Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Huyện Krông Pắc: Tạo sức hút đầu tư nhiều lĩnh vực trọng điểm

Bên cạnh các chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh, huyện Krông Pắc đang chủ động tạo nên sức hấp dẫn nhằm thu hút thêm nhiều doanh nghiệp có năng lực, tiềm lực cùng địa phương phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ động, đồng hành với doanh nghiệp

Thời gian qua, Tập đoàn Inteqc (Thái Lan) đã thực hiện các bước khảo sát, xúc tiến đầu tư trang trại chăn nuôi heo với tổng vốn đầu tư dự kiến gần 500 tỷ đồng tại huyện Krông Pắc. Thế mạnh của Tập đoàn là tổ chức chăn nuôi tập trung quy mô lớn, khép kín, đảm bảo nghiêm ngặt các điều kiện về vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh. Điều này phù hợp với định hướng phát triển ngành chăn nuôi của huyện Krông Pắc nhằm khai thác hiệu quả tài nguyên đất đai tại các xã vùng đặc biệt khó khăn, điều kiện đất đai không phù hợp với trồng trọt. Chính vì vậy, lãnh đạo huyện đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện các thủ tục theo quy định.

Đại diện Tập đoàn Inteqc (Thái Lan) khảo sát đầu tư trang trại chăn nuôi tại huyện Krông Pắc.

Anh Phạm Hồng Sơn, Giám đốc Công ty Cổ phần Inteqc Vina, đại diện tại Việt Nam của Tập đoàn Inteqc chia sẻ, doanh nghiệp đã nhận được sự tiếp đón chu đáo, hỗ trợ nhiệt tình của huyện. Lãnh đạo địa phương đã đồng hành với doanh nghiệp trong việc lựa chọn vị trí đất triển khai dự án và cam kết sẽ tiếp tục đồng hành trong việc ưu tiên đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông kết nối với khu vực trang trại cũng như từng bước quan tâm đào tạo nâng cao tay nghề và ý thức kỷ luật lao động cho người dân địa phương. Phía doanh nghiệp cũng cam kết chấp hành tốt các điều kiện về môi trường, ưu tiên sử dụng lao động địa phương với dự kiến khoảng 150 – 200 lao động phổ thông làm việc tại trang trại sau khi đi vào hoạt động.

 

Huyện Krông Pắc đặt mục tiêu đến năm 2026, tổng giá trị sản xuất toàn ngành kinh tế (GRDP) đạt 19.686 tỷ đồng với cơ cấu kinh tế: nông - lâm - thủy sản chiếm 50,18%; thương mại - dịch vụ chiếm 32,29%; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng chiếm 17,53%. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt 5.573 tỷ đồng.

Giám đốc Công ty Cổ phần Bao bì Đại Lục Nguyễn Mạnh Kha thì đặc biệt ấn tượng bởi cách làm việc chủ động, tích cực của lãnh đạo huyện Krông Pắc. Chỉ ít ngày sau cuộc gặp bất ngờ tại một chương trình giới thiệu việc làm trên địa bàn huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc Nguyễn Thị Kim Oanh đã trực tiếp đến thăm và khảo sát thực tế Nhà máy sản xuất của doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột). Nhận thấy ngành nghề hoạt động của doanh nghiệp có thể giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động phổ thông, lại không gây ô nhiễm môi trường, lãnh đạo huyện đã mời doanh nghiệp trở lại Krông Pắc khảo sát đầu tư, xây dựng nhà máy. Sau đó, lãnh đạo huyện đã đồng hành với doanh nghiệp lựa chọn quỹ đất phù hợp, có tiềm năng thu hút lao động tại chỗ cao khiến doanh nghiệp thêm phần yên tâm, tin tưởng.

Anh Nguyễn Mạnh Kha cho hay, doanh nghiệp rất kỳ vọng dự án sớm được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, giải quyết nhu cầu bức thiết của doanh nghiệp về mở rộng quy mô sản xuất cũng như giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Đặc biệt, khi tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột được xây dựng hoàn thiện, doanh nghiệp sẽ rất thuận lợi trong việc vận chuyển hàng hóa xuất khẩu đến cảng biển Vân Phong.

Nỗ lực phát huy tiềm năng, lợi thế

Định hướng kêu gọi, thu hút đầu tư được huyện Krông Pắc xác định rõ ngay từ Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Trong đó có nhiệm vụ trọng tâm, mang tính đột phá là đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi đầu tư, chú trọng kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất chế biến nông sản và du lịch cộng đồng.

Với tổng diện tích đất tự nhiên hơn 62.000 ha, trong đó có hơn 53.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, 2.809 ha đất lâm nghiệp, 6.149 ha đất có mặt nước chuyên dùng và 1.762 ha đất ở, lợi thế thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp là điểm nổi trội, được ưu tiên. Huyện đang tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp, khu chăn nuôi công nghệ cao tập trung, các nhà máy sơ chế và đóng gói trái cây xuất khẩu, dự án nuôi thương phẩm các loại thủy sản, xây dựng cánh đồng lớn… trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế của từng xã, thị trấn. Huyện cũng tích cực hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp về hồ sơ thủ tục đăng ký, chi phí kiểm tra chứng nhận sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, đồng thời tạo điều kiện bố trí quỹ đất để các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến nông sản theo quy trình, dây chuyền phù hợp với quy hoạch.

Công nhân làm việc tại Công ty Cổ phần bao bì Đại Lục (Khu công nghiệp Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) - đơn vị đang có kế hoạch đầu tư vào huyện Krông Pắc.

Trong giai đoạn 2021 - 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2022, huyện Krông Pắc đã đưa vào quy hoạch cụm công nghiệp Tân Tiến với diện tích 75 ha để mời gọi đầu tư. Tận dụng lợi thế về nguồn nguyên liệu, thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp được khuyến khích phát triển các nhà máy: giày da, xi măng, chế biến nông sản, ngành nghề truyền thống, ngành nghề thủ công, cơ khí thông thường. Bên cạnh đó, huyện cũng đang thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế, các nhà đầu tư tham gia xây dựng hạ tầng cơ sở, các dự án nhà ở đô thị, siêu thị, các điểm dân cư, khu đô thị mới Tây Bắc thị trấn Phước An…

Phát huy các lợi thế về du lịch, đặc biệt là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Đồn điền CADA và Miếu thờ CADA cùng di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh thác Dray Dăng, huyện Krông Pắc cũng đang tập trung thu hút, kêu gọi đầu tư theo hướng phát triển thương mại dịch vụ gắn với bảo đảm an ninh trật tự, môi trường, sinh thái. Trong đó, đặc biệt khuyến khích mở rộng các loại hình kinh doanh, dịch vụ logistics và đầu tư, xây dựng có hiệu quả các điểm dịch vụ du lịch khu vực hồ Tân An, hồ Krông Búk Hạ, thác Dray Dăng, hồ Ea Nhái, khu di tích CADA, du lịch tâm linh Thiền Viện Trúc Lâm Từ Giác…

Đinh Nga


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...