Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần quy định rõ trong Điều lệ chính sách đối với cán bộ Công đoàn trưởng thành từ cơ sở

Để thực hiện tốt nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới, các đồng chí nguyên là lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, cần có chiến lược đối với đội ngũ Công đoàn, nhất là cán bộ Công đoàn cơ sở để đảm đương nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người lao động.

Ngày 4/6, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến các đồng chí nguyên lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam về dự thảo Điều lệ Công đoàn Việt Nam (sửa đổi, bổ sung).

Cần có chính sách với cán bộ Công đoàn

Các đồng chí nguyên lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam tham dự Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, trước mỗi kỳ Đại hội Công đoàn, Điều lệ Công đoàn Việt Nam đều được quan tâm nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế của từng giai đoạn lịch sử cũng như phù hợp với các quy định của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Trước nhiều yêu cầu mới đặt ra, nhất là nhu cầu, nguyện vọng cao hơn của đoàn viên, người lao động; với khát vọng phát triển đất nước hùng cường; hội nhập quốc tế ngày càng sôi động, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, đường lối chính sách pháp luật để thể chế hóa, cụ thể hóa cho phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới, trong đó có nhiều vấn đề liên quan trực tiếp đến tổ chức Công đoàn, đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động.

“Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 02-NQ/TW với những yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp rất cụ thể để đổi mới tổ chức, hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. Bên cạnh đó, Bộ luật Lao động 2019 đã quy định hành lang pháp lý cho phép tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp thành lập và hoạt động độc lập bên cạnh tổ chức Công đoàn Việt Nam; nhiều vấn đề mới nảy sinh trong quá trình phát triển như vũ bão của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4… Những vấn đề chưa có tiền lệ đối với tổ chức Công đoàn cần nghiên cứu, cụ thể hóa để đưa vào Điều lệ sửa đổi, bổ sung trình Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam” - Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh.

Cần có chính sách với cán bộ Công đoàn trưởng thành từ cơ sở

Góp ý tại hội thảo, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Cù Thị Hậu cho rằng, trong tình hình hiện nay, người lao động đang gặp nhiều khó khăn, do đó điều họ quan tâm nhất, cần nhất là vấn đề việc làm, thu nhập để nuôi gia đình, lo việc học tập của con... Đây cũng là vấn đề lớn đặt ra đối với tổ chức Công đoàn.

Theo bà Cù Thị Hậu, trước tình hình hiện nay, nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động phải là nhiệm vụ hàng đầu của Công đoàn, để xứng đáng là tổ chức lớn nhất của người lao động.

Để thực hiện nhiệm vụ trên, bà Cù Thị Hậu nhấn mạnh, cần có chiến lược đối với đội ngũ Công đoàn, nhất là cán bộ Công đoàn cơ sở để đảm đương nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng cho người lao động trong bối cảnh tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ra đời.

“Cán bộ Công đoàn cấp cơ sở sẽ nắm bắt trực tiếp người lao động nghĩ gì, muốn gì, làm gì; nếu cán bộ Công đoàn cơ sở không có năng lực, nhiệt tình, sâu sát thì tổ chức Công đoàn sẽ không thu hút được người lao động. Điều lệ Công đoàn Việt Nam cần nêu rõ nội dung đào tạo đội ngũ cán bộ Công đoàn xuất thân từ công nhân để đảm nhận các nhiệm vụ tại cơ sở”, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam góp ý.

Cần quy định rõ trong Điều lệ chính sách đối với cán bộ Công đoàn trưởng thành từ cơ sở
Nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Cù Thị Hậu (phải ảnh) và nguyên Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Hòa Bình (trái ảnh) tại Hội thảo.

Đồng thuận với quan điểm trên, nguyên Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đỗ Đức Ngọ cũng đề nghị bổ sung nguồn tuyển dụng cho đội ngũ cán bộ Công đoàn chủ yếu trưởng thành từ cơ sở và một số chuyên gia giỏi trên một số lĩnh vực. Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ hướng dẫn chi tiết điều này, vì cán bộ Công đoàn mà không trưởng thành từ phong trào, từ cơ sở, không được trải nghiệm và rèn luyện qua thực tiễn thì không thể hiểu được tâm tư, nguyện vọng và cuộc sống của người lao động. Tuy nhiên, đối với một số lĩnh vực như kinh tế, tài chính, luật pháp thì phải tuyển chọn các chuyên gia giỏi để tham mưu cho tổ chức Công đoàn tham gia với Nhà nước” - ông Đỗ Đức Ngọ phân tích.

Cần thống nhất các nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn

Góp ý vào Dự thảo Điều lệ, ghi nhận Tiểu ban soạn thảo đã cố gắng xây dựng Dự thảo 3 Điều lệ Công đoàn Việt Nam (sửa đổi, bổ sung) trên cơ sở tổng kết thực tiễn, kế thừa các quy định của Điều lệ hiện hành; bám sát Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, song nguyên Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Hòa Bình cho rằng, Tiểu ban soạn thảo cần xác định rõ hơn về nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức Công đoàn.

Theo ông Nguyễn Hòa Bình, Công đoàn Việt Nam là một tổ chức thống nhất, các cấp Công đoàn có nhiệm vụ chung và tùy theo mỗi cấp được cụ thể hóa phù hợp; mặc dù không đề cập nhiệm vụ nào quan trọng hơn nhiệm vụ nào; song trong dự thảo cho thấy quy định về nhiệm vụ quyền hạn của các cấp Công đoàn chưa thống nhất về thứ tự thể hiện, do đó chưa làm nổi bật nhiệm vụ chung mang tính nhất quán của tổ chức Công đoàn từ Trung ương đến cơ sở đã được quy định tại Luật Công đoàn.

“Theo Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12 tháng 6 năm 2021 của Bộ Chính trị về đổi mới hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới; phần “đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn đáp ứng yêu cầu tình hình mới” cũng đề cập thứ tự các nhiệm vụ: Đại diện, bảo vệ; bồi dưỡng rèn luyện nâng cao nhận thức; chăm lo lợi ích, giám sát, xây dựng quan hệ lao động hài hòa; tổ chức các phong trào thi đua; hoạt động đối ngoại; cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin; kiểm tra giám sát nội bộ, công tác nghiên cứu lý luận... Nghị quyết cũng chỉ rõ phải xây dựng nguồn tài chính đủ mạnh để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn.

Vì vậy, các quy định trong Điều lệ về nhiệm vụ của các cấp Công đoàn cần thể hiện thống nhất. Theo tôi nên quy định nhiệm vụ theo thứ tự: - Đại diện, bảo vệ... - Tuyên truyền, vận động... - Xây dựng phát triển tổ chức, công tác cán bộ - Tham gia quản lý... Sau đó là các nhiệm vụ: Kiểm tra, Tài chính, Nữ công, Đối ngoại (nếu có)”, nguyên Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nêu quan điểm.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...