Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sơn La: Người dân vùng biên Mường Lèo vươn lên thoát nghèo

Nhiều người dân vùng biên huyện Sốp Cộp (Sơn La) đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu nhờ nuôi trâu bò vỗ béo, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Thoát nghèo nhờ nuôi trâu, bò vỗ béo

Những ngày giữa tháng 12, phóng viên vượt quãng đường rừng quanh co gần 200km từ trung tâm TP. Sơn La đến xã Mường Lèo (huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La). Đường sá đến nơi đây hiện không còn khó khăn như trước bởi đã đổ bê tông rộng rãi, khang trang, thoáng đãng.

Mường Lèo là xã vùng đặc biệt khó khăn, giáp với biên giới nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, nhưng hiện nay, cuộc sống của người dân nơi đây đã thay đổi với những ngôi nhà được xây dựng khang trang, vững chắc. Sự đổi mới này nhờ áp dụng các mô hình chăn nuôi, làm kinh tế hiệu quả của người dân địa phương.

Sơn La:  Người dân vùng biên Mường Lèo vươn lên thoát nghèo
Gia đình ông Lường Văn Nguôn đã thoát nghèo nhờ mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo

Ông Lường Văn Nguôn, trú tại bản Mạt (xã Mường Lèo) kể: “Gia đình tôi trước đây là hộ nghèo, chỉ biết trồng lúa, chăn nuôi gà, lợn nên chưa có thủ nhập… 6 năm trở lại đây, được sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, Hội Nông dân xã Mường Lèo, nhà tôi áp dụng nuôi trâu, bò vỗ béo, tăng đàn kết hợp chăn thả tự nhiên. Đến nay, gia đình đã có hơn 10 con trâu, 6 con bò béo tốt”.

“Tháng trước, tôi mới xuất bán 3 con trâu đực được hơn 100 triệu đồng, từ giờ đến Tết, thương lái đặt mua thêm 5 con bò nữa, dự kiến năm nay nhà tôi thu về khoảng 160 triệu đồng. Hiện gia đình tôi đã sắm được nhiều đồ vật giá trị như ti vi, xe máy, tủ lạnh… Năm ngoái còn sửa lại được ngôi nhà sàn, các con được đi học đầy đủ, đến nay nhà tôi đã thoát nghèo”, ông Nguôn phấn khởi nói.

Sơn La:  Người dân vùng biên Mường Lèo vươn lên thoát nghèo
Mô hình chăn nuôi gia trại được khuyến khích đã giúp người dân xã Mường Lèo thoát nghèo, ổn định cuộc sống

Tương tự, anh Lèo Văn Thinh, trú tại bản Huổi Luông (xã Mường Lèo) tâm sự: “Sau khi cưới, tôi được bố mẹ chia cho 1 cặp bò làm của “hồi môn”. Tận dụng đồi cỏ tại địa phương, tôi tự nhân đàn theo hướng bán chăn thả. Đến nay, nhà tôi đã có hơn 7 con trâu, 15 con bò. Với giá bán từ 20 đến 30 triệu đồng/con trâu và 10 đến 12 triệu đồng/con bò như hiện tại thì năm nay có thể thu về khoảng 200 triệu đồng”.

Theo anh Thinh, đàn trâu, bò nhà anh chủ yếu chăn thả trên bãi cỏ chung của bản. Bên cạnh đó, gia đình còn đầu tư xây dựng chuồng nuôi nhốt từ 5 - 7 con trâu, bò và trồng hơn 1.500m² cỏ voi để chủ động nguồn thức ăn. Đặc biệt, thường xuyên phối hợp với cán bộ thú y, khuyến nông của xã để tiêm vaccine phòng bệnh định kỳ nên đàn gia súc phát triển rất tốt, ít bị bệnh và xuất chuồng nhanh hơn.

Sơn La:  Người dân vùng biên Mường Lèo vươn lên thoát nghèo
Những ngôi nhà khang trang ở xã vùng biên Mường Lèo

Khuyến khích chăn nuôi theo mô hình “gia trại”

Trao đổi với phóng viên, ông Lường Văn Tiến, Chủ tịch hội nông dân xã Mường Lèo cho biết, thời gian qua Hội Nông dân xã phối hợp với đơn vị khuyến nông, thú y hướng dẫn bà con về công tác trồng cỏ làm nguồn thức ăn cho gia súc, nuôi trâu bò theo hướng nhốt chuồng, vỗ béo kết hợp bán chăn thả.

Đặc biệt, khuyến khích người chăn nuôi sử dụng các nguồn thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp sẵn có tại địa phương, chuyển đổi hàng chục ha đất trồng kém hiệu quả sang trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi gia súc. Hiện ở các bản nhà nào cũng trồng từ 1.000 - 5.000m2 cỏ để phục vụ chăn nuôi gia súc.

Sơn La:  Người dân vùng biên Mường Lèo vươn lên thoát nghèo
Người dân ở xã Mường Lèo trồng cỏ voi làm nguồn thức ăn dồi dào cho đàn gia súc

Ông Lò Văn Chủ - Chủ tịch UBND xã Mường Lèo thông tin, Mường Lèo là xã vùng 3, có nhiều khu vực chăn thả tập trung, nhiều sườn đồi cỏ mọc tự nhiên, tạo thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hiện toàn xã có hơn 2.500 con trâu, gần 2.900 con bò, gần 400 con ngựa, hơn 650 con dê và gần 2.000 con lợn.

Theo ông Chủ, để chăn nuôi phát triển bền vững, đem lại hiệu quả và trở thành thế mạnh của địa phương, chính quyền đã tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện cho người dân giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ chuyển sang chăn nuôi theo hướng “gia trại” kết hợp nuôi trâu, bò vỗ béo. Ngoài ra, tập trung xây dựng, sửa chữa cơ sở hạ tầng giao thông, giúp người dân đi lại thuận tiện, thúc đẩy giao thương hàng hóa.

Sơn La:  Người dân vùng biên Mường Lèo vươn lên thoát nghèo
Trẻ em ở Mường Lèo được đến trường đầy đủ

Chủ tịch UBND xã Mường Lèo nhận định, từ những mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao của các hộ dân, phát huy lợi thế diện tích đồng cỏ chăn nuôi lớn, nhu cầu thị trường ngày càng cao. Phong trào phát triển chăn nuôi ở xã Mường Lèo đang ngày càng được nhân rộng. Từ mô hình chăn nuôi, vỗ béo trâu bò đã, đang giúp đời sống bà con ngày một khấm khá, năm nào cũng có hộ vươn lên thoát nghèo, góp phần tích cực trong tiến trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết