Hà Nội: Đưa tiêu chí “Không hút thuốc” vào tiêu chuẩn công nhận Gia đình văn hóa, Khu dân cư văn hóa
Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 64/KH-UBND về phòng, chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn Thành phố năm 2022.
Kế hoạch nhằm đẩy mạnh và tăng cường hơn nữa sự quan tâm của các ngành, các cấp, các tổ chức và quần chúng nhân dân đối với công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá và tạo môi trường không khói thuốc trên địa bàn Thủ đô.
Đồng thời, nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá, lợi ích của môi trường không khói thuốc, các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
Theo Kế hoạch, Thành phố đề ra 5 nhóm nhiệm vụ. Cụ thể, về công tác chỉ đạo và điều hành, UBND Thành phố yêu cầu Ban Chỉ đạo Phòng, chống tác hại của thuốc lá các cấp, các ngành tập trung xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống tác hại thuốc lá trên địa bàn thành phố năm 2022 và tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện.
Thành phố Hà Nội tiếp tục duy trì mô hình “Môi trường không khói thuốc” tại các cơ quan hành chính (Ảnh minh họa: VGP) |
Về công tác truyền thông, Thành phố sẽ tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không hút thuốc lá (31/5) và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá từ 25-31/5 hàng năm. Bên cạnh đó, tổ chức các chiến dịch truyền thông để phổ biến tới người dân nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi thái độ đối với tình trạng hút thuốc nơi công cộng; kêu gọi sự ủng hộ, hợp tác, thay đổi hành vi về việc hút thuốc nơi công cộng và nơi làm việc.
Đồng thời, tăng cường in và treo các pano tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá, cấp phát pano, tờ rơi, áp phích, đề can cho 30 quận, huyện, thị xã và các sở, ngành của Thành phố. Nâng cao năng lực triển khai thực hiện của thanh tra viên, tuyên truyền viên tại 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn về Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, tác hại của việc hút thuốc lá thụ động và các văn bản liên quan.
Thành phố Hà Nội cũng sẽ tiếp tục duy trì mô hình “Môi trường không khói thuốc” tại các cơ quan hành chính và mô hình “Nhà hàng không khói thuốc” trên địa bàn Thành phố; xây dựng và triển khai hoạt động điểm “Điểm du lịch không khói thuốc” như tại Đền Ngọc Sơn, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long,... Tiếp tục duy trì điểm tư vấn, điều trị cai nghiện thuốc lá tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội.
Bên cạnh đó, Thành phố yêu cầu ngành chức năng xây dựng các tiêu chí đánh giá để xét thi đua hàng năm, tuyên dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có mô hình hay, cách làm hiệu quả, sáng tạo trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Trong năm 2022, Thành phố sẽ tổ chức các đợt thanh, kiểm tra và xử phạt các vi phạm về buôn bán, kinh doanh, sử dụng thuốc lá trên địa bàn; giám sát việc thi hành các quy định cấm hút thuốc lá tại các nơi có quy định cấm; tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi nhập lậu thuốc lá, buôn bán thuốc lá giả, thuốc lá nhái nhãn mác và kinh doanh trái phép các sản phẩm thuốc lá.
UBND Thành phố giao Sở Y tế (cơ quan Thường trực) chỉ đạo các đơn vị trong ngành tiếp tục thực hiện quy định cấm hút thuốc trong bệnh viện, cơ sở y tế, trường học; duy trì phong trào thi đua “Không hút thuốc tại bệnh viện” trong toàn ngành y tế; đẩy mạnh công tác truyền thông sâu rộng trong cộng đồng dân cư tại các khu dân cư, tổ dân phố...
Bên cạnh đó, UBND Thành phố cũng đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, các sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố tích cực vận động cán bộ, công nhân viên, người lao động và các hội viên tham gia phòng, chống tác hại thuốc lá; gương mẫu, tự giác chấp hành việc không hút thuốc lá nơi công cộng, nơi làm việc; phát động phong trào thi đua “Môi trường công sở không khói thuốc”.
Giao UBND các quận, huyện, thị xã quy định không hút thuốc nơi công sở và nơi làm việc; xây dựng mô hình điểm “Nhà hàng, khách sạn không khói thuốc”, “Điểm du lịch không khói thuốc” trên địa bàn; tuyên truyền vận, động nhân dân không sử dụng các sản phẩm thuốc lá trong các lễ hội, đám cưới, đám tang, cuộc vui gia đình... đưa tiêu chí “Không hút thuốc” vào tiêu chuẩn công nhận Gia đình văn hóa, Làng văn hóa, Khu dân cư văn hóa.