Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Để nhà ở xã hội đến đúng đối tượng

Phát triển nhà ở xã hội (NƠXH), chăm lo nơi ăn chốn ở cho người thuộc đối tượng chính sách, người có thu nhập thấp là việc làm thiết thực, nhân văn góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, dù có nhiều chính sách hỗ trợ, giai đoạn 2016-2020, Hà Nội mới đạt 1,25 triệu m2 sàn với 12.659 căn hộ, trong khi kế hoạch là 6,22 triệu m2. Cùng với việc thiếu nguồn cung những bất cập trong việc phân phối các căn NƠXH đòi hỏi cần có sự siết chặt hơn nữa trong khâu quản lý và sử dụng loại hình nhà ở này, tránh tình trạng trục lợi từ chính sách.

Nhiều vấn đề đặt ra

Theo thông tin từ Sở Xây dựng thành phố Hà Nội, kết thúc giai đoạn 2016-2020, diện tích nhà ở bình quân ở Hà Nội hiện đạt 27,25 m2/người; tổng diện tích sàn nhà ở trên địa bàn đạt 224,73 triệu m2, tăng 49,67 triệu m2 so với năm 2016. Tuy nhiên, nếu tính theo các chỉ tiêu m2 sàn của từng loại nhà ở chỉ có nhà ở thương mại vượt mục tiêu đề ra, đạt gần 20,42 triệu m2 sàn, vượt hơn 1,14 triệu m2. Nhà ở riêng lẻ cũng tăng nhanh, trong khi với NƠXH (cho người thu nhập thấp, công nhân, sinh viên), Hà Nội đặt mục tiêu phát triển 6,22 triệu m2 nhưng kết quả thực hiện là 1,25 triệu m2 sàn.

Để nhà ở xã hội đến đúng đối tượng
Phát triển nhà ở xã hội, chăm lo nơi ăn chốn ở cho người thuộc đối tượng chính sách, người có thu nhập thấp là việc làm thiết thực góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Với nhà tái định cư, thành phố đặt mục tiêu phát triển 1,2 triệu m2 sàn nhưng kết quả thực hiện chỉ 371.000m2. Nguyên nhân được chỉ ra là do chính sách phát triển NƠXH còn bất cập, thiếu đồng bộ. Đơn cử, nguồn vốn ưu đãi gần như chưa được bố trí, trong khi nếu vay thương mại, chi phí xây dựng sẽ rất lớn. Thực tế, so với giai đoạn trước năm 2016, số dự án NƠXH giảm rất nhiều. Một số dự án đã hoàn thành có vị trí xa trung tâm nên rất khó bán. Đặc biệt, qua kiểm tra, giám sát của Sở Xây dựng Hà Nội và Ủy ban nhân dân (UBND) các quận huyện đã phát hiện nhiều chủ đầu tư và người dân vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng NƠXH.

Cụ thể, nhiều trường hợp được mua NƠXH chưa đúng quy định; việc lập dự toán theo phương án tính giá bán của chủ đầu tư dự án NƠXH chưa đúng. Ngoài ra, có không ít chủ đầu tư và khách hàng tự thay đổi thiết kế công trình, căn hộ và sử dụng không đúng mục đích như: Cải tạo đập thông 2 căn hộ, cho ở nhờ, cho thuê lại hoặc không sử dụng... Ngoài ra, cơ quan quản lý Nhà nước cũng chỉ ra nhiều sai phạm khác từ chủ đầu tư do chưa thực hiện tốt việc giám sát đối tượng sau khi mua, thuê, thuê mua NƠXH.

Điển hình tại Dự án nhà ở xã hội 30 Phạm Văn Đồng (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) do Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng thương mại và dịch vụ Bắc Hà làm chủ đầu tư, ngay sau khi bàn giao cho khách hàng đã có tình trạng cải tạo, đập thông 2 căn hộ để mở rộng diện tích. Những trường hợp vi phạm này đã bị lập biên bản, xử lý kịp thời. Điều đáng nói ở dự án này là sau hơn 5 năm đưa vào sử dụng, hàng trăm căn hộ ở đây mới được cấp “sổ” do những vi phạm từ phía chủ đầu tư. Sự chậm trễ này đã gây bức xúc và lo lắng cho người dân suốt nhiều năm qua, nhất là những hộ có nhu cầu chuyển đổi chỗ ở mới theo quy định của pháp luật cho phép. Ngoài ra, có nhiều trường hợp cho ở nhờ, thuê lại hoặc không sử dụng như: Khu NƠXH tại ô đất CC-1 (thuộc Khu đô thị Quốc Oai) có 65 trường hợp; khu nhà ở cho người thu nhập thấp Ecohome 2 có 158 trường hợp; khu nhà ở cho người thu nhập thấp Ecohome 1 có 200 trường hợp…

Không thể phủ nhận, trong những năm qua, những chính sách về nhà ở nói chung và NƠXH nói riêng đã ngày càng được hoàn thiện; nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đã được ban hành nhằm khuyến khích. Tuy nhiên, từ thực tế triển khai cho thấy, nhiều chính sách vẫn còn bất cập, thiếu đồng bộ. Đặc biệt, nhìn từ chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2020-2025 cho thấy, nguồn vốn ưu đãi gần như chưa được bố trí, do đó nếu so với giai đoạn trước đó số dự án NƠXH giảm rất nhiều.

Đẩy mạnh công tác giám sát

Để khắc phục các vướng mắc này, mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ký ban hành Quyết định số 5488/QĐ-UBND về chuyên đề “Giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng nhà ở xã hội trên địa bàn Thủ đô, giai đoạn 2021-2025”. Đây là một trong những nội dung quan trọng trong Chương trình số 10-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021- 2025”. Theo kế hoạch, giai đoạn này, Hà Nội đặt mục tiêu xây dựng khoảng 1,25 triệu m2 sàn NƠXH; trong đó sẽ ưu tiên xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp.

Qua thống kê, giai đoạn 2016-2020, thành phố Hà Nội có 23 dự án NƠXH hoàn thành, đưa vào sử dụng, tương đương hơn 1,2 triệu m2 sàn (12.659 căn hộ). Ngoài ra, hiện còn 43 dự án đang triển khai với khoảng 3,56 triệu m2 sàn (49.721 căn hộ). Mặc dù thành phố Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển NƠXH, song nguồn cung loại hình nhà ở này vẫn chưa đáp ứng so với nhu cầu. Trong khi đó, chính sách an sinh này đã bị một số đối tượng lợi dụng.

Thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố, Sở Xây dựng đã có văn bản yêu cầu các chủ đầu tư và các cấp chính quyền kịp thời chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại trong quản lý, sử dụng NƠXH. Đặc biệt, đơn vị chủ đầu tư phải đảm bảo xét duyệt đúng đối tượng và đủ điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ mua, thuê, thuê mua. Sau khi ký hợp đồng bán, cho thuê NƠXH, chủ đầu tư có trách nhiệm lập đầy đủ danh sách các hộ gia đình, cá nhân đã ký hợp đồng, có dán ảnh các thành viên trong hộ gia đình; đồng thời ban hành quy chế phối hợp giữa chủ đầu tư và chính quyền địa phương, đơn vị quản lý vận hành, công an theo dõi địa bàn về nhân khẩu, tạm trú, tạm vắng đối với các hộ dân sinh sống trong nhà chung cư để tổ chức kiểm tra, theo dõi.

UBND thành phố Hà Nội đề nghị các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã và Sở Xây dựng tăng cường sự phối hợp giữa nhằm kiểm tra danh sách các đối tượng được giải quyết mua, thuê, thuê mua, xác định đúng đối tượng được hỗ trợ. Trách nhiệm chính của việc giám sát thuộc về UBND các quận, huyện, xã, phường, thị trấn nơi có nhà ở xã hội. Mặt khác, quản lý, vận hành, bảo hành, bảo trì NƠXH cũng phải thực hiện theo đúng quy định…

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Mạc Đình Minh, giai đoạn 2021-2025, Thành phố xác định 5 giải pháp cụ thể, trong đó tập trung tăng cường giám sát khi xét duyệt đối tượng mua, thuê, thuê mua NƠXH; tăng cường phối hợp giữa các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã với Sở Xây dựng để kiểm tra danh sách các đối tượng được giải quyết mua, thuê, thuê mua NƠXH, xác định đúng đối tượng được hỗ trợ về NƠXH. Khi phát hiện trường hợp không đủ điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định, các địa phương và chủ đầu tư thông báo tới Sở Xây dựng để xử lý. UBND các quận, huyện, thị xã, các chủ đầu tư cần tăng cường giám sát sử dụng NƠXH, giám sát đối tượng sau khi được mua, thuê, thuê mua nhà.

Thành phố cũng yêu cầu Công an Thành phố thông qua quản lý nhân khẩu, kiểm tra thường xuyên, xác định các trường hợp bán lại, cho thuê lại, cho ở nhờ, không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích NƠXH./.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết