Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số

Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, triển khai nhiều chủ trương, chính sách góp phần ổn định, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc.

Ngày 3/4, tại TP Cần Thơ, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp toàn thể lần thứ 6, nhiều nội dung, ý kiến quan trọng, tập trung liên quan đến công tác dân tộc.

Phiên họp do Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức, dự hội nghị còn có ông Y Thanh Hà Niê Kđăm, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; ông Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành ủy Cần Thơ; ông Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốcViệt Nam Trương Thị Ngọc Ánh, lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội; Ủy ban Dân tộc; Bộ Công An; Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và đại biểu của các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quốc Trung

Ông Y Thanh Hà Niê Kđăm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nhấn mạnh, các nội dung triển khai tại phiên họp này hết sức quan trọng để phục vụ cho Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV và hoàn thành nhiệm vụ công tác của Hội đồng Dân tộc từ nay đến hết năm 2023.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, đề ra và triển khai nhiều chủ trương, chính sách dân tộc, góp phần tạo sự ổn định, phát triển, nâng cao mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc.

Điều này được thể hiện rõ qua Chương trình của Chính phủ và triển khai giám sát giữa kỳ của Quốc hội việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 120 Phê duyệt Đề án Tổng thể và Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn gửi lời chúc tết Chôl Chnăm Thmây đến đồng bào dân tộc Khmer an lành, đầm ấm, vui tươi, hạnh phúc. Ảnh: Quốc Trung

Cũng theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, vừa qua Bộ Chính trị đã ban hành các Nghị quyết về phát triển các vùng trong cả nước, trong đó đều đề cập đến yêu cầu về phát triển kinh tế, xã hội của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Tại phiên họp, các đại biểu đã thảo luận làm rõ kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong năm 2022 và 3 tháng đầu năm nay; những kiến nghị thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Cũng trong khuôn khổ phiên làm việc, chiều ngày 3/4 tại Cần Thơ, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức hội thảo “Tham vấn chính sách phát triển kinh tế tập thể đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi)”.

Ông Y Thanh Hà Niê Kđăm, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nhận định, kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng. Mặc dù Luật Hợp tác xã năm 2012 đã được sửa đổi, nhưng kinh tế tập thể trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn còn chưa phát triển mạnh. Quy mô hợp tác xã chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ, phương thức sản xuất, vận hành, quản trị hợp tác xã còn lạc hậu, chưa có nhiều ứng dụng công nghệ, kiến thức mới vào sản xuất. Ngoài ra, số lượng các hợp tác xã được thành lập mới, số các hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, phát triển mạnh về quy mô chưa nhiều.

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm là do chưa có cơ chế đặc thù để hỗ trợ phù hợp, giải quyết đất đai, vốn và công nghệ cho các hợp tác xã; một số cơ chế được quy định trong luật nhưng chậm, chưa cụ thể hóa, hoặc việc cụ thể hóa khó thực hiện trong thực tiễn do yếu tố nguồn lực, điều kiện đảm bảo và chưa khả thi; nhận thức của một bộ phận cán bộ, chính quyền các cấp và người dân còn chưa đầy đủ về thành phần kinh tế tập thể này; cơ quan, bộ máy quản lý Nhà nước chưa có nhiều đổi mới theo hướng chuyên trách để kiến tạo, hỗ trợ thành phần kinh tế này phát triển.

Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số
Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại hội thảo

Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, trong điều kiện hiện nay, Đảng, Nhà nước đang cố gắng tập trung thực hiện kinh tế tập thể, có biểu dương, có mô hình cụ thể và cần có một tổ chức đại diện cho phù hợp đó chính là Liên minh Hợp tác xã. Liên minh Hợp tác xã cũng đã có các quy định chức năng nhiệm vụ, quy định rất rõ ràng. Tuy nhiên, hệ thống Liên minh Hợp tác xã hiện nay vẫn chưa hoàn chỉnh. Cụ thể, tại Điều 109, dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi), thì hệ thống Liên minh Hợp tác xã hiện mới chỉ có 2 cấp, Trung ương và địa phương. Trong khi đó, thực tế hiện nay Hợp tác xã chủ yếu hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp, tập trung chủ yếu ở cấp xã, cấp huyện. Do vậy, cần định hướng rõ hơn mô hình, hệ thống này ở 2 cấp huyện và xã mới đảm bảo công tác quản lý Nhà nước.

Ngoài ra, tại Khoản 2, Điều 109 dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) cần ghi rõ điều lệ của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam do Chính phủ phê duyệt, điều lệ Liên minh Hợp tác xã các địa phương do Ủy ban nhân dân các tỉnh phê duyệt. Để tránh trường hợp điều lệ các địa phương nhiều khi phê duyệt lại trái với điều lệ của tổ chức cấp trên, cần phải ràng buộc bằng câu "Điều lệ của Liên minh Hợp tác xã cấp tỉnh do Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt nhưng phải tuân thủ điều lệ của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam" khi dự thảo, phê duyệt điều lệ để đảm bảo tính hệ thống...


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết