Kết nối doanh nghiệp kiều bào, thúc đẩy thương mại và đầu tư ngành Nông nghiệp
Dù ở xa quê hương, mỗi người Việt đã và đang trở thành cầu nối quan trọng, giới thiệu với bạn bè thế giới các sản phẩm nông sản của Việt Nam cũng như đưa đầu tư nước ngoài vào trong nước.
Thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện có trên 5 triệu Việt kiều sinh sống và làm việc tại 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đến nay, đã có khoảng 3.500 dự án, doanh nghiệp do kiều bào thành lập hoặc góp vốn tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký lên đến 11 tỷ USD, trong đó có rất nhiều kiều bào đã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Theo lãnh đạo Bộ Ngoại giao tại “Diễn đàn Kết nối Doanh nghiệp kiều bào, thúc đẩy thương mại và đầu tư ngành Nông nghiệp”, một số trung tâm thương mại, chợ Việt Nam có quy mô lớn và còn nhiều dư địa để hợp tác trong nước. Ngoài ra, nhiều kiều bào đã về nước đầu tư, kinh doanh, phát triển các sản phẩm công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; tạo thêm cơ hội việc làm cho lao động địa phương; đóng góp vào công cuộc bảo tồn nông sản quý và phát triển các giống cây trồng cho năng suất cao.
Một số trung tâm thương mại, chợ Việt Nam có quy mô lớn và còn nhiều dư địa (Ảnh minh họa: Đỗ Đạt) |
Tuy nhiên, hiện nay mối liên kết giữa cộng đồng người Việt ở châu Âu với các doanh nghiệp trong nước đang còn lỏng lẻo, dẫn tới việc các doanh nghiệp đang đánh mất rất nhiều cơ hội kinh doanh. Ông Diệp Văn Tỷ, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Thụy Điển chia sẻ: “Hiện nay sản phẩm mì ăn liền của Việt Nam đang gặp phải khó khăn tại thị trường Bắc Âu do chưa đủ tiêu chuẩn về những hóa chất trong thành phần. Tôi rất mong Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương sớm giải quyết vấn đề này”.
Ông Võ Văn Long, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Đức, đồng thời là Chủ tịch Tập đoàn Thăng Long thì cho rằng, thế mạnh của Việt Nam là có cộng đồng hơn 220.000 người Việt đang sinh sống ở Cộng hòa Liên bang Đức. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay, tại thị trường Đức, tất cả các mặt hàng nông sản đều tăng giá ít nhất 30%, đây là một cơ hội để hàng Việt Nam sang Đức. Các doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu sang Đức một cách ngắn nhất, tiết kiệm nhất thì phải kết hợp với Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Đức, và các doanh nghiệp của người Việt tại Đức là cầu nối, là điểm giao hàng, điểm có thể tiếp cận được thị trường Đức.
Ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc điều hành Meet More Coffee cho rằng, nên giao chỉ tiêu cho phòng thương mại ở nước sở tại về việc phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước xúc tiến thương mại nông sản; đồng thời xây dựng các phòng trưng bày về nông sản Việt; liên kết các hội cựu sinh viên, cộng đồng người Việt tại nước sở tại. Với Hiệp hội doanh nghiệp ở nước ngoài, cần xây dựng các trung tâm xúc tiến thương mại, tổ chức kết nối thường xuyên với các hiệp hội doanh nghiệp trong nước để nắm bắt và tổ chức được các buổi giao thương, nâng cao nhận thức cho cộng đồng người Việt khi sử dụng hàng Việt Nam.
Chia sẻ những kinh nghiệm để đưa nông sản vào thị trường Hoa Kỳ và cách thức hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước về tiếp cận thị trường này, bà Jolie Nguyễn, CEO Công ty LNS US LLC - Hoa Kỳ, nhận định: Việc Trung Quốc đang dần bị loại ra khỏi thị trường Hoa Kỳ là cơ hội lớn cho Việt Nam do sức mua của thị trường Hoa Kỳ đang rất lớn, giá cả đang có xu hướng tăng. Ngoài ra nhu cầu và tập quán tiêu dùng đa dạng, môi trường và chính sách rất thuận lợi. Bà Jolie Nguyễn cũng cho rằng các doanh nghiệp cần phải hiểu rõ luật tiểu bang, liên bang và các quy định riêng của ngành tại thị trường Hoa Kỳ.
Tiến sĩ Hoàng Mạnh Huê, Chủ tịch Liên hiệp Hội doanh nghiệp Việt Nam tại châu Âu nhận định, Việt Nam có nguồn nông lâm sản phong phú, đa dạng, có tiềm năng rất lớn để xuất khẩu vào các nước châu Âu. Do đó, các doanh nghiệp trong nước ngoài việc bán hàng trực tiếp cho các doanh nghiệp của các nước sở tại, cần phải hướng tới chinh phục được thị trường này.
Để làm được điều đó, các doanh nghiệp cần tìm hiểu thị trường, pháp luật, văn hóa… Cộng đồng người Việt Nam ở châu Âu sẽ là nguồn thông tin hết sức quý giá, sẵn sàng cung cấp thông tin xác thực, nhanh chóng cho các doanh nghiệp trong nước, sẵn sàng là cầu nối giữa các doanh nghiệp trong nước với các đơn vị phân phối ở châu Âu.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, những kiều bào ở khắp nơi trên thế giới là những người hiểu biết tường tận văn hóa, lịch sử, tập tục, nhu cầu, yêu cầu, tiêu chuẩn của những nước sở tại. Chúng ta phải bán những thứ thế giới cần chứ không phải bán những thứ chúng ta có. Và thế giới cần những gì, như thế nào, những con người của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ không thể biết nếu không có sự hỗ trợ của cộng đồng kiều bào khắp nơi trên thế giới.
"Tôi có nỗi đau đáu khi nông sản Việt vẫn cứ phải vật lộn trên thị trường quốc tế trong khi những sản phẩm nông nghiệp của Hàn Quốc, Nhật Bản, Israel “đàng hoàng, chễm chệ” trên quầy siêu thị trên thế giới. Chúng ta cần làm một điều gì đó mới mẻ, mạnh mẽ hơn; cần nhanh chóng tích hợp những ý kiến tâm huyết của cộng đồng kiều bào tại diễn đàn; đồng thời cần phải có những tư duy mới của những quốc gia có nền nông nghiệp hiện đại bằng việc kết hợp sự thay đổi trong nước với tâm huyết, khát vọng của bà con kiều bào", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.