Nâng cao chất lượng quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục mầm non
Điểm mới trong xây dựng chuyên đề chăm sóc nuôi dưỡng năm học 2022-2023 tại các cơ sở mầm non trên địa bàn huyện Thanh Trì (Hà Nội) là việc triển khai thực hiện nâng cao chất lượng công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn của nhà trường.
Chuyên đề nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ quản lý, các đoàn thể, tổ chức, người trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm, người cung cấp thực phẩm, giáo viên, nhân viên và phụ huynh, học sinh trong trường về an toàn thực phẩm, quyền lợi, nghĩa vụ trong sử dụng thực phẩm.
Từ đó, tạo thói quen không tiêu dùng thực phẩm không rõ nguồn gốc, thói quen sử dụng bao bì thực phẩm an toàn; không sử dụng hóa chất độc hại, chất cấm trong nuôi trồng thực phẩm. Tăng cường vai trò trách nhiệm của các cấp quản lý giáo dục, các tổ chức đoàn thể, Ban đại diện cha, mẹ học sinh trong việc phối hợp kiểm tra, giám sát thực hiện đúng các quy định về an toàn thực phẩm trong trường học.
Vườn rau VietGap của Trường mầm non xã Yên Mỹ (Ảnh: T.H) |
Tại buổi kiến tập cấp huyện về “Quản lý nuôi dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn huyện Thanh Trì”, cô Nguyễn Thu Hường - Hiệu trưởng Trường mầm non xã Yên Mỹ cho biết: Sau khi nhận thấy về giá trị và hiệu quả của rau an toàn bước đầu từ vườn rau mang lại, nhà trường đã triển khai lập dự toán, liên hệ các chuyên gia nông nghiệp nhờ tư vấn xây dựng triển khai mô hình Vườn rau VietGap với diện tích 50m2, trồng rau trên giá thể và trồng rau thủy canh trong nhà màng.
Bằng hình thức thủy canh hồi lưu, trồng rau trên giá thể trong nhà màng giúp rau không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, thiên tai, đạt năng suất, giá trị an toàn cao. Các loại rau được nhà trường trồng gồm: cải kale, cải bó xôi, xà lách, rau muống, rau mồng tơi, rau dền, bắp cải, cà chua,…
Đặc biệt, trong quá trình trồng rau, để vườn rau đạt chất lượng, năng suất, nhà trường còn nhờ cán bộ nông nghiệp đến tư vấn, hướng dẫn các biện pháp cải tạo, chăm sóc rau. Qua đó, giúp nhà trường chủ động hơn trong việc tạo ra được nguồn rau sạch, đảm bảo phục vụ bữa ăn cho trẻ.
Công tác giao nhận thực phẩm hàng ngày luôn có sự chứng kiến của đầy đủ các thành phần theo đúng quy định (Ảnh: T.H) |
Việc đầu tư xây dựng mô hình vườn rau sạch VietGap bổ sung thêm vào thực đơn theo mùa cho trẻ ở Trường mầm non Yên Mỹ là một việc làm có ý nghĩa thiết thực. Với nguồn thực phẩm rau sạch được chính nhà trường tạo ra đã giúp các bé có được nguồn dinh dưỡng, vitamin và vi chất cần thiết cho sức khỏe, đảm bảo an toàn vệ sinh. Đồng thời, tạo cho trẻ không gian trải nghiệm thực tế với mô hình “Trường học xanh - an toàn - hạnh phúc”. Qua đó giáo dục, rèn luyện cho trẻ thêm yêu lao động, quý trọng thành quả lao động do chính mình làm ra.
Bên cạnh đó, tại “Góc thiên nhiên” của lớp học, các cô và trẻ đã cùng nhau trải nghiệm gieo trồng, chăm sóc các loại rau góp phần xây dựng lớp học xanh, tạo không gian thân thiện gần gũi với thiên nhiên và môi trường. Từ đó trẻ biết được lợi ích, ý nghĩa và giá trị dinh dưỡng của các loại rau đối với sức khỏe của trẻ. Trẻ yêu thích các món ăn được chế biến từ các loại rau.
Trường mầm non xã Yên Mỹ cũng đã ký kết hợp đồng với các công ty cung ứng thực phẩm, rau sạch theo chuỗi, ký kết với công ty rau sạch Davicorp, lấy rau sạch từ chính sản xuất rau an toàn của xã.
Công tác giao nhận thực phẩm hàng ngày luôn có sự chứng kiến của đầy đủ các thành phần theo đúng quy định: đại diện Ban Giám hiệu, kế toán, tổ nuôi, thủ kho, giáo viên và có sự tham gia đột xuất để kiểm tra, giám sát của phụ huynh học sinh, thanh tra nhân dân. Qua đó, nhà trường đã tạo được niềm tin của phụ huynh học sinh và nhân dân địa phương về chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ trong trường.
Các em nhỏ có những bữa ăn ngon, đảm bảo an toàn từ vườn rau sạch của nhà trường (Ảnh: T.H) |
Tại buổi kiến tập, với sự chứng kiến của lãnh đạo, chuyên viên cấp học mầm non Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện; Ban Giám hiệu, nhân viên nuôi dưỡng, nhân viên y tế và giáo viên các trường mầm non công lập, tư thục trên địa bàn huyện Thanh Trì, nhà trường đã tổ chức kiến tập với nhiều hoạt động trải nghiệm trực quan.
Qua đó cho thấy, việc đổi mới hình thức tổ chức bữa ăn giúp cho trẻ có kỹ năng tự phục vụ; trẻ làm quen với các đồ dùng trong bữa ăn gia đình, trẻ biết quan tâm, chia sẻ, nhường nhịn nhau, biết tự lấy thức ăn vừa đủ, rèn cho trẻ có nề nếp, thói quen, hành vi văn minh trong giao tiếp, khi ăn cùng các bạn, giúp trẻ ăn ngon miệng, hướng tới xây dựng trường học thân thiện, an toàn, lớp học hạnh phúc.
Buổi kiến tập chuyên đề là một hoạt động chuyên môn bổ ích, có ý nghĩa quan trọng trong công tác quản lý chăm sóc nuôi dưỡng, góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc nuôi dưỡng, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn huyện Thanh Trì.