Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Để người lao động được thụ hưởng nhiều quyền lợi

Tại nhiều doanh nghiệp, Công đoàn đã đại diện người lao động (NLĐ) thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) với người sử dụng lao động, trong đó có nhiều điều khoản có lợi cho NLĐ và cao hơn so với quy định của pháp luật. Nhờ đó, NLĐ được thụ hưởng nhiều quyền lợi thiết thực, vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho NLĐ của tổ chức Công đoàn được khẳng định.

Đưa vào TƯLĐTT nhiều điều khoản có lợi cho NLĐ

Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của thương lượng, ký kết TƯLĐTT đối với việc thực hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho NLĐ của tổ chức Công đoàn, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội đã tập trung chỉ đạo các cấp Công đoàn tăng cường vai trò đại diện cho NLĐ để đề xuất, đối thoại, thương lượng và ký kết TƯLĐTT với người sử dụng lao động, trong đó tập trung vào các nội dung như: Tiền lương, chất lượng bữa ăn ca, khen thưởng khi NLĐ đóng góp sáng kiến cải tiến có giá trị làm lợi cho doanh nghiệp…

Để người lao động được thụ hưởng nhiều quyền lợi
Thông qua việc thương lượng, ký kết TƯLĐTT, chất lượng bữa ăn ca của người lao động ngày càng được cải thiện. Ảnh: Mai Quý

Ngoài ra, LĐLĐ thành phố Hà Nội đã triển khai hiệu quả Đề án thí điểm “Nâng cao hoạt động đối thoại, thương lượng, ký kết TƯLĐTT trong doanh nghiệp” cùng với cơ chế hỗ trợ kinh phí cho các cá nhân là cán bộ Công đoàn cấp trên cơ sở và cán bộ Công đoàn cơ sở trực tiếp tham gia hoạt động thương lượng, ký kết TƯLĐTT. Từ đó tạo ra nguồn cổ vũ, động viên, tiếp thêm động lực cho đội ngũ cán bộ Công đoàn trong hoạt động thương lượng, ký kết TƯLĐTT.

Song song với đó, LĐLĐ Thành phố đã xây dựng, phát hành “Bộ tài liệu hướng dẫn hoạt động thương lượng, ký kết TƯLĐTT tại doanh nghiệp” gồm các biểu mẫu, hướng dẫn theo quy trình rút gọn từ 7 bước xuống còn 3 bước, đảm bảo dễ hiểu, dễ thực hiện, kèm theo đó là ngân hàng các nội dung đề xuất thương lượng để các Công đoàn cơ sở tham khảo khi đề xuất với người sử dụng lao động. LĐLĐ Thành phố cũng đã thành lập “Tổ tư vấn, hỗ trợ thương lượng ký kết TƯLĐTT” để hỗ trợ, hướng dẫn Công đoàn cơ sở về quy trình, cách thức tổ chức thương lượng, ký kết TƯLĐTT tại doanh nghiệp; đồng thời, thiết lập các nhóm Zalo để tạo diễn đàn cho cán bộ Công đoàn chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong công tác thương lượng, ký kết TƯLĐTT.

Từ sự chỉ đạo quyết liệt của LĐLĐ Thành phố và sự vào cuộc chủ động, trách nhiệm của các cấp Công đoàn, nhất là Công đoàn cơ sở, nhiều bản TƯLĐTT được ký kết đã có những điều khoản có lợi hơn cho NLĐ so với quy định của pháp luật như: Tiền lương tối thiểu cao hơn 5 - 7% so với mức lương tối thiểu của Chính phủ quy định; tiền lương thử việc ít nhất bằng 90% mức lương hiện hưởng; thời gian làm việc 7 giờ/ngày hoặc được nghỉ từ 1 - 2 ngày thứ 7 trong tháng; NLĐ được nghỉ hưởng nguyên lương vào ngày thành lập doanh nghiệp; NLĐ được hỗ trợ bữa ăn ca trị giá từ 20.000 đồng - 30.000 đồng, ngoài ra khi làm thêm từ 2 giờ trở lên được hỗ trợ một bữa ăn ca tương đương 15.000 đồng; tiền thưởng lương tháng thứ 13; được hỗ trợ tiền nhà trọ (hoặc tiền đi lại), tiền nuôi con nhỏ, phụ cấp chuyên cần, phụ cấp thâm niên…

