Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tín dụng chính sách “tiếp sức” cho người xuất khẩu lao động

Thời gian qua, xuất khẩu lao động (XKLĐ) được xem là một trong những cách giảm nghèo nhanh chóng và hiệu quả của người dân huyện Cư Kuin. Tuy nhiên đối với người dân vùng nông thôn, khoản chi phí đi XKLĐ thực sự là một gánh nặng.

Chính vì vậy, nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã "tiếp sức", giúp bà con giảm bớt gánh nặng tài chính để có thể đi nước ngoài làm việc.

Theo báo cáo của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Cư Kuin, từ năm 2008 đến nay, đơn vị đã cho gần 200 lượt khách hàng vay vốn XKLĐ, với doanh số cho vay gần 5,3 tỷ đồng. Chương trình cho vay XKLĐ đã giúp nhiều người có được việc làm ổn định ở nước ngoài, thu nhập cao, đảm bảo đời sống của bản thân và gia đình.

Cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Cư Kuin hướng dẫn người dân làm thủ tục vay vốn xuất khẩu lao động.

Gia đình bà Nguyễn Thị Quý (thôn 1A, xã Cư Êwi) thuộc diện cận nghèo, có đến 10 người con nên đời sống đặc biệt khó khăn. Gia đình không đủ điều kiện để lo cho việc học hành, nên chưa tốt nghiệp THCS, các con của bà đã phải nghỉ học để đi làm thuê, hoặc ở nhà phụ bố mẹ làm nương rẫy, nhưng cái nghèo vẫn đeo bám. Tháng 11/2022, con trai bà là Trịnh Xuân Sơn quyết định đi XKLĐ sang Nhật Bản để tăng thu nhập cho gia đình. Nhờ tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi theo diện hộ cận nghèo để XKLĐ của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Cư Kuin với số tiền 61 triệu đồng mà gia đình giảm bớt được nỗi lo tài chính khi cho con xuất cảnh.

 

Tính đến cuối tháng 5/2023, tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Cư Kuin đạt gần 400 tỷ đồng, với hơn 10.000 hộ vay được ủy thác thông qua bốn hội, đoàn thể. Riêng dư nợ trong Chương trình cho vay XKLĐ hiện có gần 960 triệu đồng (tăng 560 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2022).

Sau hơn 7 tháng làm việc tại Nhật Bản, mỗi tháng trừ đi chi phí sinh hoạt, con trai bà dư ra khoảng 15 - 17 triệu đồng. Bà Quý khoe, đến nay con trai bà đã gửi về tổng cộng 150 triệu đồng; với khoản tiền này, bà có thể trả được khoản vay cho con XKLĐ và lo cho cuộc sống của gia đình đầy đủ, tiện nghi hơn.

Tương tự, kinh tế gia đình ông Lâm Văn Sáo (dân tộc Nùng, thôn 2, xã Cư Êwi) chỉ trông vào 1,5 ha trồng điều và cà phê. Nhiều năm nay, thời tiết và giá cả lên xuống thất thường khiến thu nhập của gia đình rất bấp bênh. Bởi vậy sau khi con gái ông là Lâm Thị Hiền tốt nghiệp THPT, gia đình đã quyết định cho con đi XKLĐ. Sau khi con gái nhận thông báo trúng tuyển làm lễ tân khách sạn tại Nhật Bản và chi phí hết khoảng 140 triệu đồng, ông lo lắng không biết xoay xở ở đâu. May mắn được Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn tại địa phương giới thiệu, ông đã kịp thời tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ Chương trình XKLĐ theo diện người dân tộc thiểu số, với số tiền 80 triệu đồng. Nhờ nguồn vốn vay, con gái ông đã thuận lợi đi XKLĐ và có một công việc ổn định, thu nhập cao. Sau gần 8 tháng làm việc, hiện con gái ông đã đều đặn mỗi tháng gửi về hơn 20 triệu đồng để gia đình trả nợ và tích lũy cho bản thân sau này khi kết thúc hợp đồng lao động tại nước ngoài.

Từ số tiền con gái xuất khẩu lao động gửi về mà gia đình ông Lâm Văn Sáo (thôn 2, xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin) sắm sửa được nhiều vật dụng, tu sửa căn nhà khang trang hơn.

Bà Hoàng Thị Thanh Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Phòng giao dịch NHCSXH huyện Cư Kuin cho biết, thời gian qua, đơn vị luôn làm tốt vai trò là trung gian, cầu nối giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có cơ hội tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi để tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, Chương trình tín dụng ưu đãi XKLĐ đã được bà con đánh giá cao và hiệu quả. Để tiếp tục thực hiện công tác cho vay XKLĐ hiệu quả, thời gian tới Phòng Giao dịch NHCSXH huyện sẽ tăng cường tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền địa phương phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể lãnh đạo, chỉ đạo về công tác XKLĐ. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hoạt động XKLĐ, giúp người dân nhận thức, nắm rõ thông tin về thị trường lao động nước ngoài. Bên cạnh đó, chủ động tuyên truyền đến bà con lựa chọn những doanh nghiệp có đủ tư cách pháp nhân, uy tín, không có các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực XKLĐ để tránh những thiệt hại đáng tiếc khi ra nước ngoài lao động.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết