Tổng kết 9 năm thi hành Luật Thủ đô: Hoàn thiện hệ thống pháp luật về Thủ đô với cơ chế, chính sách phù hợp
Sáng 21/11, Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị tổng kết thi hành Luật Thủ đô. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đồng chủ trì hội nghị.
Cơ chế đặc thù đã góp phần giúp Thủ đô huy động được nguồn lực to lớn
Tham dự Hội nghị có đại diện các Ủy ban của Quốc hội, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ban ngành, các tỉnh trong Vùng Thủ đô và đại diện các ban của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị, chính trị xã hội và các quận, huyện của Hà Nội.
Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2012 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2013. Đây là văn bản pháp lý quan trọng quy định vị trí, vai trò, trách nhiệm và chính sách xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô.
Ngày 5/5/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có giải pháp “Hoàn thiện hệ thống pháp luật về Thủ đô với cơ chế, chính sách phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới”.
Việc tổ chức tổng kết thi hành Luật Thủ đô nhằm đánh giá tình hình thi hành Luật này trong 9 năm qua để xác định những tác động tích cực của cơ chế đặc thù về xây dựng, phát triển và quản lý Thủ đô; nhận diện những hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc; kiến nghị các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành Luật và đề xuất việc sửa đổi, bổ sung quy định của Luật cho phù hợp với tình hình mới.
Toàn cảnh hội nghị. |
Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Bộ Tư pháp Nguyễn Hồng Tuyến trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả thi hành Luật Thủ đô cho biết, nhận thức rõ vị trí, vai trò của Thủ đô, trách nhiệm xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô, tiếp tục phát huy truyền thống Thủ đô ngàn năm văn hiến, anh hùng, vì hòa bình, Thành phố sáng tạo, các bộ, ngành cùng Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Thủ đô đã nỗ lực, cố gắng trong việc xây dựng, phát triển mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội và bảo vệ Thủ đô.
Các quy định liên quan đến biện pháp bảo đảm quy hoạch, quản lý đất đai, không gian, kiến trúc, cảnh quan và xây dựng đô thị đã được triển khai thực hiện. Công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo, tạo chuyển biến tích cực, thực hiện đồng bộ, thống nhất theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, trong đó lấy Quy hoạch chung làm trung tâm; định hướng phát triển Thủ đô, cùng với các biện pháp thực hiện nghiêm ngặt để bảo vệ, không phá vỡ quy hoạch.
Các cơ chế đặc thù quy định trong Luật đã góp phần giúp Thủ đô huy động được nguồn lực to lớn, tạo bước đột phá về tăng cường đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là hệ thống đường vành đai, trục hướng tâm, cầu đường bộ, gắn với nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng và hạ tầng xã hội, thúc đẩy liên kết phát triển kinh tế - xã hội giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô...
Các quy định của Luật đã tạo cơ chế tăng nguồn thu tài chính - ngân sách cho Thủ đô; môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, thuận lợi hơn. Khu vực kinh tế ngoài nhà nước có đóng góp lớn nhất trong GRDP, giảm tỷ trọng ở khu vực kinh tế nhà nước, đóng góp của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài gần như không thay đổi.
GRDP bình quân tăng 6,73%
Thành phố đã huy động và phát huy hiệu quả các nguồn lực xã hội, đẩy mạnh xã hội hóa, mở rộng liên kết; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2016-2020 đạt 1,716 triệu tỷ đồng, gấp 1,6 giai đoạn trước. Thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách với trên 2.850 dự án, vốn đăng ký 1,6 triệu tỷ đồng. Thu ngân sách giai đoạn 2016-2020 đạt gần 1,2 triệu tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 11,1%/năm, gấp 1,64 lần giai đoạn 2011-2015.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đồng chủ trì hội nghị. |
GRDP bình quân tăng 6,73%, mặc dù không đạt kế hoạch đề ra do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, nhưng cũng cao hơn bình quân chung cả nước. Quy mô nền kinh tế được mở rộng, ngày càng xứng đáng vai trò là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Một số cơ chế chính sách đặc thù của Thành phố như: Các di sản văn hóa - lịch sử được quan tâm bảo tồn, tôn tạo. Thủ đô tiếp tục dẫn đầu cả nước về quy mô, mạng lưới trường lớp, chất lượng giáo dục. Khoa học công nghệ được đầu tư phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu, hướng tới chất lượng, hiệu quả ứng dụng, thu hút được sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trên nhiều lĩnh vực.
Chất lượng khám, chữa bệnh được nâng cao ở cả cấp thành phố, cấp huyện và cấp xã; y đức và thái độ phục vụ của đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế được nâng lên. Các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội của Nhà nước được thực hiện đúng, đủ và kịp thời; ban hành và thực hiện nhiều chính sách đặc thù, riêng có của Hà Nội về phúc lợi xã hội.
Công tác đảm bảo an ninh trật tự, quản lý dân cư, đăng ký cư trú và xử phạt vi phạm hành chính bước đầu đạt được những kết quả tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân cư trú trên địa bàn; hạn chế vi phạm pháp luật, góp phần giữ gìn an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô.
Tăng cường phân quyền, phân cấp cho Thành phố
Nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về Thủ đô với cơ chế, chính sách phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới theo Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị, qua kết quả tổng kết thi hành Luật Thủ đô, Vụ trưởng Nguyễn Hồng Tuyến cho biết, Bộ Tư pháp đề nghị, việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) cần bám sát một số định hướng.
Đó là bảo đảm tuân thủ các quy định của Hiến pháp 2013; phù hợp với Nghị quyết số 15-NQ/TW và Nghị quyết số 06-NQ/TW; Quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù và phân cấp cho chính quyền Thủ đô Hà Nội khác với các quy định của các luật hiện hành hoặc chưa có quy định cụ thể. Tạo cơ chế để hoàn thiện tổ chức bộ máy chính quyền Thành phố theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với vai trò, vị trí và yêu cầu phát triển, quản lý Thủ đô trong giai đoạn phát triển mới.
Tăng cường phân quyền, phân cấp cho Thành phố nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của Thành phố; có cơ chế kiểm soát quyền lực, thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Quy định các cơ chế, chính sách mới, có tính chất đặc thù, vượt trội về mặt thể chế, phù hợp với vị trí, vai trò, tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô và mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” để hướng đến 4 định hướng trụ cột lớn (Chính quyền đô thị; Cơ chế tài chính ngân sách và thu hút nguồn lực xã hội đầu tư phát triển Thủ đô và Vùng Thủ đô; Phát triển đô thị - nông thôn; phát triển văn hóa - xã hội và khoa học - công nghệ).
“Tạo thể chế thuận lợi không chỉ cho Thủ đô mà cả Vùng Thủ đô và các đối tác tham gia xây dựng Thủ đô, hướng tới xây dựng Thủ đô phát triển nhanh và bền vững, trở thành động lực phát triển của Vùng Thủ đô và cả nước; với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”; Có quy định để các quy định về cơ chế, chính sách đặc thù trong Luật Thủ đô (sửa đổi) được ưu tiên áp dụng so với các luật khác”, Vụ trưởng Nguyễn Hồng Tuyến nói.