Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới tại Quảng Ninh

Nhờ sự chung tay của người dân cùng với cả hệ thống chính trị và nguồn lực của Nhà nước, chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Quảng Ninh đã gần đến đích

Hoàn thành sớm kế hoạch xây dựng nông thôn mới

Quảng Ninh triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới vào khoảng năm 2011. Đến hết năm 2021, Quảng Ninh có 9/13 địa phương cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 98/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 48/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 22/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Năm 2022, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, về đích sớm hơn kế hoạch của tỉnh đặt ra là 1 năm.

Huyện Cô Tô của Quảng Ninh là huyện đảo đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên trong cả nước. Đông Triều là huyện đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên khu vực phía Bắc. Xã Việt Dân là xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của quốc gia. Cùng với đó, toàn tỉnh Quảng Ninh không còn xã, thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Đời sống, thu nhập của người dân vùng nông thôn được nâng lên, đạt trung bình 52 triệu đồng/người/năm, mức cao so với nhiều địa phương trong cả nước...

Lãnh đạo Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh khẳng định: Việc đặt ra mục tiêu trong năm 2022 hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới là dấu mốc để nông thôn mới Quảng Ninh tiếp tục phát triển đi lên tầm cao mới, đáng tự hào hơn. Chính vì vậy nó phù hợp, trúng, đúng thời điểm, đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh...

Thông qua chương trình nông thôn mới, kinh tế tại huyện Bình Liêu (tỉnh Quảng Ninh) ngày càng phát triển
Thông qua chương trình nông thôn mới, kinh tế tại huyện Bình Liêu (tỉnh Quảng Ninh) ngày càng phát triển

Mục tiêu năm 2022 của tỉnh Quảng Ninh là có thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 4 đơn vị cấp huyện (TP. Hạ Long và huyện Vân Đồn, Bình Liêu, Ba Chẽ) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 2 đơn vị cấp huyện (Đầm Hà, Tiên Yên) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và tỉnh Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Điều đáng ghi nhận là từ đầu năm đến nay, từ cấp thôn, xã, huyện trên toàn tỉnh đều tập trung chỉ đạo và thực hiện xây dựng nông thôn mới. Các đơn vị rà soát các tiêu chí, chỉ tiêu thiếu, yếu, tiêu chí bổ sung mới; xây dựng kế hoạch thực hiện, phân công, phân nhiệm cụ thể. Đặc biệt tập trung hoàn thiện các tiêu chí cứng, vận động người dân thực hiện các tiêu chí mà do người dân làm chủ.

Theo báo cáo của Văn phòng điều phối nông thôn mới, tính đến hết tháng 7 vừa qua, 4 địa phương thực hiện lộ trình về đích nông thôn mới năm 2022 là Hạ Long, Vân Đồn, Ba Chẽ, Bình Liêu đạt bước tiến đáng ghi nhận. Trong đó, Hạ Long, Vân Đồn đã cơ bản hoàn thiện các tiêu chí, chỉ tiêu đưa ra, hoàn thiện hồ sơ minh chứng huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện nay, hồ sơ nông thôn mới của 2 địa phương này đang được tỉnh thẩm định, sau đó trình lên trung ương.

Như tại huyện Bình Liêu, huyện đã thành lập 7 tổ công tác phụ trách kiểm tra, hướng dẫn, hỗ trợ các xã, thị trấn thực hiện nhiệm vụ; thành lập 7 tổ công tác tuyên truyền vận động hỗ trợ các xã xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và đô thị văn minh... UBND huyện phát động chiến dịch cao điểm “45 ngày đêm” cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng các dự án, công trình năm 2022 trên địa bàn huyện. Đến nay, Bình Liêu đã cơ bản thực hiện tốt công tác quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng; đồng thời tập trung triển khai Đề án tái cơ cấu sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

6 tháng đầu năm 2022, toàn huyện có 215 hộ thoát nghèo, 71 hộ thoát cận nghèo, 214 lao động được tạo việc làm mới, 170 hộ đã khởi công xây dựng nhà theo chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ khó khăn... Hiện huyện tiếp tục tập trung hoàn thành các tiêu chí về giao thông, văn hóa - y tế - giáo dục, kinh tế, môi trường, chất lượng môi trường sống.

Đối với 2 đơn vị xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2022 là Tiên Yên và Đầm Hà, tính đến hết tháng 7, huyện Tiên Yên đạt 3/9 tiêu chí, 25/28 chỉ tiêu, tăng 1 tiêu chí, 3 chỉ tiêu so với đầu năm. Huyện Đầm Hà đạt 5/9 tiêu chí, 27/38 chỉ tiêu, tăng 1 tiêu chí, 3 chỉ tiêu so với đầu năm.

Ở 9 địa phương đã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn trước năm 2022, qua rà soát khi áp các tiêu chí giai đoạn 2021-2025 cho thấy hiện đạt 5,8/9 tiêu chí, 28/36 chỉ tiêu.

Còn nhiều tiêu chí cần đạt được

Theo đánh giá của Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh, áp theo bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, nhiều tiêu chí mà vai trò của người dân là chủ đạo. Tiêu biểu như các tiêu chí về xây dựng xã, thôn thông minh, mà ở đó trình độ ứng dụng công nghệ số của người dân phải đạt cao. Tiêu chí về phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, trong đó sản xuất phải có liên kết, đầu tư cho sản phẩm chủ lực địa phương, nhất là sản phẩm OCOP.

Chương trình nông thôn mới đã góp phầ nâng cao đời sống của người dân, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa
Chương trình nông thôn mới đã góp phần nâng cao đời sống của người dân, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa

Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Quảng Ninh đang tập trung triển khai 8 nội dung bao gồm: Có 100% số huyện trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới (7 huyện); 100% số thị xã, thành phố trên địa bàn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (6 thị xã, thành phố); có ít nhất 20% số huyện trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao( 2/7 huyện phải hoàn thành nông thôn mới nâng cao); có ít nhất 40% số xã trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có Đề án xây dựng nông thôn mới toàn tỉnh, thành phố, có ít nhất 70% số km đường huyện, đường tỉnh, quốc lộ trên địa bàn được trồng cây xanh dọc tuyến đường; đất cây xanh sử dụng công cộng trên địa bàn tối thiểu là 4m2/người; chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý đạt từ 90% trở lên.

Ngoài ra, các xã, huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trước đó phải nâng chất các tiêu chí, chỉ tiêu đã có và thực hiện bổ sung thêm các tiêu chí, chỉ tiêu mới theo Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Để triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh năm 2022 và các năm tiếp theo, Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Quảng Ninh cũng đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành Quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận và công bố địa phương đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Bên canh đó, Ban cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách riêng cho chương trình mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP) và hỗ trợ tỉnh Quảng Ninh một số mô hình mẫu phát triển nuôi biển quy mô công nghiệp, mô hình chuyển đổi số trong nuôi tôm và nuôi biển (hỗ trợ về công nghê); giới thiệu và kêu gọi thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến lâm sản, nuôi trông và chế biến thủy sản, nhất là lĩnh vực nuôi biển…

Tại Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 Chương trình xây dựng nông thôn mới, ông Phạm Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu cần tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực từ nhân dân và doanh nghiệp hỗ trợ huyện Bình Liêu, huyện Ba Chẽ hoàn thành các tiêu chí xóa nhà tạm, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, đầu tư hệ thống xử lý nước sinh hoạt, môi trường sinh thái.

Cần tập trung hướng dẫn, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thủ tục để đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển thương mại điện tử, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất nông lâm ngư nghiệp”, ông Thành yêu cầu.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết