A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sốt xuất huyết gia tăng báo động tại TPHCM

Sốt xuất huyết tại TPHCM đang diễn biến phức tạp với số ca mắc và tử vong tăng so với cùng kỳ. 

Diệt lăng quăng giúp phòng, ngừa bệnh Sốt xuất huyết.
Diệt lăng quăng giúp phòng, ngừa bệnh Sốt xuất huyết.

Trước bối cảnh đó, ngành Y tế cả nước đã và đang chủ động triển khai một chiến lược phòng chống toàn diện, quyết liệt với tinh thần "không chờ dịch bùng phát", nhằm kiểm soát tình hình và bảo vệ sức khỏe người dân.

6 ca tử vong

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC), tình hình dịch sốt xuất huyết trên địa bàn đang ở mức báo động. Tính tích lũy trong 27 tuần đầu năm 2025, thành phố ghi nhận 14.370 ca bệnh, tăng 153,3% so với cùng kỳ năm 2024. Đáng chú ý, có 6 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.

Trong tuần 27 (từ ngày 30/6 đến 6/7), toàn thành phố có thêm 838 ca mắc mới, tiếp tục gia tăng so với tuần trước. Các chuyên gia dịch tễ nhận định, TPHCM đang bước vào cao điểm mùa mưa, tạo điều kiện lý tưởng cho muỗi vằn, trung gian truyền bệnh sinh sôi và phát triển mạnh.

Bên cạnh đó, số ca mắc hàng tuần có xu hướng tăng nhanh và lan rộng trên nhiều địa bàn. Nếu công tác diệt lăng quăng, kiểm soát ổ dịch tại cộng đồng không được duy trì quyết liệt và thường xuyên, nguy cơ hình thành các chuỗi lây nhiễm thứ phát rất cao. Điều này có thể gây áp lực lên hệ thống điều trị, đặc biệt là tại các bệnh viện nhi và bệnh viện tuyến quận, huyện.

bieu-do-dien-tien-benh-sot-xuat-huyet-theo-tuan-nam-2025.jpg

Biểu đồ diễn tiến bệnh sốt xuất huyết theo tuần, năm 2025.

So sánh với chu kỳ dịch bệnh từ năm 2019-2022, giai đoạn từ giữa tháng 6 đến cuối tháng 8 luôn là thời điểm dịch bùng phát mạnh nhất. Với xu hướng hiện tại, TPHCM xác định phương châm hành động then chốt là "chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm, xử lý triệt để".

Trước tình hình này, ngành Y tế thành phố triển khai hàng loạt biện pháp ứng phó. Công tác giám sát dịch tễ, xử lý ổ dịch và đánh giá các điểm nguy cơ được tăng cường.

Hoạt động truyền thông được đẩy mạnh qua nhiều kênh, từ báo đài đến các nền tảng trực tuyến như ứng dụng "Y tế trực tuyến" để tiếp nhận phản ánh của người dân về các điểm có nguy cơ phát sinh dịch bệnh.

Hành động từ sớm, từ xa

Không chỉ riêng TPHCM, nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết đang hiện hữu trên cả nước. Tuy nhiên, ông Võ Hải Sơn – Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, nhận định, tình hình dịch bệnh trên toàn quốc cơ bản vẫn đang trong tầm kiểm soát nhờ việc triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống với tinh thần “từ sớm, từ xa, không để khi xảy ra dịch mới triển khai”.

Theo ông Sơn, một trong những lo ngại lớn nhất hiện nay là chu kỳ bùng phát dịch đang có xu hướng rút ngắn, từ 5 năm/lần xuống còn 3-4 năm/lần. Với đợt dịch lớn gần nhất năm 2022 với hơn 370.000 ca mắc, cảnh báo nguy cơ dịch bùng phát trở lại trong năm 2025 là rất lớn nếu các địa phương không hành động quyết liệt.

Chính vì vậy, từ tháng 4, Bộ có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu tăng cường phòng chống, hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết.

Tiếp đó, ngày 24/5, Bộ Y tế tiếp tục có công văn chỉ đạo tổ chức chiến dịch cao điểm trong hai tháng 6 và 7, thời điểm nguy cơ dịch đạt đỉnh. Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT triển khai các biện pháp bảo vệ sức khỏe học sinh trong trường học.

a81c2e40037bb525ec6a.jpg

Phát tờ rơi và hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp xử lý vật chứa nước.

Trên thực tế, nhiều tỉnh, thành chủ động xác định các điểm nóng, vùng có ổ dịch cũ để giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm ca bệnh và xử lý triệt để ổ dịch ngay từ đầu, không để lây lan kéo dài.

“Các hoạt động phun hóa chất diệt muỗi, chiến dịch ra quân diệt lăng quăng, bọ gậy được triển khai sâu rộng. Việc triển khai sớm và đúng trọng điểm đã góp phần quan trọng giúp kiểm soát ổn định tình hình dịch đến thời điểm hiện tại", ông Sơn khẳng định.

Không chỉ hệ thống y tế, hệ thống chính trị ở cơ sở cũng được huy động phòng chống dịch bệnh. Chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội, cán bộ tổ dân phố và người có uy tín trong cộng đồng cùng tham gia tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp đơn giản mà hiệu quả như: ngủ màn kể cả ban ngày; Đậy kín các dụng cụ chứa nước và dành 10 phút mỗi tuần diệt lăng quăng.

Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur liên tục cử đoàn công tác hỗ trợ kỹ thuật, giúp các địa phương "khoanh gọn, dập nhanh" các ổ dịch tiềm ẩn, góp phần kiểm soát tốt tốc độ lây lan trên cả nước.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...