Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nguồn vốn tín dụng tiếp thêm sức mạnh cho các hộ nghèo

Song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chăm lo công tác an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn luôn được huyện Thanh Trì quan tâm. Chính vì vậy, ngay sau khi Nghị định số 78/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác được ban hành, Thanh Trì đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp, các ban, ngành đoàn thể trên địa bàn thực hiện đồng bộ các biện pháp, giải pháp để đưa Nghị định vào cuộc sống.

Đảm bảo an sinh đến từng địa phương

Xã Tân Triều là một điểm sáng trong thực hiện hoạt động ủy thác cho vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện. Thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP và Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, cấp ủy, chính quyền xã Tân Triều đã nhận thức rõ về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội của địa phương. Trên cơ sở đó, đã tạo điều kiện thuận lợi cho Ngân hàng CSXH thực hiện tốt các nhiệm vụ của mình, nhất là về địa điểm, thời gian đối với các buổi làm việc tại điểm giao dịch xã.

Ông Hoàng Trọng Đức Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Triều cho biết, Ủy ban nhân dân xã Tân Triều bố trí 1 điểm giao dịch, thực hiện các nghiệp vụ giải ngân cho vay, thu nợ, thu lãi, huy động tiền gửi tiết kiệm... phục vụ các đối tượng ngay tại xã vào ngày 18 hàng tháng. Chính sự thuận lợi về phương thức vay vốn, lãi suất ưu đãi, đã khiến hoạt động tín dụng chính sách là điểm tựa cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Nguồn vốn tín dụng tiếp thêm sức mạnh cho các hộ nghèo
Hội Nông dân huyện Thanh Trì giải ngân vốn vay tín dụng cho nông dân làm kinh tế

Với mục đích giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho bản thân và gia đình, bà Cao Thị Bích Yên (thôn Triều Khúc, xã Tân Triều) có nhu cầu vay nguồn giải quyết việc làm để sản xuất chỉ may mặc. Bà Cao Thị Bích Yên đã được Tổ Tiết kiệm và vay vốn họp bình xét về việc vay vốn dưới sự giám sát của Hội Nông dân xã, Trưởng thôn và Ủy ban nhân dân xã phê duyệt danh sách hộ gia đình đề nghị vay vốn, gia đình bà đã được vay vốn để phát triển kinh tế.

Mong muốn làm giàu trên mảnh đất quê hương, ông Nguyễn Thế Châu (thôn Thượng Phúc, xã Tả Thanh Oai) đã được Ngân hàng CSXH huyện hỗ trợ nhiều kỳ vay vốn để phát triển kinh tế trang trại. Sau một thời gian dài do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đến nay, mô hình vườn - ao - chuồng của ông Châu đã cho thu nhập ổn định, sau khi trừ chi phí, mỗi năm thu lãi khoảng 500 triệu đồng/năm, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 2-3 lao động nông nhàn tại địa phương.

Đối với làng nghề truyền thống Tranh Khúc, xã Duyên Hà chuyên sản xuất bánh chưng, bánh dày, trong những năm gần đây, kinh tế ngày một phát triển do nhu cầu sử dụng bánh ngày càng tăng cao. Trước đây, bánh chưng chỉ xuất hiện trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Nhưng giờ đây, bánh chưng, bánh dày được xuất hiện hàng ngày khắp nơi trên phố thị, trong những mâm cỗ, tiệc quanh năm,... Nhờ vậy, đời sống của nhân dân làng nghề được phát triển.

Để phát triển kinh tế được như ngày hôm nay, nguồn vốn vay ưu đãi luôn đồng hành cùng bà con. Tổng số vốn tín dụng chính sách của hội viên hội phụ nữ thôn Tranh Khúc đang vay là 4,5 tỷ đồng. Nhiều gia đình vay vốn tín dụng chính sách làm bánh chưng, bánh dày trong thôn đã có cuộc sống ổn định, khá giả.

Trong đó, phải kể đến gia đình chị Trần Linh Anh, thôn Văn Uyên được bình xét vay vốn 50 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH huyện. Với số tiền đó, chị đã mua sắm dụng cụ, nguyên liệu cần thiết để làm bánh chưng, bánh dày. Lúc đầu chưa có mối bán hàng, chị Linh Anh chỉ làm ít vào những ngày lễ, tết, rằm, mùng 1 hàng tháng để mang ra chợ bán. Qua thời gian, mối hàng của gia đình chị ngày càng nhiều. Hiện nay, ngày thường, mỗi ngày chị Linh Anh làm khoảng 50 chiếc bánh, vào ngày rằm, mùng 1 hàng tháng, mỗi ngày chị làm khoảng 205 chiếc bánh. Trung bình mỗi tháng chị thu nhập khoảng trên chục triệu đồng. Với số tiền thu được hàng tháng, chị đã yên tâm ổn định cuộc sống.

Chợ Quang là chợ lớn nhất của xã Thanh Liệt, nơi đây tập trung hơn 400 hộ sản xuất kinh doanh các mặt hàng từ quần áo, vải vóc đến thực phẩm tươi sống,… tạo thu nhập cao cho người kinh doanh tại đây. Ngày 31/3/2018, không may, chợ đã bị cháy đã thiêu rụi hơn 100 sạp hàng của các tiểu thương; tuy không gây thiệt hại về người nhưng ước tính đã gây thiệt hại hàng tỷ đồng tài sản của các hộ kinh doanh.

Nguồn vốn tín dụng tiếp thêm sức mạnh cho các hộ nghèo
Vụ cháy Chợ Quang (xã Thanh Liệt) vào ngày 31/3/2018 khiến nhiều tiểu thương điêu đứng

Nhận được thông tin trên, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì đã sử dụng nguồn vốn ngân sách huyện ủy thác sang Ngân hàng CSXH huyện năm 2018 là 500 triệu đồng để giúp cho các tiểu thương vay vốn khắc phụ hỏa hoạn. Cùng với nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm đã được Ủy ban nhân dân huyện phân bổ đến xã Thanh Liệt.

Ngay sau thời điểm hỏa hoạn, Ngân hàng CSXH huyện đã phối hợp với Ủy ban nhân dân xã, hội đoàn thể nhận ủy thác và giải ngân cho vay được 15 tiểu thương có hộ khẩu thường trú tại xã Thanh Liệt với số tiền 50 triệu đồng/hộ, tổng số tiền cho vay là 600 triệu đồng. Số tiền vay trên đến đúng thời điểm tiểu thương cần và đã phát huy hiệu quả được đồng vốn vay.

Thông qua nhận ủy thác của Hội nông dân xã Thanh Liệt, chị Lê Thị Ánh Hồng - thôn Nội là 1 trong những tiểu thương trong chợ Thanh Liệt được vay 50 triệu đồng vốn vay giải quyết việc làm, chị đã đầu tư sửa chữa và nhập hàng mới về bán. Đến nay, cửa hàng chị lại đầy ắp hàng hóa, mẫu mã phong phú, mang lại thu nhập ổn định cho chị từ 5 - 7 triệu đồng/tháng.

Nguồn vốn tín dụng chính sách bên cạnh, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội có vốn phát triển kinh tế, bên cạnh đó cũng có các chương trình vay vốn góp phần đảm bảo an sinh xã hội như cho vay học sinh sinh viên có vốn đi học, không có cháu nào phải nghỉ học giữa chừng do không có tiền đi học; vốn vay giúp 181 hộ nghèo xây sửa nhà, 34 hộ có thu nhập có cơ hội mua, sở hữu nhà của riêng mình, giúp an cư lạc nghiệp.

Tiếp thêm sức mạnh cho các hộ nghèo

Có thể khẳng định vốn tín dụng chính sách đã vươn dài cánh tay tiếp thêm sức mạnh cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Đồng thời, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng với việc lồng ghép vai trò chính quyền địa phương trên tất cả phương diện người cung ứng vốn, hỗ trợ người dân tạo dựng sinh kế và giám sát hiệu quả nguồn vốn vay.

Trong 20 năm, Đảng và Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn quan tâm đến tín dụng chính sách đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, hàng năm đều bổ sung nguồn vốn cho vay. Tính đến 15/6/2022, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Thanh Trì đã đạt 445.993 triệu đồng, tăng 435.812 triệu đồng (gấp 44 lần) so với thời điểm Nghị định số 78/NĐ-CP được ban hành, tỷ lệ tăng trưởng nguồn vốn bình quân là 21%/năm. Trong đó nguồn vốn cân đối từ Trung ương 252,7 tỷ đồng, chiếm 57% tổng nguồn vốn; nguồn vốn nhận ủy thác từ thành phố Hà Nội là 182,5 tỷ đồng chiếm 41% tổng nguồn vốn, nguồn vốn nhận ủy thác tại Huyện là 10,4 tỷ đồng, chiếm 2% tổng nguồn vốn.

Nguồn vốn tín dụng tiếp thêm sức mạnh cho các hộ nghèo
Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì cùng Ngân hàng CSXH đã nỗ lực triển khai các biện pháp hỗ trợ người dân vay vốn, xóa đói giảm nghèo, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế

Đặc biệt, từ khi Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội được ban hành, từ năm 2015, hàng năm Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện đều đưa vào Nghị quyết Hội đồng nhân dân về việc bố trí bổ sung nguồn ngân sách huyện ủy thác qua Ngân hàng CSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

Đến 15/6/2022, tổng nguồn vốn ngân sách huyện bổ sung quỹ cho vay của Ngân hàng CSXH huyện là 10,4 tỷ đồng, trung bình mỗi năm huyện bổ sung vốn cho Ngân hàng CSXH là 1,2 tỷ đồng. Đồng vốn tín dụng tín dụng chính sách đã thực sự trở thành điểm tựa vững chắc cho hộ có hoàn cảnh khó khăn trong suốt những năm qua đã góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững.

Những kết quả đạt được trong 20 năm qua đã khẳng định vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Thanh Trì. Là công cụ, giải pháp có tính căn cơ, lâu dài để Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, phục hồi, phát triển kinh tế nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng huyện trở thành quận đến năm 2025 theo hướng giàu đẹp, văn minh.

Tính từ năm 2003 đến nay, thông qua các nguồn vốn vay tín dụng chính sách đã cùng các cấp, ngành ở địa phương nỗ lực giảm tỷ lệ hộ nghèo của toàn huyện. Đến cuối năm 2021, số hộ nghèo trên địa bàn còn là 21 hộ, chiếm 0,02% số hộ trên địa bàn và giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện tự lực vươn lên; tạo việc làm, nâng cao đời sống, thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn; xây dựng nông thôn mới, góp phần thay đổi cơ bản nhận thức từ việc cấp không, cho không sang vay vốn có hoàn trả, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc sử dụng vốn.

Ông Nguyễn Văn Hưng - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì cho biết: Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình tín dụng có vai trò quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống người dân; bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng từng thời kỳ của huyện.

Trong thời gian tới, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH huyện, các phòng, ban có liên quan, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp huyện, cấp xã, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi công khai, kịp thời để mọi tầng lớp nhân dân hiểu và các đối tượng chính sách được vay vốn; góp phần nâng cao nhận thức về vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Quan tâm và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra giám sát của các cấp, các ngành và của toàn thể mọi tầng lớp nhân dân đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội.

Bảo Thoa


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...