Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xúc tiến thương mại đưa các làng nghề hội nhập quốc tế

Bảo tồn và phát triển làng nghề phải gắn với thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với phát triển kinh tế, xã hội bền vững. Báo Lao động Thủ đô có cuộc trò chuyện với bà Ngô Thanh Tịnh - Phó Ban Thông tin truyền thông VASEAN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Viện phó Viện Nghiên cứu hướng nghiệp hội nhập quốc tế (Hiệp hội Làng nghề Việt Nam) về vấn đề xúc tiến thương mại phát triển làng nghề, hội nhập quốc tế hiện nay.

PV: Bảo tồn và phát triển làng nghề giai đoạn 2021-2030 phải gắn với thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với phát triển kinh tế, xã hội bền vững. Hiệp hội Làng nghề Việt Nam có kế hoạch gì để thực hiện chủ trương này?

Bà Ngô Thanh Tịnh: Viện Nghiên cứu hướng nghiệp hội nhập quốc tế (Hiệp hội Làng nghề Việt Nam) sẽ thực hiện chuyển giao khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Tăng cường nghiên cứu, kết hợp, chuyển giao, ứng dụng công nghệ và công nghệ số, chuyển đổi số để nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, xúc tiến thương mại và phát triển du lịch làng nghề. Hỗ trợ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tại làng nghề xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu, quảng bá sản phẩm, bán hàng trực truyến. Cùng với đó, chúng tôi sẽ xây dựng chuỗi liên kết giá trị làng nghề; nâng cao chất lượng của các hiệp hội ngành hàng.

Xúc tiến thương mại đưa các làng nghề hội nhập quốc tế
Bà Ngô Thanh Tịnh - Phó Ban Thông tin truyền thông VASEAN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Viện phó Viện Nghiên cứu hướng nghiệp hội nhập quốc tế (Hiệp hội Làng nghề Việt Nam)

PV: Đại dịch Covid-19 diễn ra khiến các mặt hàng xuất khẩu không thiết yếu chững lại, việc đưa các mặt hàng làng nghề truyền thống trở lại hoạt động giao thương vô cùng khó. Điều này gây nên áp lực gì đối với lãnh đạo Hiệp hội làng nghề Việt Nam?

Bà Ngô Thanh Tịnh: Ở cả hai cương vị, Phó Ban Thông tin truyền thông VASEAN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Viện phó Viện Nghiên cứu hướng nghiệp hội nhập quốc tế (Hiệp hội Làng nghề Việt Nam) tôi đều là người nắm giữ cương vị quản lý điều hành các dự án. Đặt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đây là một áp lực lên Hiệp hội. Tôi phải đảm bảo cân đối được hai việc, một là đảm bảo thu nhập, đời sống nhân viên của mình, hai là đảm bảo việc xúc tiến thương mại các sản phẩm làng nghề Việt Nam diễn ra bình ổn.

Phải thừa nhận rằng, đại dịch Covid-19 diễn ra khiến các mặt hàng xuất khẩu không thiết yếu chững lại, phá sản và nợ xấu của ngân hàng lên đến đỉnh điểm, việc đưa các mặt hàng làng nghề truyền thống trở lại hoạt động giao thương vô cùng khó. Thị trường xuất khẩu vẫn đang loay hoay tìm kiếm đối tác. Việc mở lại các sự kiện thu hút đầu tư năm 2022 và toàn nhiệm kỳ trở thành bài toán rất khó khăn khi giá xăng dầu và nhiều mặt hàng leo thang. Áp lực này đặt lên một người trẻ tuổi với những yếu tố khách quan hậu Covid-19 đã khiến tôi phải chậm lại, nhìn lại thương trường, con người nhân sự.

Tôi đã đưa ra những quyết sách đảm bảo cho người lao động. Ngoài ra tôi cũng xây dựng các phương án, chiến lược mới cho con đường xuất khẩu sản phẩm làng nghề hội nhập quốc tế.

Xúc tiến thương mại đưa các làng nghề hội nhập quốc tế
Xúc tiến thương mại để đưa các mặt hàng làng nghề truyền thống trở lại hoạt động giao thương (Ảnh minh họa: BT)

PV: Du lịch được cho là một trong những ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch Covid-19, Hiệp hội đã làm gì để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam xúc tiến du lịch trong thời điểm hiện tại và tương lai?

Bà Ngô Thanh Tịnh: Chúng tôi có thể hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam quảng bá hình ảnh sản phẩm, du lịch đến bạn bè quốc tế, đó luôn là mục tiêu và trách nhiệm của bản thân tôi và tổ chức. Tháng 3 và tháng 5 năm 2022, các đoàn Ủy ban hỗ trợ kinh tế Hàn Quốc - Việt nam và các đoàn công tác của Hội Hữu nghị Đài Loan - Việt Nam vào Việt nam đều do chúng tôi tổ chức đón đoàn. Quá trình đàm phán rất thành công, đã có rất nhiều mặt hàng Việt Nam được xuất khẩu. Đó là việc khiến tôi cảm thấy “tạm hài lòng” khi góp công đưa được những sản phẩm truyền thống Việt Nam tiếp cận tới thị trường nước ngoài.

Việc xúc tiến thương mại suôn sẻ này có ảnh hưởng rất lớn tới doanh nghiệp Việt Nam, củng cố vị thế và hình ảnh chúng ta với đối tác. Đây cũng là mục tiêu chiến lược của chúng tôi khi mong muốn xây dựng hình ảnh sản phẩm Việt Nam vươn xa tầm quốc tế, ghi điểm với giá trị và chất lượng cao.

PV: Là một lãnh đạo trẻ (36 tuổi), vừa đảm đương thêm một cương vị mới là Viện phó Viện Nghiên cứu hướng nghiệp hội nhập quốc tế (Hiệp hội Làng nghề Việt Nam), bà có những chuẩn bị hay phương án cụ thể gì để điều hành công việc trong thời kỳ kinh tế được coi là nhạy cảm này?

Bà Ngô Thanh Tịnh: Kiến thức là vô tận. Bằng những kinh nghiệm tổ chức sự kiện tại thị trường các nước ASEAN khi thuế xuất giảm ưu đãi, tôi liên tục phải nghiên cứu và tìm thêm nhiều giải pháp để đưa các mặt hàng sản phẩm làng nghề truyền thống tiếp cận rộng hơn thị trường quốc tế. Tận dụng thời kỳ nghỉ dịch, tôi đăng kí tham gia các khóa học nâng cao online về nghiệp vụ, đào tạo bởi các chuyên gia nước ngoài.

Tôi muốn có sự chuẩn bị tốt nhất khi tổ chức các diễn đàn doanh nghiệp, triển lãm, hội chợ quảng cáo hàng Việt Nam tại thị trường quốc tế. Trước mắt, thành công của triển lãm tại thành Hồ Chí Minh chính là minh chứng cho nỗ lực của lãnh đạo Viện. Tôi lựa chọn địa điểm thành phố Hồ Chí Minh vì trong thời kỳ dịch bùng phát, các doanh nghiệp phía Nam có tỷ lệ phá sản cao nhất cả nước. Bài toán truyền thông quảng cáo, hỗ trợ doanh nghiệp sau dịch hậu Covid-19 lúc này trở nên hết sức cấp bách.

PV: Xin cảm ơn bà.

Bảo Thoa (thực hiện)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết