Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hiến “giọt máu đào”, trao nhau sự sống

Trải qua 16 lần tổ chức, Lễ hội Xuân hồng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, thu về hàng chục nghìn đơn vị máu, khắc phục được tình trạng khan hiếm máu sau Tết Nguyên đán, mang lại cơ hội tìm sự sống cho nhiều bệnh nhân… Tiến sĩ, bác sĩ (TS.BS) Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm máu Quốc gia, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã có cuộc trao đổi với báo chí xoay quanh vấn đề này.

Phóng viên: Xin ông cho biết, vì sao hàng năm Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương và Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội đều tổ chức sự kiện hiến máu Lễ hội Xuân hồng ngay sau Tết Nguyên đán?

Hiến “giọt máu đào”, trao nhau sự sống

TS.BS Trần Ngọc Quế nhiều lần tham gia hiến máu tình nguyện.

TS.BS Trần Ngọc Quế: Chúng ta có hoạt động vận động hiến máu từ cuối những năm 1993 và đến bây giờ là gần 30 năm vận động hiến máu. Ở giai đoạn đầu các cuộc vận động hiến màu thường tổ chức thành các kỳ cuộc và trông chờ chính vào đối tượng học sinh, sinh viên. Đến năm 2000, chúng ta đã thu được lượng máu khá lớn, tuy nhiên, vẫn xảy ra tình trạng khan hiếm máu vào mỗi dịp hè và Tết Nguyên đán. Đây là những thời điểm sinh viên nghỉ dài ngày, người dân lại có quan niệm đầu xuân không đi hiến máu vì mất cái đỏ, may mắn.

Bởi vậy, từ năm 2008, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã kết hợp với Hội thanh niên vận động hiến máu Hà Nội tổ chức Lễ hội Xuân hồng. Đây là sự kiện nhằm vận động người dân tham gia hiến máu đầu xuân. Đồng thời, để phá vỡ đi quan niệm hiến máu đầu xuân sẽ mất đi vận đỏ như một số người từng nghĩ. Ngay khi sự kiện Lễ hội Xuân hồng được tổ chức năm 2008, đã thu hút được đông đảo lực lượng tình nguyện viên, học sinh, sinh viên tham gia hiến máu. Năm nay đã là Lễ hội Xuân hồng lần thứ 16.

Phóng viên: Trải qua 16 lần tổ chức, Lễ hội Xuân hồng đã thu được những kết quả như nào thưa ông?

TS.BS Trần Ngọc Quế: Lễ hội Xuân hồng đã trở thành một sự kiện thường niên do Viện tổ chức và thu được nhiều kết quả. Đây là hoạt động vận động hiến máu đầu xuân để người dân thay đổi nhận thức và sẵn sàng tham gia hiến máu và hiểu được nhu cầu máu trước và sau Tết rất là thiếu. Chúng ta đã tiếp nhận được hàng chục nghìn đơn vị máu từ khi chương trình Lễ hội Xuân hồng được tổ chức. Có những năm Viện thu nhận được 9.700 đơn vị máu trong 1 ngày tổ chức Lễ hội.

Và đây cũng là hoạt động, tạo chất liệu tuyên truyền vận động trong cả năm cho hoạt động hiến máu tình nguyện.Trên cơ sở Lễ hội Xuân hồng do Viện khởi xướng, từ năm 2010 sự kiện được Ban chỉ đạo Quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện phát động trên toàn quốc. Đến nay, các tỉnh, thành phố cũng đứng ra tổ chức hoạt động vận động hiến máu tình nguyện đầu năm; nhờ đó các bệnh viện đã giải quyết được vấn đề khan hiếm máu ngay sau Tết Nguyên đán.

Phóng viên: Trước đây nguồn máu hiến tặng chủ yếu phụ thuộc vào đối tượng sinh viên, bởi vậy mỗi dịp hè, nghỉ Tết thì tình trạng khan hiếm máu thường xảy ra. Vậy qua sự kiện lớn như Lễ hội Xuân hồng thì việc mở rộng đối tượng hiến máu được thực hiện như nào thưa ông?

TS.BS Trần Ngọc Quế: Phải nói rằng hoạt động hiến máu tình nguyện lúc đầu là phong trào xuất phát từ học sinh, sinh viên. Những năm 2000 thì lực lượng hiến máu chiếm tới 70 - 80% là học sinh, sinh viên. Tuy nhiên chúng ta phải mở rộng đối tượng, mở rộng địa bàn, chuyển đổi dần để người hiến máu không phải dựa theo các kỳ cuộc nữa mà trở thành hiến máu nhắc lại, hiến máu thường xuyên.

Hiến “giọt máu đào”, trao nhau sự sống

Người hiến máu sẽ được làm các xét nghiệm, kiểm tra trước khi hiến máu. Ảnh: Minh Khuê

Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo một quốc gia có lượng máu an toàn phải dựa trên cơ sở những người hiến máu tình nguyện, hiến máu nhắc lại, hiến máu thường xuyên. Chính vì vậy, khi chúng ta đi sâu vào việc vận động người dân hiến máu nhắc lại, thì phải vận động các đối tượng khác nhau. Bây giờ đối tượng học sinh, sinh viên tham gia hiến máu chỉ chiếm 20 - 25%, còn 70 - 75% là đối tượng công nhân, viên chức, doanh nghiệp, người lao động… Và trước đây, 70- 80% giới trẻ dưới 25 tuổi tham gia hiến máu, giờ dịch chuyển nhóm đối tượng ở lứa tuổi 25 - 35 - 40 tuổi, thậm chí nhiều người 55- 60 tuổi vẫn tham gia hiến máu đều đặn.

Phóng viên: Hiện nay tỷ lệ người tham gia hiến máu tình nguyện được coi là thước đo quan trọng đánh giá kết quả vận động. Vậy tỷ lệ này ở nước ta trong thời gian qua như nào? Và trong thời gian tới hoạt động hiến máu tình nguyện sẽ tiếp tục được triển khai như thế nào để đảm bảo nguồn máu phục vụ người bệnh thưa ông?

TS.BS Trần Ngọc Quế: Kết quả những năm gần đây trên toàn quốc đạt 97% là người hiến máu tình nguyện. Như vậy, hoạt động vận động thay đổi nhận thức của người dân tham gia hiến máu đã đạt được kết quả.

Cùng với thể trạng được cải thiện, ý thức được nâng cao, thể tích hiến máu của người dân cũng tăng lên, trước thường là 250ml, giờ thường tăng 350ml, 450ml. Tỷ lệ đơn vị máu đạt thể tích hiến máu 350ml trở lên của riêng Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương hiện chiếm trên 80%.

Thời gian tới Viện sẽ tổ chức thêm các điểm hiến máu cố định ngoại viện để có mạng lưới người dân sẵn sàng tham gia hiến máu định kỳ. Lúc đó chúng ta không gọi là phong trào hiến máu nữa mà hoạt động hiến máu sẽ trở thành hoạt động chuyên môn, thường kỳ thực chất, hiệu quả, bền vững để cứu chữa người bệnh.

Cũng theo như khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, nhu cầu máu trung bình của một quốc gia bằng 2% lượng dân số hiến máu. Hiện Việt Nam có khoảng gần 100 triệu dân, nên chúng ta cần khoảng 2 triệu đơn vị máu. Từ 0,4% dân số hiến máu, giờ chúng ta đã đạt 1,5 - 1,6% dân số hiến máu trong 1 năm. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta vẫn xảy ra tình trạng khan hiếm máu ở một số thời điểm, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. Vì vậy, cũng cần duy trì đội ngũ hiến máu dự bị ở vùng sâu, vùng xa để họ sẵn sàng hiến máu khi cần.

Công tác chăm sóc người hiến máu cũng cần được chú trọng, để đáp ứng tốt nhu cầu của người hiến máu. Chúng tôi đang đẩy mạnh việc xây dựng kế hoạch, lịch tiếp nhận máu đều đặn hàng ngày, hàng giờ, tiếp nhận máu dựa trên nhu cầu sử dụng; từ đó mới kịp thời điều chế được các chế phẩm máu có chất lượng tốt nhất.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Lễ hội Xuân hồng lần thứ 16 năm 2023 diễn ra liên tục trong 7 ngày (6 - 12/2) tại 7 địa điểm (Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, 5 điểm hiến máu cố định và huyện Gia Lâm). Trước đó, từ ngày 1/2 đến 5/2, các ngày hưởng ứng Lễ hội Xuân hồng đã tiếp nhận trên 4.000 đơn vị máu. Như vậy, sau gần 2 tuần, sự kiện đã được đón tiếp trên 12.000 người tham dự và 11.708 người đã hiến máu thành công, chưa kể hàng trăm người đã hiến tiểu cầu.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...