Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhân rộng mô hình Nhà tạm lánh, đảm bảo phụ nữ bị mua bán, bạo lực được hỗ trợ kịp thời

Bà Hà Thị Nga mong muốn trong thời gian tới, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển nghiên cứu đề xuất nhân rộng mô hình Nhà tạm lánh ở các địa phương, đảm bảo phụ nữ bị mua bán, bị bạo lực được hỗ trợ kịp thời, nâng cao vai trò, uy tín của Hội trong lĩnh vực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ nữ.

Ngày 19/7, tại 20 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển tổ chức Lễ Kỷ niệm 20 năm thành lập (2002 - 2022) với chủ đề “CWD - 20 năm kiến tạo nền tảng, khát vọng vươn xa”.

Đến dự buổi lễ có bà Hà Thị Khiết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; bà Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; bà Dương Thị Ngọc Linh, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển; đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành trong nước và quốc tế.

Trung tâm Phụ nữ và Phát triển được thành lập ngày 1/7/2002, với mục đích phục vụ các hoạt động chính trị - xã hội trong nước và quốc tế, hỗ trợ sự phát triển toàn diện về năng lực, trình độ mọi mặt, kỹ năng nghề nghiệp, thể lực và thẩm mỹ của phụ nữ Việt Nam; cung cấp dịch vụ lưu trú, hội nghị, hội thảo, nhà hàng, chăm sóc sức khỏe...

Nhân rộng mô hình Nhà tạm lánh, đảm bảo phụ nữ bị mua bán, bị bạo lực được hỗ trợ kịp thời
Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Trung tâm Phụ nữ và Phát triển.

Trung tâm Phụ nữ và Phát triển là một mô hình đặc thù hoàn toàn mới của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đã nỗ lực huy động mọi khả năng, trí tuệ, nhiệt huyết của tập thể cán bộ, người lao động, mạnh dạn học tập kinh nghiệm, nghiệp vụ điều hành kinh doanh khách sạn chuyên nghiệp, áp dụng vào vận hành dịch vụ kinh doanh. Đồng thời tiên phong thực hiện mô hình nhà tạm lánh mang tên Ngôi nhà Bình yên - mô hình Nhà tạm lánh đầu tiên tại Việt Nam để hỗ trợ cho những chị em bị buôn bán và bạo lực gia đình.

Báo cáo về Hành trình 20 năm đồng hành cùng sự phát triển của phụ nữ của CWD, bà Dương Thị Ngọc Linh cho biết: CWD đã phục vụ tốt trên 500 sự kiện lớn trong và ngoài nước của Hội, trong đó có các cuộc đón tiếp nữ đại biểu Quốc hội, hơn 30 hội nghị Ban chấp hành của Hội với trên 4.000 lượt lãnh đạo Hội cấp TW, tỉnh/thành; đón tiếp trên 600 mẹ Việt Nam anh hùng, các mẹ, các chị phụ nữ phong trào Ba đảm đang, đội quân tóc dài… CWD đã thành lập, vận hành hiệu quả 3 Ngôi nhà Bình Yên tại Hà Nội và Cần Thơ, là căn cứ thực tiễn đề xuất chính sách, là minh chứng cho công tác bảo vệ nhân quyền của Việt Nam, đồng thời là địa điểm thực hành nghề công tác xã hội và giao lưu của các chuyên gia.

CWD đã tham vấn 16.114 ca, 19.513 người, 25.595 lượt tham vấn; hàng trăm ca tham vấn cộng đồng và kết nối hỗ trợ giải quyết tại các địa phương. Ngôi nhà Bình Yên đã tiếp nhận và hỗ trợ 1.535 người đến từ 55 tỉnh/thành phố và 17 vùng dân tộc thiểu số. Các trường hợp đến với Ngôi nhà Bình Yên thường bị bạo lực nặng nề, lâu dài, bị ảnh hưởng tâm lý nghiêm trọng nên 100% nạn nhân đến đều được hỗ trợ tham vấn tâm lý xã hội (trung bình 16 lượt/người); tiếp đến là dịch vụ hỗ trợ pháp lý (trung bình 7 lượt/người). CWD cũng đã tổ chức được 18 lớp dạy nghề cho 612 người thuộc đối tượng lao động nông thôn, phụ nữ nghèo, người khuyết tật...

Trong giai đoạn tới, bà Linh cho biết, CWD sẽ kết hợp và phát huy sự cộng hưởng, liên kết lẫn nhau giữa nhiệm vụ “phục vụ việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị - xã hội” của Hội và nhiệm vụ “cung cấp các dịch vụ nhằm tạo nguồn thu” của CWD. Trong đó, phát huy lợi thế mạng lưới cộng đồng phụ nữ đông đảo trong xã hội thông qua khai thác công nghệ số và không gian mạng; đẩy mạnh và mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước; tăng cường quản trị tốt chất lượng dịch vụ; tiếp tục phát triển năng lực đội ngũ và xây dựng môi trường làm việc hấp dẫn...

Nhân rộng mô hình Nhà tạm lánh, đảm bảo phụ nữ bị mua bán, bị bạo lực được hỗ trợ kịp thời
Các khách mời giao lưu tại Tọa đàm.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga ghi nhận, trân trọng và biểu dương những thành tích rất quan trọng mà các thế hệ lãnh đạo và cán bộ, viên chức, người lao động CWD đã đạt được trong 20 năm xây dựng và trưởng thành.

“Lãnh đạo Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam luôn ghi nhận Trung tâm là mô hình hoạt động đặc thù thành công, là niềm tự hào của Hội. Có thể nói, Trung tâm không những đã trở thành một địa chỉ tin cậy, giúp đỡ và đùm bọc cho phụ nữ, trẻ em yếu thế, bị bạo lực trên cơ sở giới mà còn là đơn vị đồng hành cùng Trung ương Hội trong những hoạt động, phong trào phụ nữ, vì bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ”, bà Nga nói.

Để Trung tâm tiếp tục hoạt động hiệu quả, hỗ trợ cho phụ nữ Việt Nam, bà Nga mong muốn trong thời gian tới, Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh công tác hỗ trợ phụ nữ và trẻ em trong đó, đặc biệt chú trọng công tác vận hành các mô hình Trung tâm phụ nữ và phát triển vệ tinh tại các vùng miền. Nghiên cứu đề xuất nhân rộng mô hình Nhà tạm lánh ở các địa phương, đảm bảo phụ nữ bị mua bán, bị bạo lực được hỗ trợ kịp thời, nâng cao vai trò, uy tín của Hội trong lĩnh vực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ nữ.

Đồng thời, đổi mới, sáng tạo trong các hoạt động, thực hiện các cách làm mới trong việc đào tạo nâng cao năng lực, dạy nghề, khởi nghiệp và kết nối tiêu phụ sản phẩm của các công ty, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

Phương Thảo
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết