Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xây dựng phường đạt chuẩn văn minh đô thị: Cần tăng nguồn lực và sự linh hoạt

Với quyết tâm xây dựng “chuẩn đô thị văn minh”, các địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu 40% phường, thị trấn đạt chuẩn vào năm 2025, vẫn phải cần thêm các “nguồn lực”.

Gặp khó ở các tiêu chí “cơ bản”

Thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg, ngày 18/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 271/KH-UBND, ngày 14/11/2023 về triển khai thực hiện cũng như các tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt "chuẩn đô thị văn minh" trên địa bàn. Theo đó, để đáp ứng “chuẩn đô thị văn minh” thì cần đáp ứng được 9 tiêu chí cơ bản. Đó là quy hoạch đô thị, giao thông đô thị; môi trường và an toàn thực phẩm; an ninh và trật tự; thông tin và truyền thông đô thị; việc làm, thu nhập và hộ nghèo; văn hóa, thể thao; y tế, giáo dục; hệ thống chính trị và trách nhiệm chính quyền của đô thị.

Xây dựng phường đạt chuẩn văn minh đô thị: Cần tăng nguồn lực và sự linh hoạt
Trong các tiêu chí về “chuẩn văn minh đô thị” thì các tiêu chí về giao thông, trật tự đô thị, văn hóa, thể thao… khiến nhiều địa phương gặp khó.

Là một trong 3 phường của quận Tây Hồ được lựa chọn thí điểm, hiện phường Xuân La tự đánh giá đạt 46/52 tiêu chí. Theo ông Nguyễn Đình Hà, Chủ tịch UBND phường Xuân La, căn cứ 52 tiêu chí để xét “đạt chuẩn đô thị văn minh”, đến nay phường Xuân La tự đánh giá cơ bản đạt 46 tiêu chí. Hiện còn 6 tiêu chí chưa đạt bao gồm: Quản lý, khai thác sử dụng công trình công cộng; Các tuyến đường trên địa bàn được rải nhựa hoặc bê tông; Hành lang an toàn giao thông đảm bảo mỹ quan đô thị; Hệ thống đường điện an toàn; Doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đạt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường theo quy định; Tỷ lệ người dân sử dụng các thiết bị nghe nhìn thông minh.

Lãnh đạo phường Xuân La cũng thừa nhận, các tiêu chí này là địa phương tự đánh giá, do đó bên cạnh việc tiếp tục đặt mục tiêu hoàn thành 6 tiêu chí chưa đạt, phường cũng sẽ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo và triển khai thực hiện Quyết định số 04 với quyết tâm đảm bảo giữ vững các tiêu chí đã đạt được.

Còn tại quận Ba Đình, đến nay, mặc dù công tác triển khai thực hiện 9 tiêu chí đã được quán triệt từ sớm, nhưng vì nhiều nguyên nhân mang tính “cốt lõi” mà các tiêu chí về: Bảo vệ môi trường, xử lý rác thải, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội… khó có thể đạt được như kế hoạch. Đặc biệt, với các tiêu chí về văn hóa, thể thao với 90% tổ dân phố thuộc phường có điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao hoạt động thường xuyên, hiệu quả cũng khó khả thi, vì đa số các phường trên địa bàn quận Ba Đình hiện không còn quỹ đất để xây dựng. Đa số nhà sinh hoạt cộng đồng hiện hữu có diện tích nhỏ, xuống cấp, chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của cư dân đô thị.

Tương tự, tại các quận như Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, cùng một số địa bàn quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai… cũng gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện tiêu chí về giao thông, trật tự đô thị, văn hóa, thể thao, giáo dục…

Triển khai từng bước

Phường Cát Linh là một trong những địa bàn giáp ranh của quận Đống Đa, nơi có nhiều tuyến đường huyết mạch của thành phố, nhiều địa điểm văn hóa du lịch… thu hút đông dân đến và lưu thông qua. Cùng với đó, mật độ dân cư lớn đã tạo ra áp lực cho vấn đề duy trì, đảm bảo trật tự giao thông, đô thị, vệ sinh môi trường trên địa bàn. Để góp phần thực hiện tốt công tác duy trì trật tự văn minh đô thị gắn với triển khai thực hiện các “phong trào”, Đảng ủy phường Cát Linh đã xây dựng riêng một dự thảo Nghị quyết về vấn đề này để thảo luận trong Ban Chấp hành và Chi bộ trực thuộc, đồng thời xin ý kiến rộng rãi của nhân dân.

Sau khi tổ chức lấy ý kiến, đã có 14 hội nghị chuyên đề của các Chi bộ và 12 hội nghị phản biện, đóng góp ý kiến của nhân dân do Mặt trận Tổ quốc phường triển khai; ngày 27/9, Đảng ủy phường Cát Linh đã ban hành Nghị quyết chính thức, với mục đích tạo ra một phong trào thi đua sôi nổi để xây dựng phường Cát Linh sớm hoàn thành các tiêu chí về văn minh đô thị.

“Mục tiêu của chúng tôi là phát huy trí tuệ tập thể, từ nghiên cứu, thảo luận… sẽ giúp đông đảo đảng viên và các tầng lớp nhân dân cùng nhau tham gia ở ngay giai đoạn đầu, để cùng quyết định một cách hiệu quả, tiếp cận nhanh chóng, bền vững. Mục tiêu của chúng tôi là dân biết, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng, để cùng hoàn thành - Giấc mơ Cát Linh”, ông Đoàn Thu Hà, Bí thư Đảng ủy phường Cát Linh nhấn mạnh.

Linh hoạt trong triển khai và lồng ghép các phong trào, kế hoạch cũng là cách mà quận Ba Đình hướng đến nhằm nâng cao chất lượng xây dựng phường đạt chuẩn văn minh đô thị. Theo đó, với các tiêu chí chung về công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; không sử dụng lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh, gây cản trở giao thông; tỷ lệ cây xanh, chiếu sáng đô thị; vệ sinh môi trường… Cấp ủy, chính quyền từ quận đến cơ sở đã ban hành hệ thống văn bản chỉ đạo triển khai quyết liệt; huy động sự vào cuộc của các tổ chức chính trị - xã hội.

Còn với các tiêu chí về xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa đô thị được cho là khó nhất khi thực hiện, quận Ba Đình cũng linh hoạt lựa chọn 3 phường là Điện Biên, Kim Mã, Quán Thánh vốn là các địa bàn đã được thí điểm về xây dựng đạt chuẩn văn minh đô thị giai đoạn 2022 - 2025 để làm điểm.

Còn tại quận Long Biên, đến thời điểm này, quận Long Biên có 62/90 tuyến đường, phố; 6/14 phường đạt chuẩn văn minh đô thị. Hiện các cơ quan chức năng tiếp tục xem xét thẩm định 29 tuyến đường, phố và 2 phường Việt Hưng và Giang Biên đạt chuẩn đô thị văn minh, gồm nhiều tiêu chí tương đồng với tiêu chí văn minh đô thị.

Là cơ quan chủ trì xây dựng mô hình đô thị văn minh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, việc thực hiện các tiêu chí đô thị văn minh cần phải lồng ghép với xây dựng văn minh đô thị như phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Cạnh đó, các đơn vị, địa phương cần chỉ đạo, tổ chức triển khai và bố trí nguồn lực để thực hiện. Thường xuyên phối hợp rà soát, cập nhật các hướng dẫn đánh giá tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh trên địa bàn thành phố; tổ chức các hội nghị tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác nghiệp vụ; định kỳ hằng quý trong đánh giá công tác cần sơ kết, tổng kết và nhân rộng các mô hình hiệu quả trong triển khai thực hiện xây đô thị văn minh.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...