Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường kiểm tra hoạt động nhà văn hóa và các điểm vui chơi

Những năm qua, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực xây dựng nhà văn hóa, trung tâm sinh hoạt cộng đồng nhằm tạo các thiết chế nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Việc các nhà văn hóa và khu vui chơi, thể thao bị “biến tướng” sử dụng vào mục đích khác đang làm cho người dân mất đi không gian sinh hoạt văn hóa - thể thao...

Tại khu vực ngoại thành, sau khi xây dựng nông thôn mới, về cơ bản các thôn, làng đã có nhà văn hóa, trung tâm sinh hoạt cộng đồng. Theo ghi nhận tại các huyện Ðông Anh, Gia Lâm, Hoài Ðức, Phú Xuyên, Chương Mỹ… cho thấy các thôn, làng đều được đầu tư xây dựng nhà văn hóa khang trang, có khuôn viên sạch, đẹp.

Một số địa bàn, nhà văn hóa thôn được xây dựng 2 tầng, có thư viện, phòng chơi bóng bàn. Tượng tự, các quận mới như Long Biên, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm đều bố trí được quỹ đất, kinh phí để xây nhà văn hóa...

Tăng cường kiểm tra hoạt động nhà văn hóa và các điểm vui chơi
Nhà văn hóa thôn An Hiền (trước đây là thôn An Vọng, xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ) là nơi luyện tập thể dục thể thao của người dân

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội, tính đến tháng 3/2022, toàn Thành phố mới có 136/579 xã, phường, thị trấn có công trình Trung tâm văn hóa, thể thao cấp xã, đạt tỷ lệ 24,0%. Trong đó, 2.283 nhà văn hóa thôn, đạt 97,0 %; 1.993 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt tổ dân phố, mới đạt tỷ lệ 65,5%. Đáng lưu ý, có 9 quận, huyện của thành phố Hà Nội đang “trắng” trung tâm văn hóa cấp xã.

Trong tổng số hơn 4.200 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng thôn, tổ dân phố, chỉ có hơn 1.900 nhà văn hóa đáp ứng tiêu chí cơ bản về quy mô, diện tích xây dựng, trang, thiết bị; hơn 2.100 nhà văn hóa chưa đáp ứng các tiêu chí cơ bản; 18 nhà văn hóa nằm trong khuôn viên di tích; 187 nhà văn hóa xuống cấp không bảo đảm điều kiện sinh hoạt..

Tuy nhiên, thời gian qua, ở một số địa phương, việc các nhà văn hóa và khu vui chơi, thể thao bị “biến tướng” sử dụng vào mục đích khác đang làm cho người dân mất đi không gian sinh hoạt văn hóa - thể thao, trong hoàn cảnh Hà Nội đang thiếu trầm trọng nơi vui chơi, giải trí công cộng.

Để xử lý dứt điểm tình trạng này, mới đây UBND phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đã kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh hoạt động của các nhà văn hóa, điểm vui chơi. đảm bảo đúng mục đích, đúng chức năng, bảo đảm phục vụ tốt mọi hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao và các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Tăng cường kiểm tra hoạt động nhà văn hóa và các điểm vui chơi
Phường Trung Văn tăng cường kiểm tra hoạt động nhà văn hóa và các điểm vui chơi

Ông Nguyễn Đắc Long, Chủ tịch UBND phường Trung Văn cho biết, UBND phường đã có văn bản về việc nghiêm cấm trông giữ phương tiện tại các nhà văn hóa, khu vui chơi. Nếu phát hiện có hiện tượng trông giữ trái quy định thì các ông, bà tổ trưởng tổ dân phố sẽ phải chịu trách nhiệm.

"Bên cạnh đó, UBND phường nghiêm cấm việc trông giữ ô tô, xe máy trái phép (có thu tiền trái quy định của pháp luật) tại các nhà văn hóa, điểm vui chơi cộng đồng tại một số tổ dân phố; đường nội bộ, khoảng trống sân tại một số nhà chung cư trên địa bàn. Giao Công an phường tham mưu kiểm tra xử lỹ các trường hợp vi phạm (nếu có)", Chủ tịch UBND phường Trung Văn thông tin.

Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, đến tháng 3/2022, Hà Nội có 30 thiết chế văn hóa, thể thao cấp thành phố, 57 thiết chế văn hóa thể thao cấp huyện, 136 trung tâm văn hóa, thể thao cấp xã, 4.277 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng tại các thôn, tổ dân phố. Nhiều thiết chế văn hóa đã được đầu tư xây dựng đồng bộ, khang trang, phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần của nhân dân.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn Hà Nội vẫn còn nhiều bất cập cần khắc phục trong thời gian tới.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết