Thiết lập công cụ kiểm soát, khơi thông nguồn lực đất đai
Sau nhiều lần trì hoãn, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Với tầm quan trọng đặc biệt của đất đai, đạo luật này đang được kỳ vọng có những bước đột phá trong cơ chế quản lí, qua đó thiết lập công cụ kiểm soát và khai thông các nguồn lực của đất nước.
Khơi thông các nguồn lực đất đai
Với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế trong những năm gần đây, đã và đang làm nảy sinh những vấn đề pháp lí mới mà pháp luật đất đai hiện hành chưa được đề cập đến. Đặc biệt chính sách tài chính về đất đai chưa đủ mạnh để khắc phục tình trạng đầu cơ đất, chậm đưa dự án vào sử dụng và triển khai thực hiện, gây lãng phí nguồn lực lớn...
Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai. Ảnh: Đ.Đ |
Trước những bất cập, vướng mắc và đòi hỏi từ thực tiễn phát triển, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2013 đặt ra rất cấp thiết. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và môi trường đã hoàn thiện xây dựng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), thay thế Luật Đất đai năm 2013 để trình Quốc hội cho ý kiến ngay tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV lần này với nhiều vấn đề lớn.
Đề cập đến vấn đề sửa đổi Luật Đất đai, tại buổi tọa đàm “Nghị quyết 18 và dự án Luật Đất đai (sửa đổi)” vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, sửa đổi Luật Đất đai là sự kiện pháp lí đặc biệt của đất nước. Mục đích là thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương về việc tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu quả quản lí, sử dụng đất và Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, cùng một số Nghị quyết quan trọng khác của Bộ Chính trị, của Trung ương liên quan đến đất đai. Đồng thời, sửa luật lần này còn nhằm đề ra chủ trương mới, tư duy mới trong quản lý đất đai…
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 237 điều, trong đó giữ nguyên 48 điều; sửa đổi, bổ sung 153 điều; bổ sung mới 36 điều và bãi bỏ 8 điều. Trong đó, dự thảo có nhiều quy định thể hiện nội dung tiếp tục thực hiện công khai, minh bạch trong thu hồi đất thông qua quy định cụ thể về thẩm quyền, điều kiện, tiêu chí thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng…
Cùng đó, dự thảo Luật cũng tiếp tục vận hành các cơ chế chuyển dịch tự nguyện theo kinh tế thị trường, thông qua cơ chế tự thoả thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất, góp quyền sử dụng đất... Từ đó, giải quyết tình trạng chậm triển khai dự án do chậm bàn giao mặt bằng, dự thảo Luật quy định thẩm quyền tách dự án đầu tư cho cơ quan quyết định chủ trương đầu tư dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư. Đồng thời giao trách nhiệm cho Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh chỉ đạo tổ chức thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…
Sau nhiều lần trì hoãn, Quốc hội đã quyết định điều chỉnh thời gian trình đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), cụ thể Quốc hội sẽ cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 và Kỳ họp thứ 5, thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2023). Có thể thấy, hiếm có văn bản luật nào lại nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng như vấn đề về đất đai. Đặc biệt, Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương đã đánh giá toàn diện những mặt được, những điểm còn hạn chế của pháp luật đất đai. Từ đó, xác định quan điểm chỉ đạo trong lần sửa đổi này, cũng như đặt ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thiện pháp luật về đất đai.
Hoàn thiện các qui định về giá đất theo cơ chế thị trường
Thực tế cho thấy, đất đai là tài nguyên hữu hạn, là nguồn lực rất quan trọng cho phát triển. Do đó, để phát huy tối đa nguồn lực đất đai, để đất đai mang lại giá trị cao nhất, nguồn lực này cần được phân bổ cho những ngành, lĩnh vực và những người sử dụng hiệu quả nhất, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Lý thuyết và thực tiễn đều cho thấy, thị trường là cơ chế hữu hiệu nhất để thực hiện điều này. Bởi thế, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã thể chế hóa chủ trương bỏ khung giá đất; có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; quy định chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của cơ quan có nhiệm vụ xác định giá đất...
Cùng đó, dự thảo Luật cũng hoàn thiện quy định về nguyên tắc định giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường trong điều kiện bình thường; nguyên tắc này bảo đảm tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ, trung thực, khách quan của kết quả định giá đất giữa cơ quan định giá, cơ quan thẩm định và cơ quan quyết định… Ngoài ra, tại dự thảo Luật cũng cho phép UBND cấp tỉnh được ủy quyền cho UBND cấp huyện, quyết định giá đất cụ thể đối với trường hợp thu hồi đất thuộc thẩm quyền quản lí.
Đề cập đến nội dung này, tại hội nghị lấy ý kiến doanh nghiệp về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) tổ chức, TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho rằng, Luật Đất đai 2013 quy định khung giá đất nhằm hướng đến hai mục đích là đảm bảo an sinh xã hội, khả năng tiếp cận đất đai của người dân và sát giá thị trường. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện, khung giá đất đạt được một mục tiêu thứ nhất mà chưa đảm bảo mục tiêu sát giá thị trường. Vì vậy, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bỏ khung giá đất, chỉ áp dụng bảng giá đất trong một số trường hợp, còn lại xác định theo giá đất cụ thể.
Theo dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), bảng giá đất sẽ được áp dụng trong một số trường hợp như tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân đối với phần diện tích trong hạn mức; tính thuế sử dụng đất; thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất; tính tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và một số trường hợp khác... Trong đó, bảng giá đất được ban hành 1 lần/năm. UBND cấp tỉnh sẽ xây dựng và trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua bảng giá đất, hệ số điều chỉnh biến động giá đất.
Đặc biệt, dự thảo Luật lần này đã làm rõ các quy định liên quan đến đấu giá để giải quyết các vấn đề từng gây xôn xao dư luận vừa qua, qua đó, hạn chế tình trạng lợi dụng đấu giá nhằm thổi giá đất. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, với các quy định mới chặt chẽ hơn, dự thảo Luật sẽ làm giảm khả năng xảy ra tình trạng nhà đầu tư bỏ kết quả đấu giá vì sẽ gây tổn thất tài chính rất lớn. Ngoài ra, quy định mới cũng giúp tiết kiệm thời gian đấu giá, lựa chọn được các nhà đầu tư có năng lực và uy tín...
Có thể thấy, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với những thay đổi mang tính đột phá được kỳ vọng sẽ giúp nguồn lực đất đai được quản lí, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, đạt hiệu quả cao nhất. Từ đó, hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai, thống nhất đồng bộ với sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Trong tương lai, thị trường quyền sử dụng đất sẽ trở thành kênh phân bổ đất đai công bằng, minh bạch./.