Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tận dụng lông gà sản xuất phân bón hữu cơ sinh học

TS. Tạ Ngọc Ly cùng các cộng sự tại Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng đã xây dựng và hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ sinh học từ lông gà – một loại phế phẩm của công nghiệp chế biến gia cầm.

Công nghệ sinh học và các ứng dụng của nó đang ngày càng trở nên quen thuộc đối với chúng ta. Không chỉ giúp nâng cao giá trị gia tăng cho các phế phụ phẩm giá trị thấp, công nghệ sinh học còn giúp đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường, giảm giá thành sản phẩm và đặc biệt, góp phần giải quyết ô nhiễm môi trường. Nhằm tận dụng những lợi ích của công nghệ sinh học mang lại, TS. Tạ Ngọc Ly - Khoa Hóa, Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng – đã nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất phân bón hữu cơ từ lông gà – loại phế phẩm thường bị bỏ đi, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Theo TS. Tạ Ngọc Ly, lông gà chứa hàm lượng protein rất cao nên có thể tận dụng làm nguồn bổ sung protein cho thức ăn chăn nuôi hoặc làm phân bón cho cây trồng. Điều đáng nói là hiện tại vẫn chưa có nghiên cứu nào về sản xuất phân bón sinh học từ lông gà thải cũng như chưa có sản phẩm phân bón sinh học từ lông gà trên thị trường. “Do đó, việc tiến hành nghiên cứu sản xuất phân hữu cơ sinh học từ lông gà thải nhằm ngăn ngừa ô nhiễm trong hoạt động giết mổ gia cầm sẽ là một hướng đi đầy tiềm năng” – TS. Tạ Ngọc Ly phân tích.
Lông gà thường được thải ra và vứt bỏ chung với rác thải sinh hoạt gây ô nhiễm môi trường. (Ảnh: Blogspot)
Sau nhiều tháng nỗ lực nghiên cứu, tìm tòi với nhiều khó khăn, cuối cùng, nhóm thực hiện đã xây dựng thành công quy trình công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ từ lông gà. Cụ thể, nguyên liệu lông gà sau khi được thu gom từ các cơ sở giết mổ gia cầm được ủ lên men với các cơ chất phù hợp gồm cám gạo, tro trấu, mùn dừa, bột mì, bột ngô… Hoạt động ủ phân này được tối ưu hóa với hai thông số là lượng vôi bổ sung và độ ẩm.
Thiết bị để ủ lông gà là một chiếc thùng kết hợp trống xoay với lưới sàng. Nhóm ngiên cứu tạo một lớp đệm nuôi cấy vi sinh vật là Bacilus subtilisStreptomyces sp. Hai chủng vi sinh vật này được đưa vào trống xoay ủ trước trong 3 - 4 ngày cho hệ vi sinh vật phát triển ổn định. Sau đó, bổ sung lông gà vào trong trống và xoay cho trống quay đảo trộn 2- 3 ngày/lần. Kết quả, chỉ sau 20 ngày, quá trình ủ phân đã hoàn tất. TS. Tạ Ngọc Ly cho hay, phân sẽ đi qua lưới sàng, phần nào lọt qua lưới sàng xuống phía dưới thì phần đó đã phân hủy và có thể thu thập, sử dụng vào việc bón cây. Những phần còn lại nằm ở trên lưới thì nhóm nghiên cứu sẽ bỏ lại vào thùng để nó tiếp tục lên men.
Phân bón sản xuất từ lông gà không có mùi, màu đen sậm, mịn, chất lượng tốt. (Ảnh: https://khoahocphattrien.vn/)
Nhằm tối ưu hóa quá trình ủ trộn, TS. Ly cùng các cộng sự tiếp tục thử nghiệm nhiều công thức khác nhau. Cuối cùng, nhóm nhận thấy, với tỷ lệ cám gạo 20%, tro trấu 5%, mùn dừa 25%, lông gà 50% sẽ cho hiệu quả xử lý và hàm lượng vi sinh vật cao nhất. Đồng thời, công thức này còn cho hàm lượng carbon nitro phù hợp với chỉ tiêu chất lượng của phân bón tiêu chuẩn Việt Nam.
Để tìm hiểu hiệu quả của phân bón sản xuất từ lông gà, nhóm tiến hành thử nghiệm trên cây cải. So sánh với nhóm đối chứng là cây không bón phân và cây bón phân sinh học mua trên thị trường, phân sản xuất từ lông gà thải cho cây có chiều cao, số lá, chiều dài rễ tốt hơn hẳn, đặc biệt, năng suất thực tế của sản lượng cây trồng tăng lên 30 đến 50%.
Với quy trình đơn giản, cho sản phẩm phân bón hữu cơ không tạo mùi hôi, chất lượng tốt, TS. Tạ Ngọc Ly hi vọng công nghệ sản xuất phân bón từ lông gà sẽ được chuyển giao cho các hộ nông dân hoặc các hợp tác xã sản xuất ở quy mô lớn hơn, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao năng suất cây trồng.
Lông gà là một loại phế phẩm của công nghiệp chế biến gia cầm với khối lượng lên đến hàng ngàn tấn/năm. Mặcvậy, lông gà rất khó phân hủy tự nhiên do keratin từ lông ggà vốn là protein có cấu trúc dạng sợi có độ bền cơ học cao. Do đó, nếu chỉ chôn xuống dất mà không có phương pháp xử lý hợp lý thì lâu dần sẽ tạo ra môi trường vi khuẩn độc hại và bốc mùi, gây ô nhiễm môi trường. 
Bích Phương
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...