A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng cao giá trị cây quế để phát triển bền vững- Bài 3: Thay đổi từ tư duy, nhận thức

Để phát triển cây quế Việt, chuyên gia khuyến cáo rằng các doanh nghiệp, người dân cần thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức về phát triển bền vững.

Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tạo nên vị cay đặc trưng, nâng cao giá trị, trên thế giới chỉ có 5 quốc gia có quế đó là Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia, Madagascar và Sri Lanka. Trong khi Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia trồng giống quế Casisa thì tại Sri Lanka, Madagascar trồng giống quế Ceylon. Hiện nay, cầu lớn hơn cung, thị trường đang có lợi cho phía sản xuất. Nâng cao giá trị, nâng tầm cho cây quế Việt Nam, bà Sibylle Bachmann - Phó Giám đốc Văn phòng hợp tác Thụy Sĩ tại Việt Nam đã có cuộc trao đổi về vấn đề này với Báo Công Thương.

Nâng cao giá trị cây quế để phát triển bền vững
Nâng cao giá trị cây quế để phát triển bền vững. Nguồn ảnh Oxfam

Giai đoạn hậu Covid-19, các doanh nghiệp ngành hàng gia vị nói chung và ngành quế nói riêng có những cơ hội và thách thức gì, thưa bà?

Theo tôi, những thách thức này đến không chỉ sau Covid-19 mà ngay trước Covid-19 cũng đã có đối với ngành hàng gia vị xuất khẩu, đặc biệt là đối với ngành quế Việt Nam. Cụ thể là các vấn đề về rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật, các tiêu chuẩn về bền vững. Và đặc biệt, trong thời gian Covid-19 cũng đã có rất nhiều những gián đoạn về chuỗi cung ứng, đặc biệt là việc vận chuyển, đi lại nên có nhiều doanh nghiệp không có cơ hội tiếp cận, tham gia các triển lãm, hội chợ. Đây cũng là một trong những bất lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc duy trì các mối quan hệ với các đối tác mua hàng.

bà Sibylle Bachmann, Phó Giám đốc Văn phòng hợp tác Thụy Sĩ tại Việt Nam
Bà Sibylle Bachmann, Phó Giám đốc Văn phòng hợp tác Thụy Sĩ tại Việt Nam

Vậy theo bà, doanh nghiệp phải làm gì để phát triển bền vững và tiến sâu vào các thị trường khó tính như Mỹ, EU?

Tôi nghĩ rằng các doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn vừa qua cũng đã có những thành công nhất định và họ cũng đã tiến được vào các thị trường cao cấp. Tuy nhiên, cơ hội và tiềm năng vẫn còn rất lớn.

Để tiếp tục tham gia vào các thị trường cao cấp như thị trường EU thì tiêu chuẩn không chỉ là bền vững mà còn là các tiêu chuẩn liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học trong phát triển cây quế hay các cây gia vị của Việt Nam cũng có 1 vai trò rất quan trọng.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần phải hiểu rõ được các yêu cầu của thị trường. Đây vẫn đang là điểm yếu của các doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn hiện nay cần tiếp cận thông tin cũng như tìm hiểu thị trường để đưa ra những quyết định về xuất khẩu phù hợp nhất.

Bà có khuyến nghị gì cho chính quyền các địa phương và nông dân?

Khuyến nghị mà tôi muốn đưa ra cho chính quyền địa phương, nông dân sản xuất quế và các nhà chế biến đó là nâng cao nhận thức về phát triển bền vững, trong đó có vai trò về bảo vệ môi trường và bảo vệ nguồn đa dạng sinh học. Chỉ khi họ có nhận thức tốt về vấn đề phát triển bền vững thì mới có thể đưa ra được các chính sách, các phương pháp sản xuất và chế biến đạt các chứng nhận về hữu cơ, bền vững và tham gia vào thị trường xuất khẩu.

Việc tuân thủ các tiêu chuẩn bền vững đóng vai trò rất quan trọng để các mặt hàng của Việt Nam như quế có thể thâm nhập thị trường toàn cầu.
Việc tuân thủ các tiêu chuẩn bền vững đóng vai trò rất quan trọng để các mặt hàng của Việt Nam như quế có thể thâm nhập thị trường toàn cầu

Được biết, thời gian vừa qua, Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) hỗ trợ phát triển ngành quế thông qua dự án Thương mại sinh học (dự án BioTrade), bà có thể chia sẻ thêm về việc này?

Việc tuân thủ các tiêu chuẩn bền vững đóng vai trò rất quan trọng để các mặt hàng của Việt Nam như quế có thể thâm nhập thị trường toàn cầu. Việc tuân thủ các tiêu chuẩn này không chỉ góp phần bảo tồn đa dạng sinh học mà còn tạo ra sinh kế bền vững hơn và tạo thêm việc làm cho cộng đồng người địa phương. Điều này hoàn toàn phù hợp với Chương trình hợp tác và phát triển kinh tế Thụy Sĩ, với mục tiêu hỗ trợ Việt Nam đạt được tăng trưởng bền vững toàn diện. BioTrade là một trong những dự án quan trọng trong chương trình phát triển này.

Với dự án BioTrade, chúng ta thấy tác động rất rõ đó là về mặt môi trường. Đó là việc trồng quế cũng có thể tạo dựng được những cánh rừng có tác động về bảo tồn, đa dạng sinh học tại các vùng mà dự án triển khai như Yên Bái, Lào Cai, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Cao Bằng Thanh Hóa. Bên cạnh đó, đem lại những lợi ích về mặt kinh tế, xã hội, tạo công ăn việc làm cũng như những nguồn sinh kế bền vững cho người nông dân, cải thiện đời sống cho người nông dân tại vùng trồng quế này.

Đặc biệt, nhận thức trong toàn chuỗi giá trị đã được nâng tầm. Từ đó, đã được lồng ghép vào các chương trình đào tạo cho những người trồng quế và cho các doanh nghiệp. Với những chương trình đào tạo này đã mang lại những ích rất cụ thể, như đối với 2 doanh nghiệp mà chúng tôi hỗ trợ như Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà và Công ty Cổ phần Sản xuất và xuất khẩu quế hồi Việt Nam, riêng năm ngoái, tổng doanh thu xuất khẩu của họ đã đạt được 9 triệu USD. Đây là một thành quả vô cùng khích lệ đối với các nhà sản xuất và xuất khẩu.

Và ở góc độ thấp hơn, qua dự án BioTrade đã mang lại nguồn lợi rất bền vững cho người nông dân với hơn 7.000 người hưởng lợi (trong đó có hơn 4.000 phụ nữ). Những kết quả đó đã tạo nguồn động viên, khích lệ vô cùng to lớn, tạo động lực cho các doanh nghiệp khác tham gia vào dự án này trong tương lai.

Xin cám ơn bà!

Đối với các tỉnh miền núi phía Bắc, quế là cây trồng lâu năm và là nguồn thu chủ lực của bà con dân tộc Tày, Nùng, Dao... tại các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn… Phát triển sản phẩm quế hữu cơ hướng đến thị trường toàn cầu sẽ là giải pháp quan trọng để đưa hương vị núi rừng của Việt Nam đứng vững trên thị trường quốc tế.

Và khi sản phẩm quế vươn xa ra thị trường nhiều nước, giá trị được nâng tầm, cây quế sẽ không chỉ góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc, mà còn giúp bà con vùng đồng bào dân tộc giảm bớt khó khăn và làm giàu nhờ cây quế. Trong hành trình này rất cần sự chung tay của các tổ chức phi chính phủ, Nhà nước, địa phương, doanh nghiệp và bà con vùng trồng.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết