Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

"Mở khóa" thu hút nhân tài

Để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2023, thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đang nỗ lực nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CC-VC) người lao động trong các cơ quan hành chính. Trong đó đáng chú ý là Thành phố (TP) sẽ tổ chức tuyển dụng CC-VC từ nguồn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.

Trẻ hóa độ tuổi và nâng cao trình độ

Chủ đề năm 2023 được TP.HCM xác định là năm “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội”. Đây cũng là năm TP thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm cơ chế đặc thù cũng như thực hiện các chương trình lớn về phục hồi và phát triển kinh tế xã hội sau dịch Covid-19.

TP.HCM đang thực hiện nhiều chính sách để nâng cao chất lượng đội ngũ CC-VC trong đó có tuyển dụng sinh viên xuất sắc.

Trong bối cảnh đó, việc tuyển dụng CC-VC từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ có trình độ, năng lực chuyên môn cao, phẩm chất đạo đức tốt đáp ứng nhu cầu, yêu cầu công tác, phù hợp với vị trí việc làm để bổ sung đội ngũ công chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao và tạo nguồn cán bộ trong các cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn TP.

Theo đó, tổng số lượng công chức cần tuyển trong đợt này là 12 người, viên chức là 51 người. Các đơn vị có nhu cầu tuyển dụng gồm các Sở: Giáo dục và Đào tạo, Công thương, Du lịch, Y tế; UBND quận 12, huyện Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè; Ban Quản lý công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư. Dự kiến trong tháng 9/2023 Thành phố sẽ tổ chức thi tuyển tại Học viện Cán bộ TP.

Đối tượng đăng ký dự tuyển phải đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 140/2017/NĐ- CP ngày 5/12/2017 của Chính phủ. Các điều kiện mà ứng viên phải đáp ứng như tốt nghiệp đại học loại xuất sắc, trong độ tuổi quy định tại của Luật Thanh niên tính đến thời điểm nộp hồ sơ dự tuyển. Có thành tích xuất sắc trong học tập như đạt giải Ba cá nhân trở lên tại một trong các kỳ thi lựa chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, đạt giải Khuyến khích trở lên trong các kỳ thi lựa chọn học sinh giỏi cấp quốc gia hoặc Bằng khen trở lên trong các kỳ thi lựa chọn học sinh giỏi quốc tế thuộc môn toán, vật lý, hóa học, sinh học, tin học, ngữ văn, lịch sử, địa lý, ngoại ngữ. Đạt giải Ba cá nhân trở lên tại cuộc thi khoa học - kỹ thuật cấp quốc gia hoặc quốc tế được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận.

Người có trình độ thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp I, II, bác sĩ nội trú, dược sĩ chuyên khoa cấp II, II chuyên ngành y học, dược học trong độ tuổi quy định tại Luật Thanh niên tính đến thời điểm nộp hồ sơ dự tuyển.

Chính sách thu hút nhân tài

Việc tổ chức tuyển dụng CC-VC chức từ nguồn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ là cách làm hay của TP.HCM nhằm nâng cao chất lượng cán bộ, CC-VC; mở ra nhiều cơ hội và không gian cống hiến cho những tài năng trẻ có tâm huyết vì sự phát triển TP mang tên Bác.

Vừa qua Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 98 về thí điểm cơ chế đặc thù cho TP.HCM, trong qua đó trao quyền nhiều hơn cho Thành phố về tổ chức bộ máy chính quyền như cho phép TP quyết định bố trí ngân sách TP để chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, CC-VC, người lao động, người hoạt động không chuyên trách tại xã, phường, thị trấn…

Đồng thời cho phép TP được quyết định mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt; quyết định về nguyên tắc, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, mức thu nhập và các chính sách khác để tuyển dụng CC-VC từ nguồn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, người có trình độ cao phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của Thành phố.

Mới đây, phát biểu tại Kỳ thi tuyển dụng công chức khối Đảng, đoàn thể TP.HCM, đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết: Việc tuyển dụng đầu vào công chức được TP đặc biệt chú trọng. Khi có được lực lượng cán bộ năng lực chuyên môn tốt, tâm huyết sẽ góp phần rất lớn cho sự phát triển của TP.

