Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gỡ vướng nhà lưu trú cho công nhân

Quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân là rất cần thiết, góp phần quan trọng tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn, vướng mắc trong mấy năm vừa qua về giải quyết nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân. Đồng thời, đây cũng là giải pháp để công nhân gắn bó hơn với tổ chức Công đoàn...

Giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư

Quan điểm của Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường khi cho ý kiến về Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), tại Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội có rất nhiều điểm mới quan trọng, được dư luận đặc biệt quan tâm như về thời hạn sở hữu nhà chung cư, các chính sách nhà ở xã hội, nhà lưu trú dành cho công nhân...

Gỡ vướng nhà lưu trú cho công nhân
Ảnh minh họa

Đồng tình với đề xuất giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cũng đề nghị Ban soạn thảo cần có giải trình đầy đủ để bảo đảm tính pháp lý cho đề xuất này.

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân là quy định mới so với Luật Nhà ở hiện hành. Theo Chủ tịch Quốc hội, trách nhiệm xây dựng nhà ở xã hội là trách nhiệm của Nhà nước, của chính quyền địa phương.

Nếu Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có quỹ đất riêng, phù hợp với quy hoạch thì được quyền đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân. Tuy nhiên, quy định này phải phù hợp với pháp luật về công đoàn, đấu thầu và các pháp luật khác có liên quan.

Báo cáo tổng kết việc thi hành Luật Nhà ở 2014 và định hướng sửa đổi Luật Nhà ở của Bộ Xây dựng cho biết, trong thực tế một số tổ chức như Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có nguồn lực tài chính, đã thực hiện đầu tư trực tiếp vào một số dự án nhà ở thuộc khu thiết chế của công đoàn tại một số địa phương có mong muốn tham gia làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở cho công nhân.

Tuy nhiên, Luật Nhà ở năm 2014 chưa có quy định cho phép Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nói chung và nhà ở phục vụ cho công nhân khu công nghiệp nên thiếu cơ sở pháp lý để triển khai trên thực tế.

Do đó, Bộ Xây dựng đề xuất bổ sung quy định cho phép Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại khu công nghiệp theo pháp luật về nhà ở.

Cân nhắc đối tượng được ở nhà lưu trú

Về đối tượng được hưởng chính sách nhà lưu trú cho công nhân, Ủy ban thẩm tra cho rằng, quy định “chuyên gia” (bao gồm cả chuyên gia nước ngoài) và “người lao động” đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp thuộc đối tượng này là chưa phù hợp.

Vì, nhiều đối tượng trong số này không phải là người có thu nhập thấp, có khó khăn về chỗ ở, có thể dẫn đến nguy cơ lạm dụng mục đích xây dựng nhà lưu trú cho công nhân nhưng sử dụng không đúng đối tượng. Do đó, cần bỏ nhóm đối tượng “chuyên gia” và “người lao động có thu nhập thuộc diện phải nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân” ra khỏi nhóm đối tượng được thuê nhà lưu trú dành cho công nhân.

Về xây dựng nhà lưu trú cho công nhân trong khu công nghiệp, Thường trực Ủy ban Pháp luật và một số Ủy ban tham gia thẩm tra nhận thấy quy định nêu trên của dự thảo Luật không thống nhất với quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai hiện hành và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là phần diện tích đất phát triển nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp phải nằm ngoài phạm vi ranh giới địa lý của khu công nghiệp.

Cơ quan thẩm tra cũng cho rằng, việc xây dựng nhà lưu trú cho công nhân không nên đưa vào khu công nghiệp nhằm bảo đảm an toàn lao động, an ninh trật tự trong khu công nghiệp, nhất là những khu công nghiệp lớn, có đông người lao động làm việc. Đồng thời, chuyên gia hoặc người lao động nước ngoài tại Việt Nam ngày càng đến nhiều trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nếu ở tập trung trong khu công nghiệp thì việc quản lý hành chính về trật tự và an ninh chính trị sẽ có nhiều phức tạp, khó khăn.

Bên cạnh đó, Ban quản lý các khu công nghiệp không phải là một cấp quản lý nhà nước nên khó có khả năng triển khai đầy đủ các biện pháp quản lý an toàn, an ninh, trật tự so với công tác quản lý nhà nước của chính quyền địa phương trên địa bàn.

Theo Dự thảo Luật, nhà lưu trú công nhân là nhà chung cư hoặc nhà liền kề một tầng phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; được thiết kế, xây dựng theo kiểu khép kín, bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng; tiêu chuẩn diện tích nhà lưu trú công nhân theo quy định của Chính phủ.

Đồng thuận địa điểm xây dựng thiết chế công đoàn

Hiện, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang triển khai đầu tư xây dựng thí điểm 2 Thiết chế Công đoàn tại tỉnh Hà Nam và Tiền Giang. Trong đó Dự án Thiết chế Công đoàn tại Khu công nghiệp Đồng Văn II, tỉnh Hà Nam có quy mô 4,04 ha, với tổng số 976 căn hộ, hiện nay đã hoàn thành giai đoạn 1 với số lượng khoảng hơn 300 căn hộ. Dự án Thiết chế Công đoàn tại Khu công nghiệp Mỹ Tho - Cụm công nghiệp Trung An tỉnh Tiền Giang có quy mô 3,05 ha, với 998 căn hộ, hiện đang được triển khai đầu tư xây dựng.

Ngoài ra, hiện nay Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang phối hợp với một số địa phương chuẩn bị công tác đầu tư thiết chế công đoàn, với 10 địa phương có văn bản giới thiệu, chấp thuận địa điểm xây dựng thiết chế công đoàn.

Tổng Liên đoàn đã ban hành các Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư công trình văn hóa thể thao thuộc quy hoạch khu thiết chế Công đoàn tại 5 địa phương, chuẩn bị đầu tư dự án tại 11 địa phương; đã tổ chức ký quy chế phối hợp xây dựng thiết chế công đoàn với 14 Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương...

Theo báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tính đến năm 2020 có khoảng 2,7 triệu công nhân khu công nghiệp, trong đó có khoảng 1,2 triệu công nhân có nhu cầu về nhà ở. Theo mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 sẽ phấn đấu đáp ứng cho khoảng 70% công nhân lao động tại các khu công nghiệp có nhu cầu được giải quyết chỗ ở (tương đương 840.000 người).

Tuy nhiên, kết quả phát triển nhà ở xã hội cho công nhân chưa đáp ứng được nhu cầu. Đến nay mới hoàn thành việc đầu tư xây dựng 126 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 62.700 căn hộ, với tổng diện tích 3.135.000m2; đang tiếp tục triển khai 127 dự án với quy mô xây dựng khoảng 160.900 căn hộ, tổng diện tích 8.045.000m2.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết