Xuất khẩu lao động cán đích sớm chỉ tiêu
Sau một thời gian ảm đạm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hiện nay, thị trường xuất khẩu lao động đang phục hồi mạnh mẽ. Đến thời điểm hiện tại, kế hoạch đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài năm 2022 đã được thực hiện vượt chỉ tiêu và vẫn còn nhiều tín hiệu lạc quan cho thị trường xuất khẩu lao động trong thời gian tới.
Cán đích sớm
Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), xuất khẩu lao động năm 2022 đã về đích sớm. Cụ thể, chỉ tính riêng tháng 9/2022, số lao động đi làm việc ở nước ngoài là 8.180 người, cao gấp hơn 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái là 776 lao động. Số lao động đi làm việc tại các thị trường trong tháng 9/2022 gồm: Đài Loan (Trung Quốc) 5.027 lao động, Nhật Bản 2.775 lao động, Trung Quốc 168 lao động, Singapore 49 lao động, Hungary 46 lao động, Hàn Quốc và Liên bang Nga, mỗi nước 21 lao động, Algeria 18 lao động, Hồng Kông (Trung Quốc) và Ba Lan mỗi nước 17 lao động...
Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung trong một chuyến công tác tại Nhật Bản để xúc tiến hợp tác đưa lao động Việt Nam sang Nhật Bản làm việc. |
Tính chung, 9 tháng năm 2022, các doanh nghiệp đã đưa 103.026 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 114,4% mục tiêu kế hoạch năm (năm 2022 dự tính kế hoạch đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 90.000 lao động). Đặc biệt, số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng 2,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái (9 tháng năm 2021 tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 42.818 lao động).
Trong đó, Nhật Bản tiếp tục là thị trường dẫn đầu tiếp nhận lao động trong 9 tháng qua với 51.859 người, tiếp theo là Đài Loan (Trung Quốc) với 44.584 lao động, Hàn Quốc với 1.668 lao động, Singapore 1.498 lao động, Trung Quốc 643 lao động, Romania 540 lao động, Hungary 522 lao động, Liên bang Nga 318 lao động, Ba Lan 315 lao động và các thị trường khác.
Theo các chuyên gia, sự thay đổi về các chính sách phòng chống dịch bệnh Covid-19 của nhiều quốc gia nhằm thích ứng, phục hồi phát triển kinh tế chính là yếu tố góp phần giúp công tác xuất khẩu lao động năm 2022 về đích sớm. Trong đó, chính sách mở cửa tiếp nhận trở lại lao động nước ngoài của các quốc gia đã tạo điều kiện để Việt Nam đưa được nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Cụ thể, thị trường các nước châu Âu mở lại từ năm 2021, Hàn Quốc mở lại từ tháng 5/2021, Đài Loan (Trung Quốc) mở lại từ ngày 15/2/2022, Nhật Bản mở lại từ tháng 3/2022 và một số thị trường lao động khác cũng đã có chính sách tiếp nhận lao động với các điều kiện, quy định phù hợp.
Sự phục hồi của thị trường xuất khẩu lao động cũng có nguyên nhân từ các giải pháp tích cực trong nước. Đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho biết, từ đầu năm 2022, sau khi đại dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát ở Việt Nam và trên toàn thế giới, Bộ LĐTBXH đã triển khai ngay các giải pháp phát triển thị trường lao động ngoài nước như đàm phán với cơ quan chức năng của Israel về Hiệp định hợp tác lao động Việt Nam-Israel, dự thảo Biên bản thỏa thuận (MOU) về lao động nông nghiệp với Australia, xây dựng Thỏa thuận về tuyển dụng lao động giữa Việt Nam và Thái Lan.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã ký Bản thỏa thuận hợp tác đưa lao động đi làm việc với một số nước khu vực châu Âu như Đức, Romania, Czech, Bulgaria; trao đổi “Bản ghi nhớ về tuyển dụng, việc làm và hồi hương lao động giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Malaysia.”… Đồng thời, Bộ cũng chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động duy trì và phát triển các thị trường tiếp nhận lao động; kịp thời nắm bắt các thông tin về tình hình dịch Covid-19, chính sách, quy định mới về tiếp nhận lao động đối phó với tình hình diễn biến dịch Covid-19 tại các nước; hướng dẫn các doanh nghiệp tổ chức đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đảm bảo các quy định về phòng chống dịch của nước sở tại...
Tiếp tục nâng cao chất lượng lao động
Bộ LĐTBXH cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai các hoạt động theo thỏa thuận đã ký với các nước tiếp nhận lao động; các biện pháp ổn định và phát triển thị trường truyền thống; đàm phán với phía Hàn Quốc để ký kết biên bản ghi nhớ phái cử và tiếp nhận người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS; thúc đẩy việc ký kết thỏa thuận hợp tác lao động với Algeria, Kuwait… nhằm tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu lao động. Dự kiến, năm 2023, Việt Nam sẽ đưa khoảng 110.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Có thể thấy, công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài hứa hẹn nhiều khởi sắc.
Theo Bộ LĐTBXH, thị trường tiếp nhận lao động nước ngoài ngày càng mở rộng và phát triển, từ 9 thị trường năm 2013, đến nay đã mở rộng được lên tới 25 thị trường; đưa được hơn 1 triệu lượt người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài, tạo việc làm cho khoảng từ 7-10% lực lượng lao động tăng thêm hàng năm. Thu nhập người lao động làm việc ở nước ngoài tương đối ổn định, bình quân 200 triệu đồng người/năm, cao hơn nhiều so với làm việc trong nước cùng ngành nghề. |
Tuy nhiên, một trong những vấn đề nhức nhối nhiều năm tồn tại trong công tác đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đó là tình trạng lao động hết hạn hợp đồng không về nước, cư trú bất hợp pháp cũng như chất lượng nguồn nhân lực khi đi làm việc tại nước ngoài. Đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTBXH cho biết, để có được nguồn nhân lực chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu của các thị trường khó tính, cần phải đào tạo, trang bị kiến thức cho người lao động trước khi xuất cảnh. Điều này được quy định cụ thể trong Luật Người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng. Vì vậy, việc đào tạo ngoại ngữ, đào tạo nghề và trang bị kỹ năng mềm cho người lao động là yêu cầu bắt buộc.
Đề cập về giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khi đi làm việc ở nước ngoài, trong một phiên họp Ủy ban Xã hội của Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian tới, việc đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài sẽ theo hướng có chọn lọc hơn. Theo đó, sẽ từng bước cân đối lực lượng lao động trong nước và đi nước ngoài theo hướng có lợi nhất cho người lao động. Đồng thời, Bộ LĐTBXH sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có chính sách đào tạo lại lao động (về ngoại ngữ, tay nghề, kiến thức cơ bản về luật của nước sở tại và ý thức tổ chức kỷ luật...) nhằm nâng cao chất lượng lao động.
Song song với các giải pháp nâng cao chất lượng nhân lực xuất khẩu lao động, lãnh đạo Bộ LĐTBXH cũng cho biết, sẽ triển khai một số công việc như kiểm tra, rà soát toàn diện, cụ thể hoạt động xuất khẩu lao động, từ địa phương đến doanh nghiệp dịch vụ xuất khẩu lao động để có giải pháp xử lý những vi phạm trong xuất khẩu lao động, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho người lao động thấy được các lợi ích của việc đi xuất khẩu lao động, trong đó có mục tiêu tổng quát đối với từng người lao động là đi làm thuê hôm nay ở nước ngoài để trở thành người chủ khi trở về nước trong tương lai.