Tuy nhiên để thu hút tài năng trẻ, nhất là sinh viên xuất sắc mới ra trường vào làm việc trong các cơ quan Nhà nước là điều không hề dễ. Em Quách Quế Chi, sinh viên khoa Kinh tế đối ngoại, Đại học Quốc tế Sài Gòn cho rằng: Chế độ đãi ngộ và quy trình tuyển dụng là rào cản khiến bản thân không “mặn mà” khi vào làm việc ở môi trường Nhà nước, nhất là vấn đề thu nhập. Hiện nay mức lương sinh viên mới ra trường dao động từ 7 - 10 triệu đồng, chưa kể có thêm nhiều chế độ, phúc lợi khác. Trong khi lộ trình tăng lương ở công ty tư nhân rõ ràng, mức tăng có thể đến 15 - 20 triệu đồng/tháng, thời gian ký hợp đồng cũng mau chóng nhưng điều này lại trải qua nhiều giai đoạn, nhiều thủ tục, bằng cấp, chứng chỉ ở môi trường Nhà nước.

“Em chưa từng ứng tuyển vào cơ quan Nhà nước, nhưng em thấy những giáo viên vừa mới ra trường để được ký hợp đồng dài hạn rất khó. Do vậy, em chưa có ý định ứng tuyển vào cơ quan Nhà nước khi ra trường”, Quế Chi chia sẻ.

Cùng quan điểm, em Cao Thị Ngọc Uyên, sinh viên Khoa Marketing, Đại học Công nghệ TP.HCM cho biết, thu nhập và cơ hội thăng tiến chính là nguyên nhân khiến bản thân e ngại khi suy nghĩ về việc ứng tuyển vào cơ quan Nhà nước mặc dù TP.HCM đang có nhiều chính sách thu hút.

Với gánh nặng chi phí thuê trọ, sinh hoạt, đi lại… mỗi tháng tốn hết khoảng 7 - 8 triệu đồng thì việc vào cơ quan Nhà nước để làm với mức lương khoảng 10 triệu đồng/tháng là không đủ hấp dẫn. Nhất là lộ trình tăng lương theo hệ số, mỗi lần tăng lương chỉ tầm vài trăm nghìn đồng. Trong khi đó, ở công ty tư nhân, mức lương cho sinh viên ngành Marketing mới ra trường đã dao động từ 8 - 12 triệu đồng và có nhiều cơ hội làm việc ở các công ty lớn.

Trên thực tế, thời gian qua TP.HCM đã thực hiện nhiều chính sách thu hút nhân tài và đã có nhiều kết quả quan trọng. Vào năm 2021, Thành ủy TP.HCM ban hành Đề án 01-ĐA/TU về hỗ trợ, phát triển tài năng trẻ và lãnh đạo tương lai của TP.HCM giai đoạn 2020 - 2035.

Theo đánh giá của Thành ủy TP.HCM, với vai trò là một Trung tâm kinh tế lớn của cả nước, TP.HCM đứng trước nhiều khó khăn trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ cán bộ, lãnh đạo quản lý các cấp để thực hiện các mục tiêu cho hệ thống chính trị có đủ phẩm chất, năng lực; có trình độ chuyên môn cao, có trình độ lý luận chính trị đề xứng tầm với yêu cầu phát triển chung của thành phố.

Một trong nhiều giải pháp quan trọng mà TP thực hiện là sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý; tăng cường bố trí cán bộ trẻ về công tác ở phường, xã, thị trấn; luân chuyển cán bộ, nhất là cán bộ trẻ có triển vọng phát triển đã được quy hoạch dự bị các chức danh về cơ sở để rèn luyện, thử thách, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn.

Đồng thời tổ chức thi tuyển chọn lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội TP, quận, huyện. Đáng chú ý, TP sẽ không ngừng xây dựng đội ngũ lãnh đạo tương lai là những người có tài năng, các nhà khoa học, cán bộ, công chức, đảng viên có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực thực tiễn thuộc tài năng trẻ tiêu biểu và cán bộ, CC-VC trẻ, có độ tuổi dưới 35 tuổi, có trình độ, năng lực vượt trội.

Theo Đề án 01-ĐA/TU của Thành ủy TP.HCM, đến năm 2025, TP phấn đấu thu hút ít nhất 50 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ vào công tác ở các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội; các đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước. Tuyển chọn và cử đào tạo ít nhất 10 tiến sĩ, 100 thạc sĩ; tuyển chọn ít nhất 50 công nhân để đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...