Hải Phòng: 30 doanh nghiệp Hàn Quốc ký Thỏa ước lao động tập thể
Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng vừa tổ chức Hội nghị ký kết Thỏa ước Lao động tập thể nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc tại Khu công nghiệp Tràng Duệ giai đoạn 2022-2025.
Đại diện các doanh nghiệp và Công đoàn Khu kinh tế ký kết Thỏa ước. |
Bản Thỏa ước bao gồm 10 chương, 24 điều, thời hạn 3 năm, có 30 doanh nghiệp tham gia, đem lại lợi ích cho 9.374 lao động, với 24 nội dung cao hơn luật có lợi cho người lao động như: Tiền lương tháng 13, thử việc thêm ít nhất 1 phụ cấp, thang lương 10 bậc, hỗ trợ làm thứ 7 ít nhất 200% lương cơ bản; Thâm niên 50.000 đồng/tháng hoặc 2-10 triệu đồng/lượt, chuyên cần: 100.000 đồng/tháng; Đảm bảo thời giờ làm việc trong tháng ít nhất có 1 tuần làm việc 40h; Nghỉ ngắn giữa ca: 10 phút, nghỉ hè từ 1-3 ngày; Phúc lợi: Ăn ca: 22.000 đồng, Đi lại: 400.000 đồng, Trung thu: 100.000 đồng, 8/3 hoặc 20/10: 50.000 đồng; Thăm hỏi: Kết hôn: 500.000 đồng, phúng viếng bản thân người lao động: 1-10 triệu, tứ thân phụ mẫu, vợ chồng con: 500.000 đồng;
Hỗ trợ công đoàn: Chủ tịch, Phó Chủ tịch: 26h/tháng; Ủy viên, Tổ trưởng, Tổ phó Công đoàn: 14h/tháng. Bố trí ít nhất 60 phút/lần/năm để tuyên truyền cho người lao động, cam kết đảm bảo việc làm, ưu tiên tái ký hợp đồng khi hết hạn hợp đồng lao động, ưu tiên tuyển dụng đào tạo nghề khi doanh nghiệp thay đổi...
Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Trung Kiên - Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng và ông Nguyễn Anh Tuân - Chủ tịch Liên đoàn lao động Thành phố, đánh giá cao sự phối hợp đồng bộ của các doanh nghiệp, công đoàn, người lao động trong thực hiện ký kết Thỏa ước, mang lại nhiều lợi ích cho người lao động và người sử dụng lao động. Đồng thời mong muốn, sau Thỏa ước Lao động tập thể nhiều doanh nghiệp, Công đoàn Khu kinh tế sẽ nhân rộng tại các khu công nghiệp khác và đề nghị các doanh nghiệp thực hiện đúng cam kết đã ký; các cấp công đoàn theo dõi, giám sát thực hiện Thỏa ước bảo đảm quyền lợi các bên liên quan.
Thỏa ước Lao động tập thể nhiều doanh nghiệp đã tạo mặt sàn ưu đãi chung, hạn chế dịch chuyển lao động, khuyến khích lao động nâng cao chất lượng hiệu quả công việc, ổn định chính sách của doanh nghiệp, người lao động yên tâm làm việc, giảm dần luân chuyển lao động và thúc đẩy quan hệ lao động ổn định. Đồng thời, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và người lao động, giữ chân lao động giai đoạn khó khăn hiện nay và thu hút lao động trong giai đoạn kinh tế hồi phục.
Bản Thỏa ước là cơ sở pháp lý quan trọng để người sử dụng lao động và đại diện tập thể người lao động cam kết thực hiện tốt các nội dung đã thương lượng, kịp thời hạn chế tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể không đáng có xảy ra.