Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cây cà phê, cây công nghiệp chủ lực của tỉnh Sơn La

Sau nhiều thăng trầm, cây cà phê (Sơn La) giờ đây đã trở thành cây công nghiệp chủ lực, có giá trị kinh tế cao, giúp bà con nơi đây xóa đói giảm nghèo bền vững.

Sau hàng chục năm phát triển cây cà phê, tỉnh Sơn La hiện là địa phương có diện tích cà phê lớn nhất miền Bắc, với trên 17.000 ha, sản lượng khoảng 30.000 tấn cà phê nhân/năm.

Cây cà phê, cây công nghiệp chủ lực của tỉnh Sơn La

Cây cà phê, cây công nghiệp chủ lực tỉnh Sơn La

Đặc biệt, từ năm 2017, cây cà phê Sơn La có bước chuyển mình mạnh mẽ, khi được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Cà phê Sơn La” cho các loại sản phẩm: Cà phê nhân, cà phê hạt rang và cà phê bột; có 1 sản phẩm cà phê đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia năm 2021; trở thành những sản phẩm đặc sản vùng miền, được thị trường trong và ngoài nước đánh giá cao.

Hiện nay cây cà phê được trồng tập trung ở các huyện Mai Sơn, Thuận Châu, Sốp Cộp, Yên Châu và thành phố Sơn La. Sau nhiều thăng trầm, cây cà phê Sơn La đã khẳng định được thương hiệu và có giá trị kinh tế cao.

Cây cà phê, cây công nghiệp chủ lực của tỉnh Sơn La

Những cây cà phê sai trĩu quả được trồng tại Sơn La

Đến với vùng đất Sơn La ta có thể nhận thấy, trên khắp các nương đồi trước đây trồng ngô, trồng sắn, giờ đây được phủ màu xanh bát ngát, trĩu quả của cây cà phê. Từ khi chuyển đổi sang trồng cây cà phê, bà con dân bản tỉnh Sơn La ai cũng phấn khởi. Không chỉ đem lại giá trị kinh tế, cây cà phê còn phủ xanh đất trống đồi trọc, không còn thấy cảnh từng quả đồi trơ trọi sau mỗi vụ thu hoạch sắn, ngô.

Cây cà phê, cây công nghiệp chủ lực của tỉnh Sơn La

Người dân thu hái cà phê

Anh Lò Văn Chắp, bản Sàng Nà Tre, xã Chiềng Ban huyện Mai Sơn tỉnh Sơn La phấn khởi: Cây cà phê được bà con chúng tôi đưa vào trồng từ những năm 1994, qua nhiều năm mở rộng diện tích, đến nay, diện tích cà phê của gia đình tôi hơn 2 ha, năng suất ước đạt trên 10 tấn quả tươi/ha/năm. So với các loại cây trồng trước đây như ngô, sắn thì cây cà phê đem lại hiệu quả hơn hẳn. Nhờ trồng cây cà phê, cuộc sống của gia đình tôi đã khấm khá hẳn lên có của ăn của để.

Còn với ông Hoàng Văn Chứng, bản Thộ, xã Chiềng Ban huyện Mai Sơn, có hơn 2,5 ha cà phê, mỗi năm thu được từ 20 - 30 tấn quả cà phê tươi, thu về hơn 200 triệu đồng. Ông Chứng, chia sẻ: Nhận thấy nhiều hộ dân trong bản trồng cà phê cho thu nhập ổn định, gia đình tôi đã chuyển đổi hơn 2 ha đất nương trồng lúa, ngô sang trồng cây cà phê. Dự kiến hết vụ năm nay, gia đình sẽ thu được khoảng 30 tấn quả cà phê tươi, với giá như hiện tại sẽ thu khoảng 400 triệu đồng. Nhờ trồng cà phê, gia đình tôi đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng từ cây cà phê.

Là một trong những hộ nông dân sản xuất cà phê tiêu biểu của thành phố Sơn La, anh Bùi Văn Thắng ở xã Hua La cho biết: Gia đình anh có 1 ha cà phê được trồng từ năm 1993. Qua thời gian, diện tích cây cà phê già cỗi, nên năm 2014, gia đình anh đã đốn trẻ hóa vườn cà phê. Nhờ trồng đúng kỹ thuật, chăm sóc đúng cách nên vườn cà phê của gia đình anh phát triển tốt, cho năng suất cao và thu hoạch ổn định 6 năm. Bình quân hằng năm, vườn cà phê gia đình anh cho thu hoạch 15 tấn quả tươi/năm; tổng thu ước đạt trên 200 triệu đồng/năm.

Không chỉ có các hộ gia đình trồng cà phê, trên địa bàn tỉnh Sơn La hình thành mạng lưới các Hợp tác xã (HTX), các doanh nghiệp cùng duy trì, phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê. Ông Nguyễn Xuân Thao, Giám đốc HTX Cà phê Bích Thao Sơn La cho biết: Trước đây, đời sống người dân trong vùng vô cùng khó khăn, thiếu thốn trăm bề, cuộc sống chỉ quanh quẩn với cây ngô, củ sắn mà luôn trong tình trạng thiếu ăn. Từ khi cây cà phê bén duyên với mảnh đất này, mang lại giá trị kinh tế cao hơn so với những cây trồng kém hiệu quả trước đây, người dân cũng bắt đầu mơ về sự đổi đời với cuộc sống đủ đầy hơn.

Cây cà phê, cây công nghiệp chủ lực của tỉnh Sơn La

Đầu tư máy móc hiện đại để chế biến cà phê nguyên chất

Từ những năm 90 của thế kỷ trước HTX Cà phê Bích Thao đã đưa vào sản xuất giống mới và tập trung phát triển dòng cà phê hữu cơ, cà phê đặc sản. Đến nay, HTX đã trồng được 150 ha cà phê đặc sản. Đồng thời, đầu tư hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất ứng dụng khoa học công nghệ. Hướng đi này giúp HTX có những sản phẩm chất lượng cao, như: Cà phê bột nguyên chất, trà quả cà phê… Trong đó, cà phê bột nguyên chất của HTX là sản phẩm duy nhất của tỉnh thuộc top 20 sản phẩm OCOP 5 sao cấp Quốc gia. Ông Thao bật mí: Cà phê giống mới đã được nghiên cứu là chống được biến đổi khí hậu, kháng được bệnh, gen của nó 100% là cà phê arabica (cà phê chè). Nhận thấy nhu cầu từ trong nước đến thị trường châu Âu đều ưa chuộng cà phê đặc sản, từ năm 2018, HTX đã mời các chuyên gia nước ngoài về tập huấn cho thành viên HTX. Đồng thời đón đầu phương pháp chế biến cà phê mật ong không sử dụng nước, vỏ làm trà xuất khẩu, giá trị cao hơn, thân thiện với môi trường.

Cây cà phê, cây công nghiệp chủ lực của tỉnh Sơn La

Cây cà phê, cây công nghiệp chủ lực của tỉnh Sơn La

Nhiều sản phẩm cà phê đặc sản chất lượng cao

Từ sứ mệnh xóa đói giảm nghèo, đến nay cây cà phê Sơn La đang dần khẳng định vị trí là cây trồng chủ lực, mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ nông dân trong tỉnh. Nhiều sản phẩm cà phê đặc sản, cà phê chất lượng cao từng bước chinh phục các thị trường khó tính, góp phần khẳng định hình ảnh, thương hiệu cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...