Nhờ số tiền cho vay với lãi suất thấp của Chi hội Cựu chiến binh (CCB) thôn Bình Nam, xã Tịnh Bình, mà ông Nguyễn Tấn Thương đã mở rộng quy mô sản xuất cơ sở mộc của gia đình. Ông Thương bộc bạch, từ số tiền quỹ trồng rừng của chi hội, từ năm 2018 đến nay, tôi đã 2 lần mượn tiền để mua máy móc phục vụ cho nghề mộc. Mỗi lần tôi mượn 20 triệu đồng và sau 2 năm thì trả lại tiền gốc cho chi hội. Lãi suất mà chi hội cho vay thấp hơn nhiều so với ngân hàng, nên tôi yên tâm vay để phát triển kinh tế gia đình.
|
Nhờ nguồn vốn vay của Chi hội Cựu chiến binh thôn Bình Nam, xã Tịnh Bình (Sơn Tịnh), ông Nguyễn Tấn Thương (bên phải) đã mở rộng cơ sở mộc của gia đình. |
Không chỉ giúp hội viên vay tiền để phát triển kinh tế, mà từ nguồn quỹ gầy dựng được từ trồng rừng, Chi hội CCB thôn Bình Nam còn trích tiền để đóng góp xây dựng nông thôn mới, an sinh xã hội tại địa phương. Cụ thể như ủng hộ 10 triệu đồng xây dựng cổng chào của thôn, 5 triệu đồng xây dựng nhà vệ sinh cho nhà văn hóa thôn, trao hàng chục suất quà cho người nghèo... Để có tiền thực hiện những việc làm tốt đẹp ấy, không chỉ có Chi hội CCB thôn Bình Nam, mà 2 chi hội CCB còn lại của xã cũng đều thực hiện mô hình dân vận khéo “CCB tự quản, bảo vệ, chăm sóc rừng tại chi hội”.
Chủ tịch Hội CCB xã Tịnh Bình Phan Thanh Hải chia sẻ, năm 2013, chính quyền địa phương giao cho hội CCB tiếp quản nguồn đất do UBND xã quản lý để sản xuất trồng rừng tạo nguồn quỹ sinh hoạt. Hội CCB đã triển khai đến 3/3 chi hội và vận động hội viên thực hiện mô hình “CCB tự quản, bảo vệ, chăm sóc rừng tại chi hội”. Với sự đồng lòng, hưởng ứng của hơn 200 hội viên, mô hình thực hiện rất hiệu quả, mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực. “Sau gần 10 năm thực hiện mô hình, từ 3 - 4 năm thu hoạch 1 lần, đến nay các chi hội đã xây dựng tổng nguồn quỹ trên 1 tỷ đồng, cho hàng trăm lượt hội viên vay mượn vốn phát triển sản xuất. Nhờ đó, không có hội viên CCB nào của xã thuộc diện hộ nghèo. Bên cạnh đó, từ số tiền quỹ ấy, các chi hội còn trích tiền để chăm lo cho người nghèo, ủng hộ xây dựng nông thôn mới”, ông Hải cho biết.
Thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, các đơn vị, địa phương ở huyện Sơn Tịnh đã đăng ký, triển khai có hiệu quả nhiều mô hình, cách làm hay. Điển hình như mô hình “Khu dân cư 6 không” được triển khai thực hiện tại 58/58 khu dân cư; mô hình “Nói không với hành vi đốt, rải vàng mã và bảo vệ môi trường” triển khai tại 20 khu dân cư hay mô hình xây lò đốt rác tại nhà...
Hằng năm, Ban Thường vụ Huyện ủy Sơn Tịnh đưa nội dung kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác dân vận, gắn với thực hiện các mô hình “Dân vận khéo” vào chương trình kiểm tra, giám sát. Kịp thời biểu dương, khen thưởng đối với những cá nhân, tập thể điển hình trong quá trình thực hiện công tác “Dân vận khéo”, để tạo động lực và nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến, nhằm vận động nhân dân trên địa bàn huyện cùng tham gia.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Sơn Tịnh Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, trong 5 năm qua, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị- xã hội các cấp đã phát động và tổ chức thực hiện nhiều mô hình "Dân vận khéo" đạt hiệu quả, tạo được sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn huyện. Ban Thường vụ Huyện ủy cũng xác định đây là một trong những phong trào triển khai thực hiện thường xuyên, lâu dài và tạo sự lan tỏa. Thời gian đến, Ban Thường vụ Huyện ủy tiếp tục chỉ đạo các địa phương, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu rõ và hưởng ứng thực hiện phong trào "Dân vận khéo"; đánh giá, rà soát các mô hình hiệu quả để hỗ trợ, nhân rộng.