không đồng nhất tại hầu hết các nước sản xuất, tăng tại Indonesia và Ấn Độ, ổn định tại Malaysia, nhưng giảm mạnh tại Việt Nam và Brazil.

Còn tại thị trường trong nước, hiện giá hạt tiêu đen và trắng tại thị trường nội địa tăng trở lại nhờ nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc tăng. Thời điểm hiện tại giá hạt tiêu của Việt Nam phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc khi mà các nhà nhập khẩu châu Âu và Hoa Kỳ đã ký hợp đồng đến cuối năm nay. Doanh nghiệp đã dự trữ đủ lượng hàng để sản xuất và xuất khẩu nên lực mua chậm và yếu hơn so với diễn biến của thị trường.

Dự báo thị trường hạt tiêu toàn cầu sẽ khởi sắc trở lại khi một vài thành phố của Trung Quốc đã bắt đầu gỡ phong tỏa. Tuy nhiên, giá hạt tiêu thế giới vẫn chịu áp lực do căng thẳng địa chính trị tại Đông Âu khiến giá năng lượng và lạm phát ở mức cao, người dân có xu hướng tiết kiệm chi tiêu khiến nhu cầu tiêu thụ vẫn ở mức thấp.


Tác giả: Nguyễn Hạnh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...