Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hiệu quả từ liên kết nuôi bò sữa ở thị xã Thái Hòa

Đời sống của các hộ chăn nuôi bò sữa tại thị xã Thái Hòa ngày càng được nâng lên nhờ chính sách liên kết chăn nuôi, hỗ trợ về lãi suất vốn vay, khoa học kỹ thuật, cung ứng con giống và bao tiêu đầu ra sản phẩm.

Năm 2016, từ chính sách hỗ trợ ưu đãi về lãi suất vốn vay của UBND thị xã Thái Hòa, gia đình ông Dương Hoàng Đức ở xóm Phú Mỹ, xã Tây Hiếu (thị xã Thái Hòa) đã mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại để nuôi 5 con bò sữa. Ban đầu, việc chăn nuôi gặp không ít khó khăn bởi thiếu kinh nghiệm chăm sóc. Thế nhưng, với sự hỗ trợ về tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật cũng như phương pháp phòng, chống dịch bệnh của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã đã giúp gia đình ông Đức hiểu hơn về kỹ thuật chăm sóc cũng như thu hoạch sữa.

Quy mô chăn nuôi đàn bò sữa của gia đình ngày một phát triển. Đến nay, trang trại chăn nuôi bò sữa của ông đã có trên 50 con bò, trong đó, có hơn 30 con đang trong quá trình khai thác. Bình quân mỗi ngày cho gia đình thu về khoảng hơn 4 tạ sữa.

Ông Dương Hoàng Đức ở xóm Phú Mỹ, xã Tây Hiếu (thị xã Thái Hòa) đang chăm sóc đàn bò sữa của gia đình. Ảnh: Quang Huy

Ông Đức cho biết: Sau 7 năm nuôi, tôi thấy chăn nuôi bò sữa là hướng đi đúng đắn, mang lại sự phát triển kinh tế ổn định cho gia đình. Trong quá trình chăn nuôi chúng tôi được trao đổi kinh nghiệm, tìm ra hướng giải quyết khi gặp khó khăn, nhờ đó mà chất lượng sữa ngày càng được cải thiện, giá bán ổn định.

Còn với gia đình ông Trần Văn Hải ở khối 4, phường Long Sơn (thị xã Thái Hòa) thì việc chăn nuôi bò sữa thật sự là “cứu cánh” để gia đình ông vươn lên trở thành một trong những hộ khá giả tại phường Long Sơn. Ban đầu cũng từ nguồn hỗ trợ hơn 100 triệu đồng từ vốn vay ưu đãi, gia đình ông quyết định đầu tư nuôi 6 con. Mặc dù có những thời điểm chính bản thân ông cũng bị nao núng bởi việc chăm sóc bò sữa không hề đơn giản. Nhưng với quyết tâm cao, lấy ngắn nuôi dài, cứ thế tổng đàn bò sữa của gia đình ngày càng tăng lên. 

Liên kết chăn nuôi bò sữa mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình ông Trần Văn Hải. Ảnh: Thu Trang

Hiện nay, 22/44 con bò của gia đình đang cho khai thác sữa đều đặn mỗi ngày, với giá bán bình quân giao động từ 12 - 14 nghìn đồng/kg như hiện nay cũng đem lại lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng/năm. Hiệu quả kinh tế từ bò sữa đem lại khá ổn định, gia đình tiếp tục tiếp tục mở rộng quy mô tăng đàn chăn nuôi.

Ông Hải chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi chăn nuôi nhiều loại vật nuôi khác nhau, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Từ khi nuôi bò sữa tôi thấy hiệu quả hơn hẳn so với các loại hình chăn nuôi khác, tôi mong muốn việc liên kết trong chăn nuôi sẽ ngày một bền vững để gia đình tiếp tục mở rộng quy mô trang trại.

Đều đặn mỗi ngày, đàn bò cho 2 lần vắt sữa và được Công ty Sữa Vinamilk thu mua với giá ổn định. Ảnh: Quang Huy

Để kích cầu, giúp các hộ chăn nuôi bò sữa mạnh dạn đầu tư sản xuất, năm 2010, UBND thị xã Thái Hòa đã liên kết cùng Công ty Sữa Vinamilk và hỗ trợ lãi suất về vốn vay, tập huấn kỹ thuật, cung ứng con giống, nguồn thức ăn. Đặc biệt là bao tiêu 100% sản lượng sữa của đàn bò cho các hộ chăn nuôi. Cùng với đó, hàng năm, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thái Hòa cũng đã tiến hành hỗ trợ việc thụ tinh nhân tạo, tiêm vắc-xin phòng, chống dịch… nên đàn bò sữa trên địa bàn thị xã Thái Hòa ngày càng tăng lên.

Đến nay, toàn thị xã có gần 20 hộ chăn nuôi với tổng đàn bò khoảng hơn 300 con. Trong đó, có 240 con bò sữa đang cho khai thác sữa, sản lượng sữa bình quân hàng tháng nhập cho doanh nghiệp khoảng trên 80 tấn sữa tươi. Tính ra, hằng năm người chăn nuôi bò sữa ở TX. Thái Hòa thu về hơn 10 tỷ đồng.

Tổng đàn bò sữa tại thị xã Thái Hòa đang có xu hướng phát triển trong những năm gần đây. Ảnh: Thu Trang

Ông Đặng Thái Hòa - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TX. Thái Hòa khẳng định: Trong những năm qua, chính quyền địa phương, cùng với các cấp, các ngành tại thị xã đã có nhiều chính sách hỗ trợ các hộ chăn nuôi. Nhờ liên kết chăn nuôi bò sữa mà đến nay đời sống kinh tế của các hộ đã được cải thiện đáng kể. Nhiều hộ không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên trở thành hộ khá, giàu.

Đặc biệt, với hướng phát triển này còn giúp người dân trên địa bàn tìm được lời giải cho bài toán phát triển kinh tế hộ; từ đó, giúp bà con dần thay đổi tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, thả rông chuyển sang chăn nuôi tập trung quy mô lớn.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...