Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ớt trung đoàn - đặc sản của đồng bào dân tộc Hà Nhì

Việc xây dựng thương hiệu và tìm đầu ra cho sản phẩm ớt trung đoàn - đặc sản của đồng bào dân tộc Hà Nhì được huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu đặc biệt quan tâm.

Đặc biệt, loại ớt này có hương vị đặc trưng khi được trồng tại 2 xã Ka Lăng và Thu Lũm của huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu; trong đó, người dân xã Thu Lũm chủ yếu là đồng bào dân tộc Hà Nhì. Thời gian qua, nhận thấy đây là loại cây đặc sản cho giá trị kinh tế cao nên người dân đã mở rộng diện tích trồng loại cây này.

Ớt trung đoàn - đặc sản của đồng bào dân tộc Hà Nhì

Giới thiệu đặc sản ớt trung đoàn tại các hội chợ, triển lãm

Gọi là ớt trung đoàn vì trái ớt này cay lắm, đến mức các anh bộ đội nói cả trung đoàn ăn một quả ớt. Ớt trung đoàn có mùi thơm rất đặc trưng, vị cay nồng khiến ai ăn một lần cũng nhớ mãi. So với các loại ớt khác, ớt trung đoàn quả to hơn, đòi hỏi điều kiện trồng khắt khe hơn. Nếu trời mưa nhiều quá hoặc nắng nóng quá cây sẽ chết hoặc cho ít trái. Mỗi cây ớt trung đoàn cho từ 2-3 kg quả. Lúc cao điểm, giá loại ớt này lên tới 250.000 đồng/ kg. Chính vì vậy, nhiều hộ dân ở Thu Lũm đã tận dụng các khoảnh đất trống để trồng ớt hoặc trồng xen canh với cây khác. Nhà nào ít trồng vài chục cây, nhà nhiều trồng 1-2 sào. Đặc biệt, năm nay, được sự khuyến khích của chính quyền địa phương, nhiều hộ đồng bào trong bản đã mở rộng diện tích trồng ớt trung đoàn.

Trên thực tế, ớt trung đoàn đã được huyện Mường Tè xác định là một trong những sản phẩm nông nghiệp đặc sản, huyện đã quy hoạch và xác định phát triển vùng trồng trên địa bàn 2 xã Ka Lăng và Thu Lũm với diện tích khoảng 40 – 50 ha trong giai đoạn 2020 - 2025.

Việc xây dựng thương hiệu và tìm đầu ra cho sản phẩm ớt trung đoàn đã được các cấp chính quyền và cơ quan chuyên môn của huyện Mường Tè đặc biệt quan tâm. Năm 2021, xã Thu Lũm có 2 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao là ớt trung đoàn ngâm dấm của Hợp tác xã Thanh Nga và thảo quả. Trong đó, ớt trung đoàn ngâm dấm là một trong những sản phẩm OCOP được nhiều người ưa chuộng bởi có độ cay và hương vị rất đặc trưng, do người bản địa trồng và chăm sóc, đảm bảo các yếu tố an toàn thực phẩm.

Đại diện Hợp tác xã Thanh Nga chia sẻ: Sau khi có chứng nhận OCOP 3 sao, sản phẩm ớt trung đoàn đã tạo dựng được niềm tin đối với khách hàng trong và ngoài tỉnh từ chất lượng đến mẫu mã sản phẩm. Để giải quyết đầu ra cho bà con cũng như đưa ớt trung đoàn tới mọi miền Tổ quốc, hợp tác xã đã tăng cường thu mua sản phẩm từ bà con các bản. Hiện trung bình mỗi tháng hợp tác xã thu mua gần 5 tạ ớt, giải quyết phần lớn đầu ra cho bà con Thu Lũm.

Ớt trung đoàn - đặc sản của đồng bào dân tộc Hà Nhì

Đặc sản nơi thượng nguồn Đà Giang

Bên cạnh đó, huyện Mường Tè đã thành lập các đoàn có sự tham gia của cấp ủy, chính quyền, người dân 2 xã đi học hỏi kinh nghiệm từ các tỉnh bạn; tổ chức vận động các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào phát triển sản phẩm ớt trung đoàn tại địa phương. Tuy nhiên, đến nay, việc tổ chức liên kết để doanh nghiệp và người dân tham gia trồng, chế biến ớt trung đoàn vẫn chưa thực hiện được với nhiều lý do, trong đó khó khăn về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng kỹ thuật…

Để cây ớt trung đoàn phát triển ổn định và bền vững cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp chính quyền trong xây dựng thương hiệu và tìm đầu ra. Đồng thời, cần tổ chức hiệu quả việc liên kết giữa giữa doanh nghiệp với người dân nhằm áp dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để ớt trung đoàn và các sản phẩm được chế biến từ ớt đến với người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Xây dựng cơ chế thu hút các tổ chức doanh nghiệp đầu tư nguồn lực hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng các cơ sở chế biến tại địa phương cũng như tìm đầu ra bền vững cho các sản phẩm ớt trung đoàn.

Sản phẩm ớt trung đoàn Mường Tè của HTX Thanh Nga đã được công nhận là sản phẩm OCOP của tỉnh Lai Châu.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...