Nông dân Nghệ An bám đồng chống rét cho cây trồng
Bất chấp thời tiết rét đậm, rét hại, nhiệt độ xuống sâu chỉ còn 8-10 độ C, nông dân vẫn tích cực bám đồng chăm sóc, theo dõi cây trồng nhằm có biện pháp khắc phục kịp thời.
Gia đình bà Nguyễn Thị Hương ở xã Quỳnh Hồng trồng 5 sào lúa Long Hương, 9h sáng, khi trời đỡ rét hơn, bà tất tả ra đồng để tháo nước từ kênh cho chảy vào ruộng nhằm giữ ấm cho cây lúa. Trong 2 ngày qua, nhiệt độ xuống thấp dưới 12 độ C khiến gia đình bà vô cùng lo lắng khi diện tích lúa xuân mới kịp bén rễ.
Bà Hương cho biết: “Chưa năm nào ra Tết lại có đợt rét đậm, rét hại như hiện giờ. Cây lúa đang trong quá trình phát triển nếu không chăm bón cẩn thận sẽ còi cọc, giảm năng suất, thậm chí chết rét. Theo kinh nghiệm lâu nay là dẫn nước vào ruộng để làm ấm cho cây lúa; đồng thời kiểm tra xem vùng nào bị thưa lúa thì dặm lại; tập trung diệt chuột và ốc bươu vàng cắn phá”.
Vụ xuân năm 2022, toàn huyện Quỳnh Lưu gieo trồng 7.500 ha lúa. Để cây trồng vụ xuân phát triển tốt, khỏe mạnh và hạn chế dịch bệnh xảy ra, huyện đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành liên quan tăng cường công tác tuyên truyền để người dân tích cực bám đồng, chăm sóc và kịp thời chống rét cho cây trồng.
Ông Trần Đức Hữu - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Hậu cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của các ngành chức năng huyện, địa phương tập trung công tác tuyên truyền, chỉ đạo HTX Dịch vụ nông nghiệp Phú Thành hướng dẫn bà con cách phòng, chống rét cho lúa xuân. Việc quan trọng ngay bây giờ là bà con cho nước vào ruộng, để mực nước trong ruộng luôn ở mức 1/2 cây lúa nhằm giữ ấm cho cây lúa và giúp bộ rễ phát triển”.
Bên cạnh chăm sóc, bảo vệ lúa xuân, bà con vùng bãi ngang Quỳnh Lưu cũng đang ra đồng chăm sóc hơn 700 ha rau màu chuyên canh. Người dân bám đồng làm cỏ, xịt tưới nước trên mặt lá nhằm giảm tác động của sương muối. Đồng thời, bón phân kali giúp cây rau màu tăng khả năng chống rét.
Ngoài các biện pháp chống rét trên, theo các hộ trồng rau màu ở huyện Quỳnh Lưu có trồng các loại rau màu như hành, ớt, cà chua, khoai tây xuân, bắp cải, su hào, súp lơ... khi thời tiết có rét đậm, rét hại cũng tăng cường giữ ẩm và phun chế phẩm sinh học cho rau màu 5 - 10 ngày/lần để tăng khả năng chống chịu rét, sinh vật gây hại.
Ở vùng bãi bồi ven sông Lam hiện cây lạc xuân đang bắt đầu lên xanh, trong những ngày nhiệt độ xuống thấp, người dân vẫn bám đồng bãi để theo dõi sự phát triển của cây lạc.
Nhanh tay nạo vét để tháo nước ra khỏi các luống lạc, ông Trịnh Xuân Hướng ở xã Châu Nhân (Hưng Nguyên) cho biết: “Lạc phủ ni lông nên khả năng chống chịu rét cũng tốt hơn. Hiện phải tháo kiệt nước ở các rãnh, tránh nước đọng làm úng rễ, héo cây; chỗ nào cây lạc chưa vượt ra khỏi ni lông thì chọc thủng để cây lạc quang hợp, phát triển. Đồng thời kiểm tra để dằn dém lại những chỗ nilông bị tuột; xới nhẹ lớp đất mặt để cây thoáng, không bị nghẹt rễ”.
Hiện nay, toàn tỉnh đã khép kín gần 10.000 ha lạc xuân ở các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu và các huyện có vùng đất bãi ven sông. Thời điểm rét đậm, rét hại, bà con nông dân đang tập trung tháo rút nước, xới đất, làm tan váng và kiểm tra những cây lạc bị chết, bị chuột cắn phá để ủ giống, trỉa dặm khi nắng ấm trở lại.