Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chế tạo thuốc trừ sâu từ hạt mãng cầu, thầu dầu

Mới đây, nhóm sinh viên Trường Đại học Nông lâm TP. HCM đã nghiên cứu, sử dụng dịch chiết của hạt thầu dầu và mãng cầu tạo ra thuốc trừ sâu sinh học giúp giảm 2,4 lần số lượng sâu bệnh trên cây cải.

Sau hai năm miệt mài nghiên cứu, nhóm sinh viên La Quốc Anh, Ngô Ngọc Tuyền, Nguyễn Thị Mai, Nguyễn Xuân Kỳ đã nghiên cứu thành công thuốc trừ sâu sinh học giúp nông dân giảm số lượng sâu bệnh trên cây cải theo hướng hữu cơ, sinh học.
Nhóm nghiên cứu cho biết, các phụ phẩm nông nghiệp như hạt thầu dầu, mãng cầu, vỏ cam, bã cà phê là những nguyên liệu dễ kiếm, có sẵn trong cuộc sống và chứa các hoạt chất phòng trừ sâu bệnh. Vì vậy, nhóm đã tiến hành thí nghiệm thu thập bốn loại nguyên liệu trên, xay nhuyễn và chiết xuất thành các dịch chiết dạng thô. Để thu được dịch chiết, nhóm sử dụng hai phương pháp là ngâm nguyên liệu trong dung dịch ethanol với tỷ lệ khác nhau trong 24 giờ. Phương pháp khác là trộn nguyên liệu với nước cất rồi đặt trong tủ sấy ở nhiều nhiệt độ khác nhau trong 30 phút. Nguyên liệu sau đó được lọc bằng giấy và thu dịch chiết.
Công đoạn tạo dịch chiết trong phòng thí nghiệm của nhóm. (Nguồn ảnh: https://vnexpress.net)
Để thấy được hiệu quả của dịch chiết, nhóm đã tiến hành trồng và chăm sóc vườn cải trong khoảng 20 ngày, sau đó thả sâu kéo màng (tên khoa học Hellula undalis) để cho chúng phát triển. Sở dĩ, nhóm nghiên cứu chọn loại sâu này bởi khả năng gây hại nhanh, khiến cây không thể phát triển được.
Nhóm đã sử dụng dịch chiết với nhiều nồng độ khác nhau để tưới lên vườn cải nhằm so sánh được hiệu quả của chế phẩm. Kết quả cho thấy, dịch chiết hạt thầu dầu bằng dung môi ethanol 60% phun ở nồng độ 4 phần nghìn, làm giảm tỷ lệ cây bị sâu hại 2,4 lần so với vườn đối chứng không sử dụng thuốc. Dịch chiết hạt mãng cầu với dung môi nước cất ở nhiệt độ 80 độ C phun ở nồng độ 4 phần nghìn làm giảm số lượng sâu 1,7 lần.
Theo sinh viên La Quốc Anh, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, hai loại dịch chiết từ hạt thầu dầu và mãng cầu có thể phát triển thành thuốc trừ sâu thảo mộc, kiểm soát sâu hại trên cây cải theo hướng thân thiện môi trường. Các chế phẩm sinh học này chủ yếu có tác dụng xua đuổi sâu bệnh, chứ không phải tiêu diệt chúng. Đồng thời, nhóm sẽ tiếp tục đánh giá, thử nghiệm trên nhiều loại rau khác, cũng như đánh giá mức độ an toàn của các loại dịch chiết này đối với sức khỏe con người.
Dịch chiết dạng thô của bốn loại nguyên liệu gồm hạt thầu dầu, hạt mãng cầu, vỏ cam và bã cà phê trong phòng thí nghiệm. (Nguồn ảnh: https://vnexpress.net)
Nhận định về kết quả của nhóm, TS. Bùi Minh Trí - Giảng viên hướng dẫn cho hay, mặc dù hướng nghiên cứu này không phải là hướng đi mới, nhưng nghiên cứu này đã được nhóm thực hiện bài bản, dày công vun đắp từ giai đoạn ý tưởng đến thí nghiệm, thử nghiệm thực tế. Vì vậy, đây là nghiên cứu có giá trị, biến những phế phẩm nông nghiệp thành sản phẩm hữu cơ, sinh học, thân thiện với môi trường và sức khỏe con người. Tuy nhiên, nghiên cứu vẫn cần thử nghiệm ở quy mô rộng hơn để đánh giá được khả năng ứng dụng thực tế.
Nhật Quang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...