Kinh nghiệm hay từ cơ sở

Chia sẻ kinh nghiệm thương lượng, ký kết TƯLĐTT tại đơn vị, bà Nguyễn Thị Bích Hòa - Chủ tịch Công đoàn Công ty HHKT Chin lan shing Rubber Hà Tây cho biết, khi đàm phán, thương lượng với người sử dụng lao động, Ban Chấp hành Công đoàn Công ty đã đặc biệt quan tâm đến các nội dung như: Thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, chế độ nghỉ hàng tuần, nghỉ ngày lễ, ngày tết, nghỉ việc riêng và nghỉ phép năm; tiền lương, tiền thưởng và phụ cấp lương; vấn đề an toàn vệ sinh lao động; phúc lợi tập thể, tiền ăn ca…

Theo bà Nguyễn Thị Bích Hòa, để làm tốt vai trò của Công đoàn cơ sở trong quá trình thương lượng, ký kết TƯLĐTT, cán bộ Công đoàn cần có kỹ năng thu thập thông tin, kỹ năng tổ chức lấy ý kiến của tập thể NLĐ; kỹ năng tổ chức cuộc thương lượng. Ngoài ra, cán bộ Công đoàn cần thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, tiếp thu những kiến thức, kỹ năng cần thiết để tham gia thương lượng, xây dựng TƯLĐTT tại đơn vị. Trong quá trình thương lượng, ký kết TƯLĐTT, cán bộ Công đoàn phải hết sức linh hoạt, kịp thời nắm bắt những kiến thức luật pháp và các thông tư luật, nghị định mới liên quan đến NLĐ để tư vấn cho Ban lãnh đạo Công ty; đồng thời, cán bộ Công đoàn cần giúp cho Ban lãnh đạo Công ty nhận thấy được việc xây dựng TƯLĐTT là tạo thêm những quyền lợi cao hơn luật cho NLĐ, từ đó, NLĐ càng thêm tin tưởng và gắn bó lâu dài với Công ty.

Tại Công ty Cổ phần Dược phẩm Thiết bị Y tế Hà Nội, theo bà Nguyễn Quỳnh Diệp - Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty, để xây dựng và đưa vào thực hiện có hiệu quả TƯLĐTT, Công đoàn Công ty đã làm tốt công tác thu thập và xử lý thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh, đời sống vật chất, tinh thần của NLĐ cũng như đề xuất, kiến nghị của NLĐ. Trước khi ký kết, dự thảo TƯLĐTT được các bên đàm phán lấy ý kiến của toàn bộ NLĐ trong doanh nghiệp và chỉ ký kết TƯLĐTT doanh nghiệp khi có trên 50% NLĐ của doanh nghiệp biểu quyết tán thành. Sau khi ký kết TƯLĐTT, Công đoàn tập trung tuyên truyền, phổ biến các nội dung của TƯLĐTT đến NLĐ; kiến nghị người sử dụng lao động điều chỉnh các hợp đồng lao động đã được ký có lợi ích thấp hơn, các quy định về lao động trong doanh nghiệp cho phù hợp với TƯLĐTT mới; phối hợp với người sử dụng lao động kiểm tra định kỳ việc thực hiện TƯTĐTT của các bên.

Phải khẳng định rằng, với việc đại diện cho NLĐ thương lượng, ký kết TƯLĐTT, Công đoàn ngày càng nâng cao vai trò đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho NLĐ; đồng thời là “cầu nối” để xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ và phát triển ổn định, bền vững tại doanh nghiệp.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...