A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 1/8: EVFTA tạo sức bật cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam

Sau 2 năm triển khai Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU được đánh giá rất khả quan.

Tờ Bnews của Thông tấn xã ngày 1/8 có bài: “2 năm thực thi EVFTA: Sức bật cho tăng trưởng”.

Bài báo cho biết, dù qua 2 năm dịch Covid-19 bùng phát khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, song nhờ triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam và EU đạt 31,65 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 8,52% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước, góp phần duy trì vị trí EU là đối tác kinh tế - phát triển hàng đầu của Việt Nam.

“Có thể khẳng định Hiệp định EVFTA đã tạo ra cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, nhất là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh” - bài báo khẳng định.

Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 1/8: EVFTA tạo sức bật cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam
6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam và EU đạt 31,65 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước

Tờ Quân đội nhân dân có bài: “EVFTA còn nhiều tiềm năng chờ khai mở”

Bài báo đánh giá, cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam gia tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường EU rất lớn. Bởi EU và Việt Nam là những thị trường mang tính bổ sung cho nhau, cơ cấu hàng hóa không cạnh tranh trực tiếp. Với 27 nước thành viên, dân số hơn 500 triệu người, EU có nhu cầu nhập khẩu lượng lớn hàng hóa. Đồng thời, ngoài lý do thuế nhập khẩu của các đối tác tiếp tục được xóa bỏ, cắt giảm theo lộ trình cam kết thì yếu tố quan trọng để hàng hóa của Việt Nam tiến sâu vào thị trường quan trọng này là doanh nghiệp đã dần thích nghi với các cam kết của EVFTA.

Song, đi cùng với những thuận lợi, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào EU cũng đang đối diện với nhiều thách thức. Ngoài việc lạm phát cao ở EU khiến tổng cầu hàng hóa có những dấu hiệu sụt giảm thì xu hướng mất giá trong một năm qua của đồng euro; chính sách thương mại của EU thay đổi nhanh chóng cũng đang tác động không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp cần nghiêm túc hơn trong kiểm soát quy trình sản xuất, từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch đến kiểm nghiệm sản phẩm. Cùng với đó, cơ quan chức năng cũng cần cung cấp thông tin đầy đủ cho cộng đồng doanh nghiệp có thể khai thác tốt những quy định tại EVFTA.

Liên quan đến thị trường tiêu dùng, Báo Chính phủ đưa thông tin: “Thủ tướng yêu cầu kiểm soát giá hàng hóa, dịch vụ sau khi giá xăng dầu giảm mạnh”.

Theo bài báo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 679/CĐ-TTg ngày 31/7/2022 về tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá.

Công điện nêu rõ, trước diễn biến giá cả các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trong thời gian qua vẫn ở mức cao, Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá đã triển khai nhiều giải pháp giữ ổn định giá hàng hóa, dịch vụ, nhất là việc kiểm soát giá các hàng hóa, dịch vụ sau khi giá xăng dầu giảm mạnh trong các kỳ điều hành vừa qua.

Về vấn đề xuất nhập khẩu, tờ Hải quan ngày 1/8 có bài: "Ngành nông nghiệp xuất siêu ấn tượng gần 6,3 tỷ USD".

Theo thông tin Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố sáng ngày 1/8, 7 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông - lâm - thủy sản ước đạt khoảng 58,3 tỷ USD, tăng 7,2% so với 7 tháng năm 2021.

Kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy ước gần 32,3 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt 13,3 tỷ USD, tăng 8,4%; lâm sản chính đạt trên 10,4 tỷ USD, tăng 1,3%; thủy sản ước đạt gần 6,7 tỷ USD, tăng 34,2%; chăn nuôi ước đạt 225,6 triệu USD, giảm 11,6%; xuất khẩu đầu vào sản xuất gần 1,7 tỷ USD, tăng 66,7%.

7 tháng đầu năm, có 4 sản phẩm/nhóm sản phẩm có trị giá xuất khẩu đạt trên 2 tỷ USD (cà phê, gạo, tôm, sản phẩm gỗ).

Về thị trường xuất khẩu, 7 tháng qua, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất, đạt gần 8,7 tỷ USD (chiếm 26,8% thị phần); đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc, đạt trên 5,7 tỷ USD (chiếm 17,8% thị phần); thứ 3 là thị trường Nhật Bản với trị giá xuất khẩu đạt trên 2,3 tỷ USD (chiếm 7,2% thị phần); thứ 4 là thị trường Hàn Quốc với trị giá xuất khẩu đạt trên 1,5 tỷ USD (chiếm 4,7% thị phần).


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết