A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Nội chỉ đạo chủ động sơ tán người dân đến nơi an toàn trước diễn biến mưa lũ phức tạp

Hà Nội đang chỉ đạo các địa phương kiểm tra các khu dân cư ven sông, khu vực trũng, có nguy cơ ngập lụt để chủ động sơ tán người dân đến nơi an toàn.

Số liệu quan trắc cho thấy, mực nước trên sông Cầu tại trạm thủy văn Lương Phúc (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) hiện nay đã lên tới 7,27m, tức đã trên báo động II là 0,27m. Trên sông Cà Lồ, tại trạm thủy văn Mạnh Tân (huyện Đông Anh), mực nước sông đo được cũng đã vượt báo động I.

Trong khi đó, mực nước trên sông Bùi tại trạm thủy văn Yên Duyệt (huyện Chương Mỹ) hay sông Tích tại trạm thủy văn Vĩnh Phúc, Kim Quan đoạn chảy qua các huyện Thạch Thất, Quốc Oai... cũng đang lên nhanh và sẽ sớm tiệm cận mức báo động.

Dự báo thời tiết của Đài khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ cảnh báo, từ nay đến đêm 25/8, thành phố Hà Nội tiếp tục có mưa vừa, mưa to. Lượng mưa phổ biến từ 40 - 70 mm, có nơi trên 100 mm. Điều này sẽ khiến mực nước các sông tiếp tục lên cao hơn nữa. Điều này có nguy cơ gây ngập lụt tại các vùng trũng, thấp và khu dân cư ven các tuyến sông, nhất là sông Bùi, sông Tích.

Hà Nội chỉ đạo các địa phương vùng ven sông rà soát, sơ tán người dân đến nơi an toàn trước tình hình mưa lũ phức tạp.
Hà Nội chỉ đạo các địa phương vùng ven sông rà soát, sơ tán người dân đến nơi an toàn trước tình hình mưa lũ phức tạp. (Ảnh: Tiền phong).

Trước tình hình trên, ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội yêu cầu các địa phương ven sông cần chủ động ứng phó với tinh thần cao nhất; tuyệt đối không chủ quan trước diễn biến mưa lũ. Hiện, Sở đang chỉ đạo các địa phương ven sông tập trung triển khai lực lượng xung kích để kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực trũng, thấp và có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng đề nghị các địa phương tổ chức canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở, hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở.

Đồng thời bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn, các đơn vị bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng phương án phòng chống lũ, đảm bảo an toàn đê điều theo cấp báo động.

Chiều qua 24/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng có văn bản gửi sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh/thành phố: Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang về ứng phó với mưa lớn.

Để đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai trên thực tế phương án bảo vệ các trọng điểm đê điều xung yếu theo phương châm 4 tại chỗ; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện hộ đê để kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra.

Tổ chức lực lượng và nghiêm túc thực hiện việc tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều theo đúng quy định tại Thông tư số 01/2009/TT-BNN ngày 06/01/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa lũ. Kiểm tra, rà soát các công trình đê điều đã bị xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý, khắc phục hoặc đang thi công dở dang và triển khai ngay biện pháp đảm bảo an toàn.

Theo dõi chẽ diễn biến mực nước lũ trên các triền sông và tình hình đê điều, báo cáo kịp thời các sự cố đê điều về Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai để phối hợp chỉ đạo thực hiện.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết