Nông dân xuống đồng chọn ngày 'lấy may'
Từ mùng 5 Tết, người dân Hà Tĩnh, Quảng Bình tranh thủ thời gian nắng ráo xuống đồng thăm ruộng, lấy nước chăm sóc lúa xuân để chọn ngày “lấy may”.
Đối với nhiều bà con nông dân, ra đồng đầu năm không chỉ bắt đầu công việc đồng áng bận rộn mà còn là ngày “lấy may” trong năm mới, cầu cho mọi việc hanh thông, thuận lợi, mùa màng tốt tươi. Người đi “thăm lúa”, người mở chăn thả trâu, bò để đàn vật nuôi đi tìm thức ăn tươi.
Tại Hà Tĩnh, các vùng trồng lúa đã hoàn thành gieo cấy từ ngày 15 tháng Chạp, đến nay lúa đã phát triển được 5 lá. Điều khiến bà con phấn khởi là dù thời gian qua có mưa rét nhưng lúa vẫn lên đều.
Để lúa phát triển đều và đẹp, người nông dân phải luôn quan tâm đến mức nước trên ruộng lúa và sâu bệnh hại vì thời tiết nắng ấm giúp lúa phát triển tốt nhưng đi theo đó là sâu bệnh hại cũng phát triển gây ảnh hưởng đến mầm và lá mạ non.
Người nông dân tranh thủ thời tiết nắng ấm ra đồng dắm lúa xuân |
Ông Nguyễn Quang Toản ở xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh) cho biết: “Đã khá lâu rồi người dân mới đón một cái Tết lạnh như năm nay. Nhưng chính ra tiết trời này lại rất thuận lợi cho sự sinh trưởng của lúa. Lúa đạt độ 5 - 7 lá là có thể tiến hành tỉa dặm để kịp thời bón thúc đợt 1, giúp lúa bước vào kỳ đẻ nhánh”.
So với những địa phương ven biển như Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, thành phố Hà Tĩnh thì các vùng ngoài như Quảng Đông, Ròn… tỉnh Quảng Bình, thời tiết dù lạnh nhưng ít mưa, điều này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nông dân ra đồng đầu năm.
Bà Liên ở xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình) chỉ tay về cánh đồng lúa nói: “Gia đình tôi tranh thủ ra đồng từ ngày mùng 4 Tết là ngày Mậu Tý, đúng tiết lập Xuân, tốt cho một năm làm ăn nên đa số nông dân đều chọn ngày này xuất hành hay khai trương...".
"Vùng đất canh tác của gia đình tôi ở vùng khô, đồng ruộng thường xuyên bị thiếu nước, mấy ngày Tết thời tiết hanh khô khiến nước rút nhanh đã ảnh hưởng ít nhiều một số lúa vừa gieo. Gia đình tôi làm 6 sào, đã hoàn thành gieo từ ngày 20 tháng Chạp, do mấy ngày trước Tết thời tiết nắng, hanh khô nên có khoảng 1,5 sào lúa không nảy mầm đều, vì vậy từ mùng 4 Tết tôi phải cấy dặm lại. Cũng may, chúng tôi chủ động gieo cấy dày nên bây giờ đủ lúa non để cấy dặm", bà Liên cho biết thêm.
Nhiều người dân quan niệm chọn ngày ra đồng để "lấy may" |
Tại huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh người nông dân cũng đã tập trung ra đồng sau những ngày nghĩ Tết cổ truyền để xuống giống trồng lạc vì thời tiết đang hửng nắng ráo và ấm dần.
Anh Trần Văn Hiếu - Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Lộc Hà cho biết: “Năm nay, địa phương chúng tôi có kế hoạch sản xuất 197 ha lạc vụ xuân. Trong Tết, bà con đã xuống giống được khoảng 70% diện tích chủ yếu những vùng cồn cao; số diện tích còn lại ở các vùng đồng thấp đã cơ bản chuẩn bị xong các khâu cày bừa, chờ nắng ấm là bà con xuống giống”.
Công tác chuẩn bị để xuống giống lạc vụ xuân được người dân sẵn sàng. |
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thạch Lộc Nguyễn Khắc Phong thông tin: “Vụ xuân này, toàn xã sẽ trồng 180 ha lạc. Do đại đa số đất màu của xã đều ở vùng cồn cao, khô ráo nên đến thời điểm này, bà con đã xuống giống được khoảng 80%. Hiện, chúng tôi đang tập trung đôn đốc, chỉ đạo bà con thăm đồng để bảo vệ số diện tích đã xuống giống và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để khi thời tiết nắng ấm là xuống giống hết 20% diện tích còn lại”.
Theo dự báo thời tiết, tại Hà Tĩnh đã giảm mưa và dự báo thời tiết sẽ tốt hơn từ ngày mùng 6 Tết. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để bà con nông dân các địa phương tập trung chăm sóc, tỉa dặm cho lúa xuân, trồng, trỉa lạc ngô… và cũng là bắt đầu một năm lao động mới của bà con nông dân nhiều niềm vui và kỳ vọng tốt đẹp.